Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Biện pháp làm giảm tình trạng tham nhũng

Thái Hải

Thứ hai, 19/12/2022 - 14:49

(Thanh tra ) - Đó là một trong những biện pháp đưa ra tại Đề tài Khoa học cơ sở “Vai trò của Chính phủ điện tử trong phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam” do ThS Ngô Thu Trang, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm được Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao.

Toàn cảnh Hội đồng Nghiệm thu đề tài khoa học cơ sở. Ảnh: TH

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, tham nhũng vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối ở mọi quốc gia trong suốt nhiều thập kỷ qua. Mỗi quốc gia sử dụng nhiều phương thức khác nhau để phòng, chống tham nhũng (PCTN). Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các giải pháp hiện đại được đưa ra để giải quyết tình trạng tham nhũng này. Trong đó, Chính phủ điện tử được coi là điểm sáng nổi bật.

Nhờ có Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trở nên dễ tiếp cận, hoạt động quản trị nhà nước trở nên minh bạch hơn, từ đó góp phần quan trọng trong việc PCTN.

Năm 2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó nhấn mạnh, tăng cường công khai minh bạch và PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ điện tử.

Đến nay, việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Các quy định về việc ứng dụng Chính phủ điện tử trong PCTN vẫn còn chung chung, nằm rải rác, chưa đồng bộ, nhiều quy định mang tính hình thức gây lúng túng khi thực hiện như các quy định về hình thức triển khai; thẩm quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc chia sẻ dữ liệu; phương thức đảm bảo an toàn thông tin... Nhiều quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài về “Vai trò của Chính phủ điện tử trong PCTN tại Việt Nam” là cần thiết để làm rõ những vấn đề lý luận chung về vai trò của chính phủ điện tử trong PCTN; đánh giá quy định pháp luật, thực tiễn áp dụng và chỉ rõ những bất cập, hạn chế của mô hình Chính phủ điện tử trong PCTN tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất các phương hướng và giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử trong PCTN trong thời gian tới.

Đề tài được chia thành 3 chương: Chương I: Một số vấn đề chung về vai trò của Chính phủ điện tử trong PCTN tại Việt Nam; Chương II: Thực trạng ứng dụng Chính phủ điện tử trong PCTN tại Việt Nam; Chương III: Phương hướng và giải pháp nâng cao vai trò của Chính phủ điện tử trong PCTN.

Tại Chương III, đề tài đã đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử trong PCTN. Trong đó, việc ứng dụng Chính phủ điện tử vào PCTN phải có trọng tâm, trọng điểm, công tác chỉ đạo, điều hành đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra sự thống nhất từ cấp trên xuống cấp dưới trong việc giải quyết công việc. Nhờ có công nghệ thông tin việc chỉ đạo, điều hành trở nên dễ theo dõi và kiểm soát hơn tránh sự lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống theo ngành và lĩnh vực. Các khâu giao việc, đưa ra quyết định, giải quyết công việc… đều được ghi nhận lại trên hệ thống tạo ra sự thuận tiện cho việc kịp thời phát hiện ra những sai phạm trong quản lý điều hành.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử. Với các ứng dụng, dịch vụ số như:  Hệthống tích hợp cổng dịch vụ công, hệthống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành; ứng dụng công nghệsố để cá nhân hóa giao diện; phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân theo các sự kiện trong cuộc đời; ứng dụng mạnh mẽ công nghệtrí tuệnhân tạo trong cung cấp dịch như trợ lý ảo, trả lời tự động.

Đặc biệt, triển khai kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; phát triển hệ thống thông tin báo cáo, tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ chỉ đạo, điều hành. Còn doanh nghiệp cũng có thể tham gia cung cấp dịch vụ công để xã hội hoá các dịch vụ, hạn chế sự hách dịch, cửa quyền, cơ chế xin - cho từ lề lối làm việc của cơ quan Nhà nước.

“Khi triển khai việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến này giúp giảm tình trạng hối lộ cán bộ thực hiện để đạt những ưu tiên hoặc bớt sự nhũng nhiễu, gây khó khăn và đòi hỏi chi phí không chính thức trong việc giao dịch từ phía người dân và doanh nghiệp cũng như yêu cầu từ phía cán bộ Nhà nước” - Chủ nhiệm đề tài khẳng định.

Ban Chủ nhiệm đề tài cũng cho rằng, cần bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các biện pháp PCTN khác, ngoài việc ứng dụng Chính phủ điện tử trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thì cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các phương thức PCTN khác để mang lại hiệu quả các nhất cho công tác này.

“Xét về bản chất, Chính phủ điện tử là làm mới những phương thức cũ bằng phương thức 4 “Không”: Xử lý văn bản không giấy, họp không gặp mặt, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc, thanh toán dịch vụ không sử dụng tiền mặt. Như vậy không có nghĩa là Chính phủ điện tử quyết định được việc có chấm dứt tham nhũng, tiêu cực hay không” - Ban Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Đánh giá về kết quả nghiên cứu đề tài, Hội đồng Nghiệm thu cho rằng, đây là một đề tài khoa học mang tính thực tiễn cao, khả năng ứng dụng trong thực tế là hoàn toàn có cơ sở. Các giải pháp kiến nghị của đề tài đưa ra mang tính phổ quát, nhưng lại rất cụ thể, đó là các giải pháp chung về mặt chỉ đạo điều hành, tuyên truyền nhận thức và các giải pháp cụ thể gắn với công tác PCTN hiện nay. Từ đó có thể thấy rằng, việc tổ chức thực hiện các giải pháp như đề tài đã nêu là khả thi trong tình hình bối cảnh đất nước hiện nay.

Với những kết quả nghiên cứu, đề tài được đánh giá đạt loại tốt.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm