Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Hương Giang

Thứ ba, 04/10/2022 - 17:16

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đã đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non, phổ thông được Bộ Chính trị giao bổ sung năm học 2022 - 2023.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Đ.X

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo gửi Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn học mới, giáo viên mầm non

Theo báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông.

Số biên chế này được ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.

Cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ xây dựng thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015 theo hướng không quy định “tối đa” định mức giáo viên/lớp, nhóm trẻ để các địa phương có cơ sở tuyển dụng, hợp đồng giáo viên bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.

Bộ cũng sẽ quy định lại tỷ lệ giáo viên/học sinh theo các vùng miền; trình Chính phủ xem xét, quyết định đưa dự án luật điều chỉnh về nhà giáo vào Chương trình Xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…

Gói tín dụng hỗ trợ trường mầm non, tiểu học tư thục mới giải ngân được 12%

Nhiệm vụ nữa Quốc hội giao là nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non khắc phục hậu quả do dịch bệnh COVID-19 - thời hạn hoàn thành là tháng 6/2022.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đã triển khai rà soát thực trạng chế độ chính sách với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để nắm bắt tình hình.

Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thời gian tới đây, bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Còn việc triển khai thực hiện quyết định tín dụng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các trường tiểu học tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được vay vốn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động, Bộ trưởng cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Chính sách, tính đến ngày 15/8 mới giải ngân được 170 tỷ đồng, hoàn thành 12,1% kế hoạch theo chỉ tiêu được giao tại Nghị định số 11 của Chính phủ (năm học 2022 - 2023 là 1.400 tỷ đồng).

Vì vậy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, tới đây sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quyết định tín dụng với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Không được ép học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập

Với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục.

Trong đó chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục, các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tỉ lệ sách được sử dụng lại nhiều lần.

Đồng thời, “không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập”.

Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa các môn học/hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách theo đúng lộ trình.

Giải pháp nữa được Bộ trưởng đưa ra là, lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để nâng cao chất lượng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm