Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề nghị Chính phủ công khai bộ, địa phương chậm ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Hương Giang

Thứ ba, 23/05/2023 - 11:08

(Thanh tra)- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe các báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 sáng ngày 23/5.

Chậm ban hành chương trình chống lãng phí diễn ra nhiều năm

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

“Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông Phớc nói.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách thấy, nhận thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nâng lên.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục, có đơn vị đến tháng 5, tháng 6 mới ban hành.

Báo cáo thẩm tra gửi đến Quốc hội dẫn chứng như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sóc Trăng, TP HCM, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…

“Tồn tại trên diễn ra nhiều năm, cho thấy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị”, tân Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu.

Nhiều vi phạm, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai

Nêu cụ thể lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận định, có nhiều vi phạm, lãng phí và chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm.

Cơ quan thẩm tra lưu ý, tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất hình thành quỹ đất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn, lại vướng mắc do thiếu cơ sở pháp lý.

Cạnh đó, lãng phí trong quản lý đất đai, tài sản của các dự án do chậm thi hành án, chậm thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra ở một số tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vi phạm, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều nơi”, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách.

Trong đó, ngành Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10 nghìn ha.

Các địa phương phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai, như: Bắc Ninh thu hồi hơn 807 nghìn m2 đất, Quảng Nam phát hiện sai phạm hơn 148 nghìn m2 đất, Vĩnh Phúc thu hồi 18,77ha đất…

Đến thời điểm tháng 5/2023, vẫn còn 1.068 cơ sở với trên 5,8 triệu m2 đất và 731.047 m2 nhà chưa được xử lý.

Không chỉ vậy, vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác khoáng sản như khai thác trái phép, khai thác vượt mức cấp phép... vẫn diễn ra.

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 87 cuộc thanh tra, kiểm tra với 282 tổ chức; xử phạt vi phạm hành chính trên 13 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác của 2 tổ chức.

Cá thể hóa trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính phủ cũng được đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, phân cấp, phân công, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền và trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý cũng là kiến nghị của cơ quan thẩm tra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm