Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 13/08/2018 - 18:35
(Thanh tra)- Năm học mới 2018 - 2019 đang đến gần. Tại Hà Nội, một số trường học ở huyện Chương Mỹ bị ngập sâu tới hơn 20 ngày, đến nay nước đã rút nhưng học sinh chưa thể quay lại trường…
Ngày 12/8 (sau hơn 20 ngày ngập lụt), nước đã rút hết ra khỏi Trường Mầm non Nam Phương Tiến, nhưng chưa biết bao giờ học sinh mới có thể quay lại trường học. Ảnh: HH
Cơ sở vật chất hư hỏng nặng
Huyện Chương Mỹ có 5 trường học bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lần này. Trong đó xã Nam Phương Tiến có tới 3 trường bị ngập sâu là Trường Mầm non Nam Phương Tiến, Tiểu học Nam Phương Tiến A, THCS Nam Phương Tiến A. Ngoài ra, còn 2 trường khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự là Tiểu học Quảng Bị và THCS Hoàng Văn Thụ.
Ngày 12/8 (sau hơn 20 ngày ngập lụt), ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến chia sẻ với PV Báo Thanh tra: Hiện tại, nước đã rút hết ra khỏi trường. Tại Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A - nơi ngập sâu nhất nước cũng đã rút hết. Địa phương huy động lực lượng hoàn thành công tác tổng vệ sinh môi trường, bùn đất đã dọn sạch, bàn ghế cũng đã được kê lại.
Nói về thiệt hại do ngập lụt gây ra, ông Vĩnh cho biết: Thống kê ban đầu cho thấy, ngập lụt đã làm bàn ghế hư hỏng gần hết, một số phòng học, phòng hội đồng bị xuống cấp, tốc mái nhà, một số hệ thống điện bị hư hỏng, sàn nhà bị lún, vỡ gạch, tường bao bị đổ… Hiện xã đang khảo sát lập dự toán để sửa chữa.
Theo kế hoạch, ngày 1/8 là ngày tựu trường, nhưng gần 600 trẻ em, học sinh trên địa bàn xã Nam Phương Tiến chưa thể đến trường vì nước ngập sâu.
Ngày 12/8, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến vẫn chưa thể khẳng định bao giờ học sinh có thể quay lại trường học. Ông Thắng nói: “Tôi không dám nói trước, bởi điều kiện thời tiết tiếp tục thông báo ngày mai, ngày kia mưa nữa thì không biết được thế nào. Nếu thời tiết thuận lợi thì chắc phải hết tuần sau (ngày 19/8 - PV) thì học sinh mới đến trường vì phải chờ khô hết nền nhà, nền sân trường, đóng được điện thì các cháu mới học được. Xung quanh trường học còn rất nhiều nước, nước ở xung quanh tường bao, nước ở đồng ruộng, trên đường đi đến trường… nếu các cháu đi học thì rất nguy hiểm".
Địa phương đang chạy đua với thời gian, khắc phục cơ sở vật chất, hạ tầng để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới vào ngày 5/9. Riêng Trường THCS Nam Phương Tiến A, UBND huyện chỉ đạo, sau khi nước rút, phải khắc phục ngay các điều kiện để học sinh được đến trường sớm nhất.
Để theo kịp chương trình học tập của các trường trong địa bàn huyện cũng như trong cả nước, ông Thắng chia sẻ: “Các trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ có kế hoạch để đảm bảo cho các cháu không bị chậm chương trình. Vì vậy, học sinh sẽ phải tăng ca học, tăng mỗi ca học thêm một tiết và học thêm sáng thứ Bảy, có thể cả Chủ nhật. Để giảm áp lực cho học sinh, những tiết này nhà trường sẽ không dạy những môn khoa học mà thay vào những môn có tính chất giải trí như nhạc, họa, thể dục…".
Thiếu trường, lớp học
Trước thềm năm học mới 2018 - 2019, không chỉ các trường vùng ngập lụt ở Hà Nội gặp khó khăn mà trong nội đô, tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị vẫn diễn ra nhiều năm nay.
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Thủ đô có 2.641 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 54.798 nhóm lớp.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Năm học qua, Hà Nội dành 19 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Có 66 trường học và hơn 22 nghìn phòng học mới đã được xây dựng.
Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số chóng mặt, các khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên như “nấm sau mưa”, nên số lượng trường lớp dù có tăng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu của gần 2 triệu học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang thừa nhận: Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, Hà Nội thiếu đất xây dựng trường học, đặc biệt là ở các quận nội thành như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… Trong khi đó, các huyện ngoại thành như Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa… dễ bố trí địa điểm xây dựng trường, nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư.
Quận Thanh Xuân - một trong những địa phương “nóng” với tốc độ gia tăng chóng mặt các khu đô thị. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội 2015 - 2020, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo xây dựng đề án “Phát triển GD&ĐT quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đặc biệt quan tâm, rà soát, phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây dựng cơ sở vật chất trường học. Trên cơ sở quy hoạch UBND quận đã báo cáo đề xuất thành phố ưu tiên quỹ đất xây mới 18 trường học giai đoạn 2015 - 2020.
Bên cạnh đó, UBND quận trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp có chuyển đổi mục đích sử dụng để thống nhất dành quỹ đất phù hợp xây trường học (4 trường xây mới đã đi vào hoạt động; 3 trường đang xây dựng).
Những năm qua, quận dành kinh phí lớn cho giáo dục (cơ cấu vốn đầu tư chiếm 50%, trên tổng số vốn đầu tư từ ngân sách quận).
Năm học 2018 - 2019, quận đã xây mới 1 trường tiểu học; 4 trường mầm non; xây thêm 24 phòng học ở các trường tiểu học.
Để giải bài toán thiếu trường, lớp học, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ: Ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn 30 quận, huyện thị xã, đặc biệt quan tâm trường học trong khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Sở cũng đã trình UBND TP xem xét phê duyệt quyết định “điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, toàn thành phố sẽ cải tạo và xây mới 1.557 trường học (xây mới 1.275 trường) với tổng kinh phí xây dựng khoảng 74 nghìn tỷ đồng.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị dơ kết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 10/12.
Lê Phương
20:16 10/12/2024(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?
Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024Nam Dũng
11:32 10/12/2024Lê Phương
21:30 06/12/2024Trọng Tài
09:47 06/12/2024Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trọng Tài
Nam Dũng