Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng - “Bệnh mãn tính” trong ngành Y tế Maroc

Thứ hai, 16/01/2012 - 13:53

(Thanh tra) - Nhận hối lộ, thiên vị, hưởng lợi ích “từ trên trời rơi xuống”… là những nét chủ đạo trong “bức tranh” tham nhũng của hệ thống y tế Maroc hiện nay. Thực trạng này là kết quả nghiên cứu vừa được công bố bởi Cơ quan Trung ương Phòng, chống tham nhũng Maroc (ICPC).

Hối lộ để được KCB diễn ra thường xuyên trong ngành Y tế Maroc

Lần đầu tiên, một kết quả nghiên cứu về tình trạng tham nhũng trong ngành Y tế ở Maroc được công bố công khai, do Viện Nghiên cứu Mazars (thuộc ICPC) tiến hành thực hiện. Mazars đã tập trung nghiên cứu các vụ án tham nhũng ở các mức độ, cấp độ khác nhau và theo dõi từ đầu tới cuối vụ việc. Liên quan đến các hình thức tham nhũng khác nhau, nghiên cứu chỉ ra rằng, có 3 hành vi tham nhũng chính diễn ra trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đó là: Nhận hối lộ, lạm dụng quyền hành trong xử lý công việc (thiên vị, ưu tiên người thân, họ hàng) và hưởng lợi ích “từ trên trời rơi xuống” (tiền “lại quả” từ các dự án, hoa hồng của các công ty dược và thiết bị y tế…). Trong đó, tiền hối lộ, “lót tay bác sĩ” của các bệnh nhân là hình thức tham nhũng dễ nhận thấy nhất trong các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Bệnh viện công: Tham nhũng tràn lan

Theo các chuyên gia y tế, hình thức tham nhũng này trở nên phổ biến chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Số tiền mỗi lần “lót tay” cho bác sĩ thường dưới 100 dirham (tiền Maroc, khoảng 12 USD), chỉ có khoảng 25% người khá giả và quan chức “lót tay” bác sĩ trên 100 dirham. Đối với hầu hết các bệnh viện (BV) công, người dân có thói quen “lót tay” bác sĩ từ 20 - 50 dirham. Thói quen này cũng diễn ra ở hầu hết các thủ tục trong BV công như tiếp nhận bệnh nhân, hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận y tế…

Trong số những hành vi tham nhũng thì hành vi tham nhũng trong các ca phẫu thuật là có giá trị lớn nhất, kể cả trong các cơ sở KCB tư nhân hay Nhà nước. Ngoài ra, ở các BV công, tình trạng tham nhũng còn xảy ra thường xuyên và luôn ở mức cao nhất liên quan đến việc cung cấp các thiết bị y tế và thuốc, truyền máu, nhập viện. Chưa kể, hầu hết chi phí KCB đều bị đẩy lên cao hơn mức quy định.

Nghiên cứu của Mazars chỉ ra rằng, tình trạng tham nhũng ở các cơ sở KCB công thường cao hơn và nhiều hơn so với các cơ sở tư nhân. Cuộc điều tra cũng cho thấy, mức độ tham nhũng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã tăng lên gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây ở Maroc.

Theo các chuyên gia y tế, thói quen và tâm lý của người bệnh và người nhà bệnh nhân là những yếu tố chính góp phần gia tăng tình trạng tham nhũng trong các cơ sở KCB.

Bệnh viện tư: Tham nhũng chẳng kém

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở các cơ sở KCB tư nhân, các biểu hiện của tham nhũng chủ yếu được thực hiện thông qua các hành vi như nâng lệ phí áp dụng đối với những trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, ép bệnh nhân điều trị dài ngày hoặc ép bệnh nhân nằm viện với những bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân không bị bệnh, nhưng khi đến khám sức khỏe vẫn bị các bác sĩ ở BV tư nhân “phán ra bệnh” và phải theo dõi, điều trị tốn kém.

Ngoài ra, những hành vi khác như nhận “hoa hồng” từ các hãng dược phẩm, nhận tiền “lót tay” của bệnh nhân cũng diễn ra thường xuyên ở các cơ sở KCB tư nhân, chẳng khác gì so với BV công.

Hơn thế, những hành vi này còn kéo dài trong suốt quá trình điều trị và diễn ra ở tất cả các khâu như KCB, điều trị, nhập viện, cấp cứu. Trong đó, trường hợp cấp cứu, bệnh nguy kịch, nhập viện hay phải phẫu thuật là những trường hợp bệnh nhân phải “è cổ” ra để hối lộ nhiều nhất nếu muốn nhập viện nhanh và cứu được mạng sống.

Theo kết quả nghiên cứu của Mazars, người bệnh vừa là nạn nhân, đồng thời cũng bị coi như đồng lõa trong việc tiếp tay cho tham nhũng trong các cơ sở y tế. Bệnh nhân thường phải “liên kết” với bác sĩ để thực hiện các hành vi tham nhũng. Điều tra từ các bệnh nhân cho thấy, họ không phải “lót tay, hối lộ” bác sĩ mà đang bị… “tống tiền”. Trong số 55% trường hợp hối lộ bác sĩ thì có đến 25% là bị “tống tiền”, buộc phải hối lộ, lót tay nếu muốn được KCB.

Việc không tố cáo hành vi “tống tiền” của các nhân viên y tế một phần cũng là do sự đồng lõa của chính bệnh nhân, những người sợ nhân viên y tế sẽ làm khó dễ, thậm chí là không tiếp nhận điều trị. Sự miễn cưỡng, cam chịu này của bệnh nhân càng làm cho nhân viên y tế “lộng hành” hơn trong việc “tống tiền” các bệnh nhân.

Mặc dù bị coi là “đồng lõa”, tiếp tay cho nạn tham nhũng trong ngành Y tế, nhưng chính bệnh nhân lại là đòn bẩy quan trọng góp phần vào việc phòng ngừa và chống lại nạn tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức chống tham nhũng (CTN) của người dân chưa cao. Hơn nữa, các biện pháp CTN cũng còn nhiều hạn chế. Các phương tiện để tố cáo tham nhũng không nhiều và không bảo đảm được bí mật cho người tố cáo.

Nghiên cứu cho thấy, CTN là một việc làm phức tạp. Xóa sổ tham nhũng không phải là việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều lĩnh vực, với sự tham gia của nhiều đại diện xã hội dân sự (công đoàn, hiệp hội…) thông qua các hành động truyền thông để nâng cao nhận thức người dân cũng như tăng cường các hệ thống, phương tiện theo dõi, đánh giá hành vi tham nhũng.

Quá tải bệnh nhân, “thiếu vắng” bác sĩ cũng là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng tại các cơ sở KCB Maroc


Chống tham nhũng trong ngành Y tế: Muối bỏ bể

Trong thời gian qua, với những nỗ lực và quyết tâm CTN của Chính phủ Maroc, nhiều hồ sơ liên quan đến tham nhũng trong ngành Y tế đã được chuyển sang cơ quan tư pháp để tiến hành điều tra, xét xử. Nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và cả những quan chức điều hành trong ngành Y tế hay các BV đã bị cáo buộc tham nhũng, biển thủ công quỹ, nhận hối lộ và “tống tiền” bệnh nhân. Nghiêm trọng hơn, trong số những y sĩ, bác sĩ bị cáo buộc, điều tra, có người do đòi hối lộ không được đã thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong quá trình cứu chữa khiến bệnh nhân thiệt mạng vì không được cứu chữa kịp thời.

Mặc dù vậy, theo Thanh tra Bộ Y tế Maroc, số hồ sơ chuyển sang cơ quan tư pháp có vẻ như vẫn quá ít so với thực trạng tham nhũng trong lĩnh vực y tế. Đó vẫn chỉ là những vụ việc nhỏ lẻ, với những cá nhân đơn thuần có hành vi tham nhũng. Điều cốt lõi để ngăn chặn nạn tham nhũng trong ngành Y tế đó là phải ngăn chặn được cả hệ thống tham nhũng từ tất cả các khâu, các việc trong lĩnh vực y tế, ở tất cả các cơ sở KCB Nhà nước cũng như tư nhân…

Vấn đề “được” ở đây có lẽ là lần đầu tiên, tình trạng tham nhũng trong ngành Y tế được chính quyền và các cấp liên quan “thừa nhận”. Và, trong cuộc chiến CTN chung của Maroc, lĩnh vực y tế đã chính thức bị đưa vào “danh sách đen”, là trọng tâm của cuộc chiến CTN.

Sở dĩ cuộc chiến CTN trong ngành Y tế vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả thực chất đó là bởi bộ máy y tế của nước này được ví như “ma trận”. Hiện nay, hệ thống các BV, cơ sở KCB cả của Nhà nước và tư nhân đều rất lùng bùng, có sự quản lý chồng chéo và bất cập. Ở các thành phố lớn thì tập trung quá nhiều các cơ sở KCB, trong khi tuyến địa phương lại ít hoặc gần như không có. Và bệnh nhân, đương nhiên khi đến KCB tại các BV ở thành phố chắc chắn sẽ bị nhũng nhiều, làm phát sinh tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ và tình trạng này đang ngày càng nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Mặt khác, giá thuốc và giá dịch vụ chăm sóc y tế ở tất cả các tuyến BV Trung ương và địa phương, ở tất cả các loại hình dịch vụ chăm sóc y tế công và tư nhân luôn có mức chênh lệch không thể kiểm soát nổi. Ngoài ra, mức lương và thù lao giữa bác sĩ ở bệnh viên tư và công đang còn có độ chênh lệch lớn khiến các bác sĩ làm việc ở bệnh viên công thường xuyên “trốn việc” đi làm ngoài, khiến BV công luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân nhưng lại thường xuyên thiếu bác sĩ. Điều này đã tạo điều kiện để các nhân viên y tế “hành” bệnh nhân. Thậm chí, điều này hiện tác động không nhỏ đến tâm lý của những sinh viên y khoa, bởi ngay từ khi đang học và thực hành nghề, họ đã “thấm nhuần” ý nghĩ là mình có quyền “hành” bệnh nhân.

Đó là chưa kể đến những trường hợp, để CTN, bắt và xử lý những hành vi tham nhũng là rất khó bởi các BV, cơ sở y tế luôn tìm ra trăm ngàn lý do để đổ tại “nguyên nhân khách quan” như “tiết kiệm triệt để” dụng cụ, thiết bị y tế nhằm giảm chi phí cho BV.

Điển hình là vụ tử vong của bệnh nhân liên quan đến nhiễm trùng BV. Vào năm 2007, một sinh viên y khoa năm thứ 5 chuyên khoa răng hàm mặt đến BV Trung ương Ibn Sina ở thành phố Rabat điều trị bệnh viêm nướu chân răng. Chỉ sau vài ngày nhập viện, sinh viên này bị chết do một căn bệnh chẳng liên quan gì đến răng: Viêm gan siêu vi kịch phát. Sau cái chết của sinh viên này, các sinh viên đang thực tập tại BV đã tổ chức biểu tình đòi ban lãnh đạo BV phải chịu trách nhiệm. Những sinh viên biểu tình cho rằng, nguyên nhân cái chết do bị nhiễm trùng BV, bởi hệ thống khử trùng các thiết bị y tế ở đây rất yếu kém. Chính những nhân viên y tế, y tá, bác sĩ ở BV là những người coi thường khâu sát trùng, khử khuẩn nhất. Chẳng hạn đội ngũ y sĩ, bác sĩ chỉ rửa tay dưới 10 giây (trong khi quy định tối thiểu phải là 30 giây), không thay găng tay khi chuyển từ khoa bệnh nọ sang khoa bệnh kia. Thậm chí, nhiều thiết bị y tế sử dụng 1 lần được ban lãnh đạo BV quán triệt “tái sử dụng” nhằm tiết kiệm chi phí! Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo, họ đã tổ chức một cuộc “điều tra nghiêm túc” và đưa ra kết luận: Sinh viên tử vong đã bị nhiễm bệnh viêm gan từ trước. Lãnh đạo BV còn khẳng định, chỉ có bệnh nhân với nhau mới truyền và lây các bệnh truyền nhiễm, còn trường hợp bác sĩ, y tá bị nhiễm bệnh chỉ là “tai nạn nghề nghiệp”. Vụ việc chấm dứt từ đó, không cơ quan nào điều tra bổ sung.

Sau vụ việc này, Bộ Y tế Maroc đã triển khai cuộc kiểm tra về vấn đề nhiễm trùng trong các BV. Kết quả thật bất ngờ: Đối với các BV tuyến Trung ương, tỷ lệ nhiễm trùng BV lên tới hơn 10%, cao hơn cả tỷ lệ truyền nhiễm giữa các bệnh nhân. Còn ở các BV tuyến địa phương thì tỷ lệ này cũng ở mức 6%. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi Bộ Y tế Maroc tiến hành kiểm tra nhiễm trùng BV thì vấn đề này mới trở nên “nóng”, mà trước đó từ rất lâu, vấn đề nhiễm trùng BV đã được nhắc đến thường xuyên, thậm chí còn được coi là một vấn đề y tế công cộng của Maroc. Vấn đề này cũng đã xuất hiện trong rất nhiều luận văn của các sinh viên y khoa.

Ngân sách cho ngành Y tế: Cao, nhưng thất thoát cũng nhiều

Hàng năm, ngân sách chi cho ngành Y tế Maroc bao giờ cũng tăng thêm khoảng 20% so. Ví dụ, năm 2009 là 8,1 tỷ dirham (955 triệu USD), năm 2010 tăng lên thành 9,8 tỷ dirham (1,15 tỷ USD) và năm 2011 là hơn 12 tỷ dirham (1,4 tỷ USD). Tuy nhiên, người dân Maroc vẫn luôn “kêu trời” vì tình trạng quá tải, tình trạng nhũng nhiếu, “tống tiền” của các nhân viên y tế cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe quá cao.

Theo kết quả điều tra của Mazars, mặc dù ở các BV công vẫn duy trì chế độ chăm sóc theo thẻ bảo hiểm và KCB miễn phí đối với người nghèo, nhưng thường đó là những dịch vụ chăm sóc giản đơn, tối thiểu. Vì thế, người bệnh, không còn cách nào khác, phải “lót tay” cho bác sĩ để được KCB kịp thời.

Với những cơ sở KCB miễn phí theo chỉ định của Bộ Y tế, trên thực tế, nó chỉ miễn phí “trên giấy tờ, công văn chỉ đạo của Bộ”, còn bệnh nhân, muốn được KCB miễn phí, ngoài việc phải chờ đợi dài dài, còn phải “lót tay” cho đội ngũ y, bác sĩ để được “xếp lịch”. Đó là chưa kể đến những loại thuốc được Bộ Y tế cung cấp miễn phí để các cơ sở KCB phát cho bệnh nhân, nhưng nếu người bệnh đến khám và muốn có được loại thuốc miễn phí này, phải “hối lộ” bác sĩ, y tá để được cấp phát số lượng thuốc rất ít ỏi. Số thuốc miễn phí còn lại sẽ được các bác sĩ, lãnh đạo BV chỉ đạo bán ra bên ngoài với giá chỉ bằng một nửa giá thị trường. Số tiền bán thuốc, đương nhiên, phần lớn chảy vào túi bộ phận lãnh đạo các cơ sở KCB Nhà nước.

Theo ước tính, hàng năm, Chính phủ Maroc chi ra khoảng 500 triệu dirham (59 triệu USD) để mua thuốc phát miễn phí tại các cơ sở KCB Nhà nước. Từ đó có thể thấy, hàng năm, số tiền chảy vào túi bác sĩ nhiều như thế nào.

Không chịu “lót tay”, bác sĩ “bỏ đi ngay”. Ảnh minh họa.


Nỗ lực chống tham nhũng trong ngành Y tế

Trong thời gian gần đây, Chính phủ Maroc đã chỉ đạo Bộ Y tế triển khai những hành động quyết liệt vừa để hiện đại hóa lĩnh vực y tế, vừa nỗ lực CTN trong các cơ sở KCB. Những hành động này bao gồm cải tổ hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế (quản lý người bệnh, nhập viện, cấp cứu…), quản lý nguồn nhân lực trong ngành Y tế (tuyển dụng, đề bạt, thuyên chuyển vị trí công tác…), quản lý dược phẩm (các trung tâm bán thuốc, các đầu mối sản xuất và kinh doanh dược phẩm, xây dựng các tổng kho dược phẩm ở các địa phương…). Đồng thời, phối hợp với công tác kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực y tế như kiểm toán, thanh tra các dịch vụ y tế, các cơ sở y tế cả công và tư nhân…

Bên cạnh đó, hàng loạt số điện thoại miễn phí được thiết lập để người dân, bệnh nhân tố cáo hành vi tham nhũng trong các cơ sở KCB. Những cuộc điều tra tham nhũng trong ngành Y tế Maroc cũng liên tục được triển khai với sự trợ giúp và tham gia của nhiều đơn vị như Bộ Y tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Maroc, các tổ chức phi Chính phủ chuyên lĩnh vực phòng, CTN.

Theo Bộ Y tế Maroc, những cố gắng, nỗ lực CTN trong ngành Y tế trước hết phải là việc khôi phục lòng tin của người bệnh. Ngoài ra, vấn đề công bằng trong KCB cũng được ưu tiên, tránh trường hợp thiên vị, thân quen hay “lót tay” để được khám trước, khám sau. Về lâu về dài, phải xây dựng hẳn một chương trình quốc gia minh bạch hóa ngành Y tế và trong sạch hóa đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế. Phải triển khai đồng bộ các chương trình chăm sóc sức khỏe từ trung ương tới địa phương, triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền người dân hiểu được quyền được KCB của họ, cũng như tuyên truyền để người dân “nói không” với việc hối lộ các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế.

Trong nỗ lực hiện đại hóa và ngăn chặn nạn tham nhũng trong lĩnh vực y tế, Chính phủ Maroc đặt mục tiêu quốc gia đến năm 2020 sẽ có 1 bác sĩ/1.000 dân (hiện nay là 1 bác sĩ/1.700 dân). Các cơ sở KCB Nhà nước cũng sẽ liên tục được hiện đại hóa, được mở rộng và mở thêm ở nhiều tuyến y tế địa phương, tăng các cơ sở KCB miễn phí, tăng đối tượng được miễn giảm viện phí song hành với việc công khai danh sách các cơ sở y tế miễn phí, các danh mục thuốc miễn phí mà người dân được quyền hưởng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ cố gắng cân đối ngân sách để tăng thêm ngân sách chi cho ngành Y tế. Đồng thời, kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế ở khu vực nông thôn. Và, điều rất quan trọng đó là tiếp tục củng cố hệ thống luật pháp và các cơ quan giám sát nhằm ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ trong ngành Y tế, đưa ngành Y tế trở thành “trọng tâm” CTN của Chính phủ Maroc trong thời gian tới.

Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm