Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thu Huyền
Thứ năm, 14/11/2024 - 11:03
(Thanh tra) - Lộ trình giảm phát thải ròng xuống bằng 0 (Net Zero) đang được đẩy mạnh thực hiện từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành. Trong trường học, những năm gần đây, mô hình Net Zero cũng đang được tăng cường triển khai thực hiện.
Học sinh Trường THCS Đồng Khởi (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) với mô hình trồng cây xanh trường học. Ảnh: Thu Huyền
Net Zero (phát thải ròng bằng 0) là trạng thái đạt được khi lượng khí nhà kính (trong đó có khí Carbon Dioxide - CO2) thải vào khí quyển cân bằng với lượng khí nhà kính được loại bỏ. Trạng thái này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn đà tăng lên của nhiệt độ toàn cầu, ngăn chặn sự biến đổi khí hậu với những tác động khủng khiếp của nó.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào cuối năm 2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Các bộ, ngành đã xây dựng chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Tiếp đó, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu: Chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc thực hiện mô hình Net Zero trong trường học ngày càng được quan tâm, trong đó nổi lên nhiều đơn vị tiên phong, điển hình.
Tại Hà Nội, Trường Tiểu học, THCS&THPT Nguyễn Siêu (trường Nguyễn Siêu) là đơn vị tiên phong trong phong trào phát triển xanh, là ngôi trường đầu tiên của Thủ đô tham gia chiến dịch “Race To Zero” từ ngày 23/9/2021. Thông tin từ trường Nguyễn Siêu cho biết, từ đầu tháng 11/2021, trên các nền tảng trực tuyến Zoom, YouTube, Facebook trường Nguyễn Siêu, chiến dịch “Race To Zero” đã chính thức khởi động, hưởng ứng Hội nghị COP26.
Nhiều hoạt động đã được triển khai trong trường học nhằm góp phần cùng Chính phủ thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 như: Tận dụng thức ăn thừa, cung cấp cho các trang trại chăn nuôi; phân loại rác thải, thu gom pin đã qua sử dụng; kế hoạch nhỏ - tiết kiệm giấy; mô hình căng-tin thân thiện môi trường; tiết kiệm năng lượng....
Theo Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội), Trường British International (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng là một trong những trường học tiên phong tham gia Chiến dịch Race to Zero với những hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chung tay thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, việc triển khai thực hiện mô hình Net Zero trong trường học đang được chú trọng thực hiện.
Tại tỉnh Bình Dương, với mong muốn phổ biến kiến thức về tính trung hòa carbon đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng sinh viên trên toàn tỉnh, giúp sinh viên nắm vững các khái niệm và nguyên tắc cơ bản về Net Zero, trung hoà carbon và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Hành trình Net Zero: Tìm hiểu về trung hoà carbon và biến đổi khí hậu” vào tháng 9/2024 với đối tượng dự thi là sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 17/10/2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức đã ban hành công văn gửi các đơn vị về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và nhân rộng mô hình Net Zero trong trường học. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện triển khai thực hiện việc tuyên truyền bảo tồn năng lượng điện và hạn chế khí thải carbon ra môi trường; tuyên truyền về bảo tồn nguồn nước; cắt giảm, tận dụng lại và tái sử dụng các sản phẩm như chai nhựa, túi nhựa, bao bì nhựa.
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường thông qua việc nâng cao nhận thức, năng lực cho toàn thể nhà giáo và người học nhằm tiếp tục đổi mới hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2019 - 2025. Trong đó có nội dung phối hợp việc tăng cường xây dựng các sáng kiến, giải pháp hiệu quả về bảo vệ môi trường, các mô hình tiên tiến, điển hình về bảo vệ môi trường, tập trung vào việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong các cơ sở giáo dục.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8347/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
(Thanh tra) - Chiều ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức gặp mặt các nhà giáo tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và nhà giáo tiêu biểu cấp Trung ương lần thứ IV, năm 2024.
Lê Phương
21:49 14/11/2024Trọng Tài
19:10 14/11/2024Hải Hà
15:53 14/11/2024Văn Thanh
14:41 14/11/2024Thu Huyền
11:03 14/11/2024Kim Thành
Lê Hữu Chính
Kim Thành
Lê Phương
N. P
Nam Dũng
Kim Thành
Thái Hải
Trọng Tài