Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lo ngại việc sa thải cán bộ làm suy yếu cơ quan chống tham nhũng của Indonesia

Hoài Phương

Thứ ba, 08/06/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) bày tỏ lo ngại trước quyết định sa thải các nhà điều tra và ủy viên chống tham nhũng sẽ làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Ủy ban Bài trừ tham nhũng của Indonesia (KPK).

75 thành viên KPK, bao gồm các nhà điều tra cấp cao, đã trượt trong kỳ thi vừa qua. Ảnh: Garry Andre Lotululung/ Kompas

Những động thái gần đây của cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Indonesia có nguy cơ làm suy yếu tiến độ chống tham nhũng trong nước và đi ngược lại các cam kết quốc tế của nước này.

Hơn 1.300 nhân viên KPK buộc phải làm bài kiểm tra viết trong thời gian vừa qua để chứng minh lòng trung thành với tư tưởng Pancasila của nhà nước Indonesia.

Pancasila là lý thuyết triết học cơ bản, chính thức của nhà nước Indonesia với 5 nguyên tắc tư tưởng và Hiến pháp, quy định thành tựu của một xã hội công bằng và thịnh vượng được hỗ trợ bởi sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và toàn diện; là mục tiêu cơ bản của sự phát triển. Trong đó, kinh tế là một yếu tố quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng.

75 thành viên KPK, bao gồm các nhà điều tra cấp cao, đã thi trượt. Chủ tịch KPK cho biết, 51 người trong số họ sẽ phải rời tổ chức, trong khi 24 người khác bị yêu cầu tham gia một khóa đào tạo đặc biệt.

“Trong số những người trượt bài kiểm tra, có một số nhân viên cấp cao và các nhà điều tra nổi tiếng của KPK. Bất chấp sự phản đối kịch liệt của công chúng, ban lãnh đạo hiện tại của KPK đã đình chỉ hoặc sa thải những cá nhân này, điều này đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của cơ quan và mục đích của kỳ thi”, Danang Widoyoko, Tổng Thư ký TI Indonesia cho biết.

Bên cạnh đó, những lo ngại về tính phù hợp của một số câu hỏi đã khiến bài kiểm tra rơi vào tranh cãi và dẫn đến những lời kêu gọi công khai coi thường kết quả của kỳ thi. Đáp lại những lời chỉ trích, Tổng thống Joko Widodo cảnh báo không sa thải những nhân viên không vượt qua kỳ thi.

Tổng thống Joko Widodo cảnh báo không sa thải những nhân viên không vượt qua kỳ thi. Ảnh: Twitter @jokowi

Ngày 17/5, Tổng thống Indonesia nói, bài thi "không nên bị lợi dụng làm công cụ để sa thải 75 nhân viên không vượt qua". Ông trích dẫn một phán quyết của Tòa án Hiến pháp, nói rằng quá trình chuyển đổi nhân viên KPK thành công chức "không nên trả giá bằng việc hy sinh người lao động".

Thế nhưng, giới chức KPK và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi đã quyết định làm trái yêu cầu của Tổng thống. Đầu tháng 6 này, 1.1271 người đã được bổ nhiệm công chức KPK, bất chấp một số kêu gọi trì hoãn để thể hiện sự đoàn kết với 75 đồng nghiệp.

Yêu cầu đối với nhân viên KPK phải trải qua kỳ thi để trở thành công chức tuân theo các quy định pháp luật sửa đổi năm 2019 để cải cách cơ quan. Những thay đổi khác bao gồm việc thành lập ban giám sát, cắt giảm quyền điều tra và truy tố của KPK cũng như yêu cầu mọi điều tra viên KPK thực hiện nhiệm vụ của họ dưới sự điều phối và giám sát của cảnh sát.

Vào thời điểm đó, TI đã kêu gọi các nhà lập pháp Indonesia bác bỏ quy định này. Đánh giá của TI Indonesia về hiệu quả hoạt động của KPK chỉ ra sự suy yếu của cơ quan này sau cải cách. Tháng trước, Tòa án Hiến pháp Indonesia đã từ chối tiến hành xem xét lại luật năm 2019, làm dấy lên nhiều lo ngại.

Những cải cách này trái với cam kết của Chính phủ Indonesia nhằm đảm bảo tính độc lập và hiệu quả của cơ quan chống tham nhũng, theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và Nguyên tắc Jakarta về các cơ quan chống tham nhũng.

Ngoài ra, trong Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNGASS) diễn ra từ ngày 2 - 4/6/2021, Chính phủ Indonesia cũng ký vào một tuyên bố chính trị trong đó có cam kết của các quốc gia cho phép các cơ quan chống tham nhũng thực hiện chức năng giám sát của họ một cách hiệu quả và tự do, không chịu ảnh hưởng quá mức.

Bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI cho biết: “Các cơ quan chống tham nhũng độc lập là trụ cột quan trọng của một khuôn khổ chống tham nhũng hoạt động tốt. Với việc làm suy yếu KPK, Chính phủ Indonesia có nguy cơ làm mất hiệu quả của các tiến bộ chống tham nhũng trước đây và thất bại trong cộng đồng quốc tế và công chúng. Chúng tôi thống nhất với người dân Indonesia, những người cần một KPK mạnh mẽ và có năng lực để yêu cầu những người cầm quyền có trách nhiệm giải trình”.

TI kêu gọi Tổng thống Joko Widodo sử dụng quyền hành pháp của mình để khởi xướng việc đảo ngược những cải cách gây tổn hại này nhằm đảm bảo năng lực của KPK trong việc thực hiện vai trò quan trọng của mình, tuân thủ các cam kết quốc tế của Indonesia.

Kể từ khi thành lập vào năm 2003, KPK đã nổi tiếng trong nước và quốc tế nhờ thành tích truy tố tham nhũng cấp cao và được ghi nhận vì sự cải thiện của Indonesia về Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI).

Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của TI năm 2020 - khu vực châu Á cho thấy, KPK là một trong những cơ quan chống tham nhũng nổi bật nhất trong khu vực. Kết quả cũng cho thấy rằng đa số người Indonesia cũng đồng thuận với công việc của KPK.

KPK đã xử lý thành công hàng trăm chính khách và quan chức Indonesia nhằm loại bỏ tình trạng tham nhũng tồn tại phổ biến, làm cản trở cải cách kinh tế ở các đơn vị công. Đây từng là một trong những cơ quan được trọng vọng nhất của Indonesia và các lãnh đạo KPK thường báo cáo trực tiếp với Tổng thống.

Quốc hội Indonesia đã thông qua đạo luật gây tranh cãi vào năm 2019 để chuyển đổi đội ngũ nhân viên của KPK thành công chức nhà nước.

Người đứng đầu KPK Firli Bahuri ngày 1/6/2021 đã bác bỏ các cáo buộc liên quan. Ông cho rằng: "Tôi khá hoang mang khi có người nói rằng chúng tôi đang cố gắng loại bỏ một số nhân viên. Không có ý định loại bỏ ai cả. Chúng tôi đã thực hiện theo đúng cơ chế và quy trình" trong quá trình chuyển đổi cán bộ KPK thành công chức.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm