Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu gần 107.000 giáo viên, giá sách giáo khoa mới cao

Hương Giang

Thứ năm, 23/02/2023 - 06:30

(Thanh tra) - Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên và thừa cục bộ hơn 5.000 giáo viên. Cạnh đó là tình trạng thiếu trường, lớp; một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ.

Hiện số lượng giáo viên còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: hanoimoi.vn

Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thực hiện trong năm 2023 trên phạm vi cả nước.

Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nêu, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được ban hành, triển khai với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền.

Sách giáo khoa thực hiện xã hội hóa trong biên soạn đã đạt được thành quả bước đầu, bảo đảm đủ sách triển khai chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đáp ứng được phần quan trọng trong yêu cầu.

“Việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục, nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới”, Chính phủ nhận định.

Cần tuyển 12.400 giáo viên tin học, ngoại ngữ cấp tiểu học

Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ; số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa, thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học và các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông (THPT).

Tính đến cuối năm học 2021-2022, cả nước có hơn 1,22 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (trong đó công lập hơn 1,09 triệu giáo viên, ngoài công lập 135.231 giáo viên).

Cả nước còn thiếu gần 107.000 giáo viên (cấp mầm non thiếu hơn 44.000 giáo viên, cấp tiểu học thiếu gần 33.000, cấp THCS thiếu hơn 18.000, cấp THPT thiếu gần 12.000 giáo viên).

Trong khi, thừa cục bộ 5.091 giáo viên (cấp tiểu học thừa cục bộ hơn 2.300, cấp THCS thừa cục bộ hơn 2.650, cấp THPT thừa cục bộ 139 giáo viên).

“Việc thiếu giáo viên ở các địa phương thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến việc bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, Chính phủ đánh giá.

Nguyên nhân thiếu giáo viên là do quy mô trường, lớp, học sinh tăng, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và đô thị; thiếu biên chế; thiếu cơ chế thu hút; một số địa phương thiếu nguồn tuyến. Nhiều địa phương tuyển dụng chưa kịp thời, mỗi năm chỉ tuyển 1 đợt, cá biệt có địa phương 2 năm hoặc hơn mới tổ chức tuyển dụng.

Để đáp ứng yêu cầu theo lộ trình, từ nay đến năm học 2024-2025, cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ cấp tiểu học để dạy chương trình bắt buộc ở các lớp 3, 4, 5.

Đề cập đến giải pháp, Chính phủ cho biết, sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên.

Cần đưa sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá

Liên quan đến giá sách giáo khoa, theo báo cáo, việc này do các doanh nghiệp, nhà xuất bản tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước không phê duyệt giá, không quyết định giá và không can thiệp vào quyền tự định giá của các đơn vị.

Trước đây, trên cả nước áp dụng một bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn, phát hành. Từ năm 2020 đến nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, cả nước có 7 nhà xuất bản đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Tài chính đã phối hợp tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa của các đơn vị theo quy định pháp luật về giá.

Đồng thời, đã có 32 văn bản đề nghị các đơn vị rà soát, triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là các chi phí quản lý, quảng bá sách... nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng.

Theo đó, các đơn vị đã thực hiện kê khai điều chỉnh giảm giá sách giáo khoa so với lần kê khai trước, mức giảm phổ biến 5-15% tùy sách.

Báo cáo cũng thông tin, thời gian qua, có một số bộ sách giáo khoa mới có giá cao hơn so với bộ sách giáo khoa theo chương trình cũ trước đây, với các lý do chính như khổ sách, số cuốn sách, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công... cũng tăng cao so với trước đây.

Một số chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu... trước đây được ngân sách Nhà nước chi trả, nay không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ nữa nên đã tính vào giá...

Nhận định việc quản lý giá sách giáo khoa bằng biện pháp kê khai giá chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vì vậy, Chính phủ đã trình sửa Luật Giá, trong đó đề xuất đưa sách giáo khoa vào diện Nhà nước định giá, kiểm soát giá.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4 (tháng 11/2022), dự kiến xem xét để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Thiếu hàng chục nghìn phòng học

Không chỉ thiếu giáo viên, tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo, cả nước có gần 419.177 phòng học các cấp tiểu học, THCS, THPT công lập, trong đó, số phòng học kiên cố 366.243 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 87,4%.

Với phòng học bộ môn, các trường cơ bản đều có, nhưng cấp tiểu học còn thiếu nhiều. Hiện, cả nước còn thiếu 42.304 phòng học bộ môn cấp tiểu học; từ năm học 2022-2023, để đáp ứng cho môn Tin học và Ngoại ngữ là môn học bắt buộc, cả nước còn thiếu 3.031 phòng học Tin học và 5.517 phòng học Ngoại ngữ.

Phòng học bộ môn thiếu cũng diễn ra ở cấp THCS, THPT. Theo quy định, mỗi trường THCS có 7 phòng học bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, Đa chức năng) và hiện thiếu 16.288 phòng.

Còn cấp THPT, mỗi trường có 9 phòng học bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Đa chức năng) thì số phòng còn thiếu là 5.328 phòng.

Giải pháp mà Chính phủ đưa ra là chỉ đạo các địa phương rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông”.

Xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn, trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm