Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường

Thứ ba, 16/10/2018 - 06:33

(Thanh tra)- Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025" vừa được Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục có một đề án bài bản về văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Đề án chú trọng tới việc dạy học sinh thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự... Ảnh minh họa: Hải Hà

Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Đề án để lấy ý kiến rộng rãi dư luận.

Dạy học sinh xếp hàng, tự phục vụ nơi công cộng

Đề án được áp dụng từ năm học 2018 - 2019 và đến năm 2020, 100% trường học phải xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử này.

Bộ quy tắc quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử và phải được niêm yết tại các bảng tin, bảng thông báo, website nhà trường...

Đề án nhấn mạnh tới đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử ở các cấp học.

Bậc mầm non, bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục... để hình thành và phát triển ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (lễ phép, kính trọng, yêu thương thầy, cô giáo, ông bà, cha mẹ; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp).

Bậc phổ thông, chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung.

Đặc biệt, Đề án chú trọng tới việc xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: Văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật...).

Các cơ sở giáo dục đại học, trường sư phạm, giáo dục nghề nghiệp, bổ sung nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào các hoạt động giáo dục, thực hành, thực tập, tình nguyện vì cộng đồng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…

Ngoài ra, Đề án cũng hướng tới việc đổi mới phương pháp dạy học các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Đề án yêu cầu, tăng cường giáo dục định hướng để học sinh, sinh viên sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh và thể hiện ứng xử văn hóa trong môi trường mạng Internet, các mạng xã hội; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng.

Tăng cường phối hợp giữa “3 nhà”

Điểm đáng lưu ý là Đề án đề cao sự phối hợp giữa “3 nhà” nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường hiệu quả. Tổ chức xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm bộ quy tắc ứng xử, công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc liên quan…

Gia đình có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng. Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan…

Đặc biệt, Đề án cũng quy định rõ, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử trong các nhà trường; có hình thức động viên khen thưởng các trường học làm tốt; xử lý đối với các đơn vị để xảy ra các vấn đề về bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa. Đồng thời, hỗ trợ người học gặp khó khăn, xử lí kịp thời các vi phạm, đảm bảo an toàn cho người học…

Về kinh phí để thực hiện Đề án, lấy từ chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp ngân sách Nhà nước; nguồn thu của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm