Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 20/11/2023 - 13:53
(Thanh tra - Nhắc lại 2 vụ án về đất đai tại TP Đà Nẵng liên quan Vũ “Nhôm” và cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội đề nghị Chánh án TAND Tối cao trả lời 3 câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu tranh luận. Ảnh: P.Thắng
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Mở đầu phát biểu của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay, bà liên tục nhận được nhiều đơn thư của cử tri (không chỉ của người nhà các bị cáo mà cả của người dân) về hai vụ án liên quan đến đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng trong các năm 2010 và 2011.
Qua nghiên cứu đơn và các bản án, bà Thúy chỉ ra một số điểm khó lý giải các bản án đã tuyên.
Với vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) và các bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản Nhà nước đã mua/thuê trái phép. Trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (năm 2010 và 2011).
Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã kháng nghị bản án trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án.
Ngày 5/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao bằng Quyết định Giám đốc thẩm số 14 do Chánh án ký.
Quyết định này khẳng định việc xác định thiệt hại của vụ án tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật.
Trong vụ án Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội “vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, cả bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố (năm 2018).
Theo bà Thúy, điểm chung của 2 vụ án đều được TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử, liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại TP Đà Nẵng, gồm: nhà đất số 319 đường Lê Duẩn, Dự án Vệt ven biển đường Trường Sa và đất Công viên An Đồn cũ.
Vấn đề bà Thúy băn khoăn, là cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản “không thống nhất”.
“Một vụ thì trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội; còn một vụ, trị giá thiệt hại xác định tại thời điểm khởi tố vụ án, trong khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Quyết định Giám đốc thẩm số 14 (trước thời điểm xét xử vụ án Trần Văn Minh và đồng phạm) là xác định thiệt hại phải được tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội”, bà Thúy nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhắc lại phần trả lời của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp thứ 21 ngày 20/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi đó, ông Bình khẳng định theo quy định của luật hiện hành cũng như nguyên tắc khoa học pháp lý, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm phạm tội.
Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và ngay cả thủ đoạn cũng phải được tính ở cùng thời điểm. Nếu tính hậu quả hành vi vi phạm ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học.
Khi đại biểu tranh luận về tình trạng áp dụng pháp luật thiếu thống nhất và minh chứng bằng những bản án cụ thể, chánh án trả lời: “Do không có bản án trong tay nên chưa thể trả lời đại biểu ngay, nhưng sẽ kiểm tra cụ thể để trả lời. Tuy nhiên, sau khi ban hành nghị quyết hướng dẫn thì chúng tôi đều xác định thời điểm tính giá trị thiệt hại là tại thời điểm phạm tội”.
Đáng nói, sau đó chánh án có thư trả lời chất vấn đại biểu Thúy và cho rằng những vụ án này xét xử đúng pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
“Ý kiến này không thuyết phục, vì cùng tài sản ấy, cùng tòa án ấy nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý và luật hiện hành”, theo ý kiến của bà Thúy.
Từ lập luận trên, bà Thúy đề nghị Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời 3 câu hỏi.
Một, vì sao toà án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản Nhà nước ở 2 vụ án nói trên?
Hai, Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định Bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì Bản án 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Ví dụ, đất Công viên An Đồn cũ sơ thẩm chỉ có trên 32 tỷ đồng nhưng Bản án số 158 lại tính thời điểm khởi tố là 167 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần.
Câu hỏi thứ ba, là Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?
Trả lời các câu hỏi đại biểu Kim Thúy, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải xác định tại thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra.
“Không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn xác định ở thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra, còn riêng hậu quả khi khởi tố mới xác định vì không công bằng”, ông Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao cho rằng, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.
Ông Bình dẫn chứng một lô đất năm nay trị giá 100 tỷ đồng, sang năm tăng lên 200 tỷ, sang năm nữa tăng lên 300 tỷ. Đó là do thị trường, không phải do hành vi phạm tội gây ra.
“Nếu chúng ta xác định đất như thế, trong thực tế có sẽ những bất cập khác”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh.
Ông tiếp tục ví dụ tội trộm cắp máy tính, theo thời gian thì giá trị máy tính giảm.
Đất thì tăng theo thời gian, máy tính thì giảm theo thời gian. Nếu tính như vậy thì một loại tội sẽ tăng, một loại tội sẽ giảm khung hình phạt, như vậy sẽ không hợp lý, theo ông Bình.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho hay Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có một nghị quyết hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ phải xử xác định hậu quả ở thời điểm thực hiện hành vi phạm tội xảy ra, không phải thời điểm phát hiện.
“Vì có thể nhiều năm sau chúng ta mới phát hiện, không thể lấy thời điểm nhiều năm sau đó để xác định hậu quả. Những vụ xảy ra trước khi có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, trái với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, sẽ phải xem xét lại”, ông Bình giải thích.
Cũng theo hánh án, trình tự xem xét lại những vụ án đã xác định không đúng thời điểm gây hậu quả của hành vi phạm tội, sẽ phải theo quy định của luật.
“Điều kiện xem xét lại một vụ án được ghi trong luật. Muốn xem xét lại phải đúng quy định, chứ chúng tôi không thể căn cứ vào phát biểu tại hội trường, hay của ai đó mà xem xét lại vụ án”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Cần hạn chế trả lời kiến nghị chung chung, thiếu thiết thực
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định, nhiều kiến nghị của cử tri được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương xem xét, giải quyết kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Theo ông Hải, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri chung chung, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục. Ông đề nghị, rá soát quy định, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nói, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở.
Việc này cũng góp phần giải quyết căn cơ tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt cấp, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác này, đại biểu Ngọc cho rằng, Quốc hội, các đại biểu cần xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát lại những trả lời của các bộ, ngành.
“Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần trở thành một nội dung trong công tác thi đua, khen thưởng, để đánh giá kết quả thực hiện công tác, nhiệm vụ của các bộ, ngành, tạo sự thống nhất trong tổ chức, thực hiện”, theo bà Ngọc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà