Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Viết sách giáo khoa không thể bỏ hết rồi làm lại

Thứ sáu, 07/11/2014 - 08:34

(Thanh tra) - Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham Dự diễn đàn “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) trong đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: Thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 6/11.

Viết SGK không thể bỏ hết rồi làm lại. Ảnh: HH

Yếu bỏ, tốt kế thừa

Tham dự diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình với chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ SGK" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đề xuất. Tuy nhiên, cách làm như thế nào thì cần phải được tính toán kỹ.

Theo GS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, về mặt nguyên tắc, không thể có một SGK duy nhất. Như vậy sẽ hạn chế sự sáng tạo của người dạy, hạn chế năng lực tự tìm tòi, nguyên cứu và học tập của học sinh. Vì vậy, phải có một chương trình nhưng nhiều bộ SGK.

Theo GS Phú, việc quan trọng nhất là phải xây dựng được chương trình chuẩn sau đó mới viết SGK. Đặt vấn đề như lộ trình của Bộ GD&ĐT, đến năm 2020 sẽ phải xong cả chương trình và SGK. Thời gian như thế là rất gấp. Vì vậy phải có cách làm thật khoa học.

Diễn đàn thu hút đông đảo các chuyên gia giáo dục hàng đầu tham dự. Ảnh: HH

"Theo tôi, năm 2014 - 2015 cứ dùng SGK cũ. Sau đó căn cứ vào chương trình sẽ chọn ra bộ SGK, loại SGK nào cần chỉnh lại. Cần có hội đồng biên soạn chấn chỉnh lần lượt, chứ không phải bỏ hết để viết lại. Phải có tính chất kế thừa, không thể bỏ hết rồi làm lại" - GS Phú nhấn mạnh.

Chung quan điểm, GS Phạm Thị Trân Châu, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng chương trình thật tốt. Trong chương trình đó, cần lưu ý sự khác nhau về năng lực học sinh, năng lực kinh tế ở các vùng miền và đầu tư của các gia đình cho con em họ. Trong chương trình cần thể hiện được sự khác nhau này để có cả phần dễ và phần nâng cao, tương ứng với điều kiện kinh tế của từng vùng miền.

GS Châu lưu ý, đổi mới SGK phải có tính kế thừa. "Vẫn học chương trình ấy, sách ấy, các em học phổ thông nhanh chóng hội nhập và đạt kết quả tốt trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Điều đó có nghĩa là không phải những điều chúng ta có hiện nay là xóa hết. Tôi tha thiết đề nghị phải có tính kế thừa. Muốn kế thừa phải rà soát lại cái hiện có, cái gì yếu bỏ đi, còn cái tốt thì nhất định phải kế thừa", GS Châu bày tỏ.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng  khẳng định: "Làm SGK không thể theo kiểu xóa đi làm lại từ đầu".

GS Thuyết nói: "Chúng ta không có đủ thời gian để làm mới hoàn toàn. Từ nay đến năm 2020 chỉ còn 6 năm nữa thôi, nếu chúng ta thay hết sẽ rất gấp. Thay đổi toàn bộ 150 quyển sách đều đảm bảo chất lượng không phải là việc đơn giản. Cần có lộ trình, những quyển nào không dùng được nữa thì nên thay, những quyển dùng được thì giữ lại. Đổi mới phương pháp dạy, động viên các tổ chức cá nhân viết dần, rồi thay dần".

Giáo viên được chọn SGK?

Đồng tình với việc sẽ có nhiều bộ SGK, nhưng ai sẽ là người được quyền chọn SGK để tránh tình trạng phân biệt “con đẻ - con nuôi”? Câu hỏi này được các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung bàn thảo.

GS Thuyết: "Nên giao quyền chọn SGK cho các tổ chuyên môn. Các thầy cô giáo gần học sinh nhất sẽ biết chọn sách nào phù hợp". Ảnh: HH

Theo GS Thuyết, Đề án đổi mới Chương trình SGK của Bộ GD&ĐT đúng ở chỗ là giao cho trường lựa chọn vì trường sát học sinh nhất. Trình độ đặc điểm của học sinh như thế nào thì các thầy cô trong trường hiểu rõ nhất. Vì vậy, họ sẽ biết những SGK nào tốt cho học sinh của mình.  

"Tôi cho rằng nếu giao cho ông hiệu trưởng hay bà hiệu phó thì giống như câu chuyện giao cho các giám đốc sở. Bởi nếu 1 người lựa chọn thì không tránh khỏi tính chất chủ quan, tiêu cực. Không thể tránh khỏi những trường hợp nhà xuất bản tiếp thị "quá nhiệt tình" khiến sự lựa chọn sẽ thiếu khách quan. Ngoài ra cũng không thể không tính tới khả năng khi thay đổi lãnh đạo nhà trường cũng có thể thay đổi SGK đã lựa chọn..."

GS Thuyết đề xuất, tốt nhất nên dựa vào ý kiến bàn thảo và quyết đinh của các tổ chuyên môn. Các thầy cô giáo gần học sinh nhất sẽ biết chọn sách nào phù hợp với học sinh của mình.

Cùng bàn về vấn đề này, PGS Văn Như Cương bày tỏ: "Tôi nghĩ các sở sẽ là người quyết định chọn và các trường sẽ chọn theo sở vì việc học sách nào sẽ liên quan đến thi cử, mà thi ở phổ thông do các sở ra đề".

Trả lời câu hỏi ai là người được chọn SGK, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có quy định cụ thể về việc chọn SGK, khi đó hiệu trưởng sẽ phải thực hiện đúng quy định do Bộ đặt ra để tránh nảy sinh tiêu cực.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm