Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

9 bộ phim về những "người thổi còi" có thật không thể bỏ lỡ

Thứ ba, 21/07/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), đây là những bộ phim hấp dẫn mà trong đó, người thổi còi (whistleblower) là nhân vật có thực ngoài đời đã phát hiện ra các hành vi sai trái, phanh phui nhiều vụ việc lớn gây chấn động cả thế giới.

Ảnh: Paramount Pictures/ Open Road Films/ Sony Movies/ crimeandpunishmentdoc.com

Tại đó, có những người tố giác đã mạo hiểm công việc, tự do và thậm chí cả mạng sống của mình để vạch trần các hành động sai trái. Sự dũng cảm của họ đã cứu được vô số sinh mạng cũng như cứu được hàng tỷ USD.


Từng bộ phim được TI kể ra dưới đây cho thấy câu chuyện của mỗi người thổi còi. Từ việc phát hiện sai phạm, cho tới xung đột nội tâm xung quanh chuyện có nên phơi bày sự thật hay không, và hậu quả của những tiết lộ gây sốc của họ...

1. Serpico (1973)

Người thổi còi: Frank Serpico
Vụ việc: Tham nhũng tại lực lượng Cảnh sát New York (NYPD)

Serpico là bộ phim về Frank Serpico, một cảnh sát gốc Ý của NYPD, một trong những người đầu tiên dám quay lưng lại đồng đội, đứng ra làm nhân chứng trước tòa để tố cáo tham nhũng có hệ thống của NYPD. 

2. The Laundromat (2019)

Người thổi còi: John Doe
Vụ việc: Bê bối Hồ sơ Panama

The Laundromat là bộ phim hài kịch về bê bối Hồ sơ Panama (Panama Papers) - cuộc điều tra của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã giành Giải thưởng Báo chí danh giá Pulitzer Prize.

Hồ sơ Panama được phanh phui dựa trên hàng triệu hồ sơ bị rò rỉ từ Công ty Luật Mossack Fonseca. Người tố cáo ẩn danh là John Doe. Các tài liệu rò rỉ cho thấy, nhiều trường hợp rửa tiền, trốn thuế, hối lộ và nhận hối lộ được tạo điều kiện bởi các thiên đường thuế và các bên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Kể từ khi rò rỉ, hơn 1 tỷ USD thuế đã được thu hồi và nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành ở hơn 80 quốc gia.

Bất chấp những nỗ lực của Công ty Mossack Fonseca ngăn cản việc phát hành, bộ phim đã được công chiếu tại Liên hoan phim Venice và phát hành trên kênh Netflix vào tháng 10/2019.

3. The Insider (Nội gián, 1999)

Người thổi còi: Jeffrey Wigand
Vụ việc: Nền công nghiệp thuốc lá

The Insider là bộ phim căng thẳng về cuộc chiến đem đến sự thật cho công chúng về một vấn đề mà ngày nay ai cũng thấy bình thường: Thuốc lá có hại cho sức khoẻ. 

Để sự thật này được nói lớn cho mọi người cùng nghe, có những con người đã phải chiến đấu và hy sinh. Sự thật đó vốn như hiển nhiên nhưng chỉ có một người trong cuộc như nhà bác học Jeffrey Wigand dám phá bỏ luật lệ không được tiết lộ bí mật công ty, và cần một người khác đủ tài sức và lòng kiên định như nhà báo Lowell Bergman để chống lại cả một tập đoàn khổng lồ của nền công nghiệp thuốc lá - một nền công nghiệp hái ra tiền.

Thông tin mà người tố giác ngoài đời thực, Jeffrey Wigand, tiết lộ đã dẫn tới việc các công ty thuốc lá phải trả tới 246 tỷ USD cho các chi phí bệnh tật liên quan đến thuốc lá.

4. Erin Brockovich (Nghị lực sống, 2000)

Người thổi còi: Erin Brokovich
Vụ việc: Ô nhiễm nước ngầm ở Hinkley, Mỹ

Nữ diễn viên Julia Roberts (trái) và Erin Brockovich ngoài đời thực (phải)

Năm 2000, cuộc đời của bà Erin Brockovich - người đã kiên trì đấu tranh, theo đuổi vụ kiện Công ty Điện lực và Khí đốt Pacific Gas & Electric (PG&E) xả nước thải chứa hóa chất cực kỳ độc hại khiến hàng nghìn người dân thị trấn Hinkley, California (Mỹ) bị ảnh hưởng - đã được dựng thành phim do nữ diễn viên Julia Roberts thủ vai chính.


Bộ phim đã gây chấn động tại Mỹ, giúp Roberts giành được giải Oscar và Quả Cầu Vàng cho Nữ chính xuất sắc.

Erin Brockovich gửi lời nhắn đến các nạn nhân của tình trạng ô nhiễm khắp nước Mỹ và trên thế giới: “Đừng bị cường quyền đe dọa - Khi sự an toàn và sức khỏe của gia đình, con cái bạn bị đe dọa, khi bạn đặt câu hỏi mà không có câu trả lời, bạn phải tranh đấu đến khi chiến thắng”.

5. Snowden (Mật vụ Snowden, 2016)

Người thổi còi: Edward Snowden
Vụ việc: Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA)

Tác phẩm của đạo diễn gạo cội Oliver Stone vén bức màn bí mật về thế giới an ninh nội mạng ở Mỹ, trong cuộc khủng hoảng có thật vào năm 2013.

Bộ phim tái hiện cuộc đời Edward Snowden - cựu nhân viên phân tích của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ hàng loạt bí mật xoay quanh những chương trình theo dõi người dân của Chính phủ Mỹ và Anh cho giới truyền thông. 

Nhiều người coi Edward Snowden là một người "tử vì đạo". Anh đã mất mát rất nhiều điều trong cuộc sống và phải chấp nhận cuộc sống mới kém ổn định hơn ở Moscow mà không có gia đình ở bên cạnh...

“Những trải nghiệm của Snowden cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ những người thổi còi với hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện và được thực thi tốt. Điều này sẽ bảo vệ họ khỏi sự trả thù và bảo mật thông tin cá nhân để có thể tiếp tục cuộc sống như bình thường”, TI nhấn mạnh.

6. The Post (2017)

Người thổi còi: Daniel Ellsberg
Vụ việc: Hồ sơ Lầu năm góc

Bộ phim The Post có nội dung dựa trên vụ việc có thật xoay quanh Pentagon Papers (Hồ sơ Lầu Năm Góc) - bộ tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ ghi lại sự can thiệp về mặt chính trị và quân sự của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1945 - 1967. 

Chính nhà phân tích quân sự Daniel Ellsberg tham gia nhóm biên soạn đã tiết lộ hồ sơ cho báo chí. Các hồ sơ này cho biết việc Mỹ đã bí mật mở rộng quy mô cuộc chiến với các vụ ném bom miền Bắc, tấn công khu vực gần Lào và Campuchia... không hề được công bố trên truyền thông. 

Theo TI, "tương tự nhiều người tố giác, những nhà báo này đã phải đánh đổi cuộc sống bình thường của mình để vạch trần hành động của một trong những Chính phủ quyền lực nhất thế giới".

7. Silkwood (1983)

Người thổi còi: Karen Silkwood
Vụ việc: Vụ kiện Công ty Kerr-McGee liên quan đến chất phóng xạ

Bộ phim dựa trên cuộc đời của Karen Silkwood - nhà hoạt động công đoàn qua đời bí ẩn khi đang theo đuổi vụ kiện liên quan tới phóng xạ.

Karen là nhân viên Nhà máy Hạt nhân Cimarron của Công ty Năng lượng Kerr-McGee. Cô đã nỗ lực thu thập bằng chứng về điều kiện an toàn và sức khỏe đáng lo ngại của nhà máy để phản ánh lên ban lãnh đạo công ty nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Do đó, cô quyết định tiết lộ cho báo chí. Nhưng không lâu sau, Karen thiệt mạng trong vụ tai nạn ô tô.

Bộ phim được công chiếu năm 1984 và được giới phê bình điện ảnh Mỹ đánh giá cao.

8. The Informant (Người chỉ điểm, 2009)

Người thổi còi: Mark Whitacre
Vụ việc: Bê bối Công ty thực phẩm ADM

"Người chỉ điểm" xoay quanh câu chuyện có thật về “vị anh hùng” của Công ty Thực phẩm Archer Daniels Midland (ADM), Mark Whitacre. Nó cuốn hút khán giả bởi nhiều bất ngờ. Một kẻ nom khù khờ, cư xử lập dị và hành động khinh suất, cống hiến gần như cả đời mình cho một công ty sản xuất phụ gia thực phẩm, nhưng lại chính là người làm việc cho Cục Điều tra liên bang (FBI), lặng lẽ quan sát nhất cử nhất động của mọi người xung quanh.

Đáng nói, dấn sâu thêm vào vai trò người chỉ điểm để vạch trần vụ bê bối của ADM, Mark cũng tham ô hàng triệu USD và cố gắng leo lên vị trí CEO của công ty. Khi sự dối trá của Mark được dựng lên ngày càng nhiều, mọi thứ xung quanh ông bắt đầu sụp đổ…

Theo TI, câu chuyện của Mark cho chúng ta thấy quá trình đánh mất vị trí của "người thổi còi", khi anh ta đã đánh mất lý do ban đầu tại sao mình đấu tranh phơi bày sự thật và theo đuổi cơ hội kiếm lợi cá nhân.

9. Official Secrets (Bí mật che giấu, 2019)

Người thổi còi: Katharine Gun
Vụ việc: Gián điệp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Phim dựa trên sự kiện có thật, kể về Katharine Gun, nữ chuyên gia phân tích tình báo và nhà ngôn ngữ học hàng đầu của tình báo Anh. 

Vào năm 2003, cô đã nhận được một bản thông báo nội bộ từ bên phía Mỹ với nội dung yêu cầu nước Anh hỗ trợ thu thập thông tin cá nhân có giá trị của 5 nước thành viên thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với mục đích chính là để ép buộc họ bỏ phiếu thuận cho cuộc xâm lược của Mỹ lên Iraq. 

Sau nhiều ngày cân nhắc kỹ càng, Katharine quyết định sẽ tiết lộ bản thông báo nội bộ này cho Tờ báo The Observer và chính hành động đó đã thay đổi cuộc đời của cô.

Bộ phim cho thấy Gun bị thẩm vấn, mất việc và bị truy tố vì cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến lấy đi nhiều mạng sống. Trong buổi ra mắt bộ phim, Katharine Gun bình luận xung quanh những điều mà người tố giác phải trải qua: "Đó không phải là một con đường dễ đi. Vì lý do đó, chúng ta phải thay đổi hệ thống, để mọi người được bảo vệ trong tương lai".

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm