Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thí sinh quay cuồng học thêm

Thứ ba, 07/05/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ diễn ra, đây là giai đoạn “chạy nước rút” với các bạn học sinh lớp 12. Ngoài học thêm ở trường, nhiều sĩ tử quay cuồng học thêm ở các "lò" luyện thi với hi vọng đạt kết quả cao ở kỳ “vượt vũ môn” sắp tới.

Nhiều sĩ tử lo lắng cho lần “vượt vũ môn” sắp tới, nên quay cuồng học thêm ở trường rồi đến các "lò" luyện thi. Ảnh: HH

Tới "lò" luyện học "mánh" làm bài

Bắt đầu từ tháng 4, các trường THPT trên cả nước đã tiến hành ôn tập cho học sinh lớp 12. Nhiều sĩ tử cho biết, học ở trường chưa đủ, nên tới "lò" luyện thi để được học... "mánh" làm bài.

Nguyễn Hữu Tùng - học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Lãng (Hà Nội) chia sẻ: Trường em đã tổ chức ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia từ đầu tháng 3. Em đăng ký tuyển sinh đại học (ĐH) khối A nhưng lo lắng các môn thi để xét tốt nghiệp, đặc biệt là tiếng Anh em học chưa tốt. Vì vậy, em lựa chọn tới "lò" để luyện tiếng Anh.

Tương tự, Bùi Huy Đức - học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết: Nhà trường có tổ chức ôn tập, nhưng em ra ngoài học ở các “lò” luyện thi vì cảm thấy tin tưởng hơn. Ở đó có giảng viên ĐH đến ôn thi, các thầy có các "mánh" để làm bài thi trắc nghiệm nhanh hơn. 

“Lịch học thêm của em kín mít từ thứ 2 đến thứ 7. Một ngày thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối mới về đến nhà, rồi tự học đến 1 - 2 giờ đêm. Ngoài học chính, học thêm ở trường, cứ 6 giờ chiều em lại tới học ở các trung tâm”, Đức nói. 

Chia sẻ về áp lực học hành trước lần “vượt vũ môn” sắp tới, Đức cho rằng, lịch học như thế là nặng và cũng rất mệt nhưng vì là kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh nên em cố gắng "gánh".

Lịch học thêm kín mít cũng là những gì Phạm Thị Phương - học sinh Trường THPT Mỹ Đức A đang “gánh” hàng ngày. Phương cho biết, ngoài học thêm ở trường bọn em đều phải đi học thêm ở các trung tâm để học kỹ năng làm bài nhanh. Em theo ban D, nhưng vì đăng ký xét tuyển nhiều tổ hợp nên em học ở trường 3 buổi các môn Văn, Toán và Vật Lý, còn học ở trung tâm 2 buổi môn tiếng Anh và Toán. 

Cô bạn cùng học ở Trường THPT Mỹ Đức A Lê Thị Thu Trang cũng quay cuồng học thêm ở trường rồi lại ở trung tâm. “Ngoài học thêm ở trường, tuần em học thêm ở trung tâm 5 buổi. Có những ngày phải đi học 3 ca, muộn mới về đến nhà, ăn uống qua loa rồi lại ngồi vào bàn học đến 1 - 2 giờ đi ngủ”, Trang chia sẻ. 

Không nên học thêm tràn lan

Trước tình trạng học sinh lớp 12 đổ xô đi học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, nhiều thầy cô giáo khuyên, các em không nên đi học thêm quá nhiều…

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), thầy Nguyễn Thế Quang - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trường đã tổ chức ôn thi cho học sinh lớp 12 được 10 tuần nay trên tinh thần đăng ký tự nguyện của học sinh, em nào đuối môn gì thì ôn môn ấy. 

Các em ôn thi mục đích chính là phục vụ xét tốt nghiệp. Học sinh khối A chủ yếu đăng ký ôn môn Sử, Địa; khối C ôn thi tiếng Anh. 

Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký ôn thi tại trường không nhiều. Trong tổng số 14 lớp với khoảng gần 700 học sinh thì chưa đầy 1 nửa học sinh đăng ký. Các em thi khối H, khối G tự đăng ký học thêm ở trong trường hoặc ở ngoài.

Thầy Quang chia sẻ: Tại Trường THPT Lê Quý Đôn trong các buổi chào cờ, hay sinh hoạt lớp, các thầy cô đều tư vấn cho các em tự học ôn tập ở nhà là tốt nhất, nhà trường cũng không tổ chức dạy thêm, học thêm tràn lan, chỉ giai đoạn cuối năm học đến trước khi thi khoảng 1 tháng nếu em nào có nhu cầu thì đăng ký học. 

Đối với những bạn học sinh đi học thêm, thầy Quang nhắn gửi: Học thêm các em nên tìm nơi thích hợp. Việc học thêm sẽ chỉ có tác dụng khi các em vừa đi học thêm vừa luyện tập ở nhà, để trở thành kỹ năng làm bài. Còn 1 số em học thêm theo phong trào thì không nên.

“Có những em đến ngồi nghe thì hay, nhưng trên đường về thì bay hết chữ, tối về nằm vật ra ngủ, hôm sau mắt nhắm mắt mở đến trường thì việc học thêm là không hiệu quả”, thầy Quang nói, đồng thời nhắc tới sự cần thiết của việc học nhóm “các em nên tập hợp lại với nhau theo nhóm, em học tốt hướng dẫn, kèm cặp em học kém sẽ rất hiệu quả”.

Không nên học thêm tràn lan cũng là quan điểm của thầy Nguyễn Văn Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh). Thầy Hiếu chia sẻ: Hiện tại, nhà trường đã bắt đầu ôn luyện cho học sinh theo các tổ hợp truyền thống A, B, C, D1 và đến 15/6 sẽ kết thúc. Trong tổng số có 670 học sinh lớp 12 với 15 lớp thì học sinh tham gia ôn về cơ bản đủ 100%. 

“Theo tôi, các em học sinh không nên đến các “lò” luyện thi vì Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ 10% ở lớp 11, nên các thầy cô phổ thông có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các em. Tốt nhất học sinh nên ôn thi tại trường”, thầy Hiếu nhắn gửi.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/6.

Kỳ thi gồm 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

Năm nay có 886.650 thí sinh đăng ký dự thi.

Để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức tập huấn đầy đủ nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi và quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, thông tin liên lạc…


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm