Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bị trù dập, đe dọa, người tố cáo phải làm gì để được bảo vệ?

Thứ ba, 24/07/2018 - 14:28

(Thanh tra)- Khi có căn cứ bị trù dập, phân biệt đối xử hay vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc, người tố cáo phải có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ…

Việc bảo vệ người tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Ảnh minh họa: Internet

So với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019) đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục bảo vệ người tố cáo.

“Luật mới đã quy định việc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ”, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh thông tin.

Khi khẩn cấp, có thể điện thoại đề nghị được bảo vệ ngay

Cụ thể, khi có căn cứ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc… thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.

Văn bản đề nghị phải có các nội dung chính sau: ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.

“Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản”, Luật Tố cáo năm 2018 quy định rõ.

Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ thì kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.

2 trường hợp chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ

Theo quy định của Luật, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm các nội dung chính sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ; nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ; thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.

Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.

Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt trong 2 trường hợp. Đó là, khi người giải quyết tố cáo đã ra kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Cơ quan đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ khi xét thấy căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ không còn hoặc theo đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ.

Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định rõ, cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có thể thay đổi, bổ sung việc áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ.

Từ chối phải nêu rõ lý do, thông báo bằng văn bản

Cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức việc áp dụng các biện pháp bảo vệ; chịu trách nhiệm về quyết định của mình; lập, quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật; theo dõi, giải quyết những vướng mắc nảy sinh; gửi báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Còn các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp không thực hiện được yêu cầu, đề nghị đó thì phải báo cáo hoặc thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do đến cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; báo cáo hoặc thông báo về kết quả thực hiện việc bảo vệ cho cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Cũng theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018, việc bảo vệ người tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Căn cứ vào vụ việc cụ thể, hồ sơ này gồm: Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo; yêu cầu hoặc đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người giải quyết tố cáo; kết quả xác minh thông tin về đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; văn bản đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; văn bản về việc thay đổi, bổ sung, chấm dứt biện pháp bảo vệ.

Hồ sơ còn phải có văn bản yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp áp dụng biện pháp bảo vệ; báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ; văn bản chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; tài liệu khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp bảo vệ.

“Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo”, Luật quy định.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm