Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mong mỏi 1 kỳ thi công bằng

Thứ ba, 02/07/2019 - 06:31

(Thanh tra)- Kỳ thi THPT Quốc gia vừa kết thúc, thời điểm này, công tác chấm thi đang được triển khai. Tuy nhiên, gian lận điểm trong kỳ thi năm ngoái khiến phụ huynh cũng như thí sinh không khỏi lo lắng, họ mong mỏi tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là chấm thi phải được tổ chức một cách chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: HH

Căng thẳng, áp lực

Những ngày diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019, thời tiết ở Hà Nội nắng nóng, oi bức, ngột ngạt, nhưng sức nóng của thời tiết chưa thể so được với sức nóng của kỳ thi. Mặc cho cái nắng "cháy da cháy thịt", nhiều bậc phụ huynh vẫn "đội nắng" đợi con ngoài cổng trường thi suốt 3 giờ đồng hồ.

Chị Nguyễn Thị Hoa - có con gái thi ở điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), nhà cách trường thi 3km nhưng chị không về mà ngồi ngoài cổng trường thi, chờ con 3 tiếng thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH). Chị cho biết, nghỉ làm 3 ngày nay để đưa con đi thi, biết là ngồi chờ cũng không giúp được gì cho con, nhưng điều đó giúp chị yên tâm hơn về mặt tâm lý.

"Con gái đi thi nhưng mẹ căng thẳng lắm. Thời gian gần thi, cháu học tới 3-4 giờ sáng, mẹ bắt đi ngủ sớm nhưng cháu không chịu, lo chưa ôn được bài. Tối qua (đêm trước của ngày thi tổ hợp KHXH - PV), cháu thức ôn bài đến 4 giờ sáng. Mẹ bảo đi ngủ nhưng cháu nói lo không ngủ. Tôi đành để cháu thức, mẹ cũng chập chờn cả đêm, cứ 1 tiếng lại chạy sang phòng nhìn con. Chỉ mong cho kỳ thi được tổ chức nghiêm túc để công sức của các con được đền đáp xứng đáng" - chị Hoa tâm sự.

Chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (Vạn Phúc, Hà Nội), nhà cách điểm thi Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ của con chưa đầy 2km, nhưng cả vợ chồng chị đều đến trường thi chờ con vì... sốt ruột. Con gái chị đăng ký xét tuyển đại học khối D vào Học viện Bưu chính viễn thông. Cả 12 năm học, cháu luôn là học sinh giỏi, nhưng “học tài thi phận”, đây là kỳ thi quan trọng quyết định tương lai của con sau 12 năm đèn sách, nên gia đình rất lo lắng.

“Đi thi về con kể, kỷ luật phòng thi nghiêm túc, nhưng đọc báo lại thấy ở tỉnh khác có thí sinh đem điện thoại vào phòng thi chụp đề tuồn ra ngoài nhờ người trợ giúp. Đây chỉ là 1 trường hợp bị phát giác, còn hàng nghìn điểm thi trên cả nước nữa, ai biết được có thực sự làm nghiêm túc để công bằng với mọi thí sinh hay không?", chị Tâm đặt câu hỏi và tiếp câu chuyện: Năm ngoái mấy tỉnh miền núi phía Bắc gian lận điểm thi, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nói đã khắc phục về mặt kỹ thuật, nhưng liệu những "lỗ hổng" của kỳ thi đã được bịt hết? Hay bịt chỗ nọ lại lòi chỗ kia?

Chị Tâm mong muốn, Bộ GD&ĐT nên sớm bỏ kỳ thi này, xét tốt nghiệp thì nên dùng kết quả trong học bạ 3 năm học THPT, còn thi đại học, cao đẳng thì để cho các trường tự lo, chứ tôi thấy 1 kỳ thi vào 1 đợt duy nhất trong năm như thế này áp lực lắm. Có trường hợp thí sinh đến muộn 2 phút không được vào thi, coi như tuột mất cả 2 cơ hội.

Đó cũng là mong mỏi của không ít bạn thí sinh. Nguyễn Thùy Anh (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) đã được tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương Hà Nội, nhưng vẫn phải dự thi 4 bài thi để xét công nhận tốt nghiệp. Thùy Anh cho biết, em bước vào kỳ thi này với tâm thế không quá lo lắng như những bạn thí sinh khác, vì chỉ cần thi đủ điểm để đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc phải trải qua 4 bài thi với 6 môn thi thì không phải là chuyện đơn giản. Vì đăng ký xét tốt nghiệp bằng bài thi tổ hợp KHXH nên em đều đặn phải đến trường thi trong 3 ngày liên tục. Thùy Anh mong muốn Bộ GD&ĐT nên xét công nhận tốt nghiệp THPT bằng điểm học bạ, còn tuyển sinh để các trường tự lo.

“Siết” khâu chấm thi để chống gian lận

Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đánh giá, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng, không còn hiện tượng phao thi. Cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT cũng chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức… Những đánh giá ban đầu về kỳ thi khiến dư luận phần nào yên tâm về một kỳ thi “sạch”. Tuy nhiên, năm 2018, tiêu cực thi cử lại xảy ra ở khâu chấm thi.

Để tránh đi vào “vết xe đổ”, năm nay, Bộ GD&ĐT đã “siết” chặt quy trình khâu chấm thi.

Đổi mới có thể thấy trước tiên đó là quy định các trường đại học sẽ trực tiếp chấm thi trắc nghiệm, việc chấm thi tự luận vẫn do các Sở GD&ĐT đảm nhiệm. Phần mềm chấm thi cũng đã được nâng cấp, cải tiến, tránh kẽ hở như năm ngoái đã bị lợi dụng, gây ra tiêu cực.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay, việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, theo quy trình kĩ thuật được tăng cường, không cho phép chỉnh sửa. Nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa; đối với chấm thi tự luận, từ khâu làm phách thực hiện triệt để cách ly hoàn toàn, đến khâu chấm thi cũng phải qua 2 vòng độc lập, bốc thăm để phân công người chấm… Đặc biệt, việc nhập kết quả chấm cũng qua 2 vòng. Sau đó, phần mềm so sánh không còn lỗi gì mới cho phép gửi kết quả. Việc chỉnh sửa sẽ bị phát hiện ra ngay trên hệ thống quản lý của Bộ GD&ĐT.

Lãnh đạo Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của công tác thanh tra trong khâu chấm thi. So với năm ngoái, số lượng đoàn thanh tra chấm thi tăng lên. Ngoài 2 cán bộ trường đại học, còn có 1 người là chánh thanh tra hoặc phó chánh thanh tra sở tham gia đoàn. Bên cạnh thanh tra cắm chốt, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi.

Để kỳ thi được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, công bằng, Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm thẩm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó tất cả các bài đạt điểm cao đều được chọn để chấm kiểm tra; các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình, đảm bảo chính xác, an toàn, đúng tiến độ.

Hi vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ, cùng những hàng rào kỹ thuật mà Bộ GD&ĐT thiết lập, gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ không còn đất sống. “Mục tiêu tối thượng của kỳ thi là an toàn, nghiêm túc, chính xác” như lời Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nói ngay sau khi kỳ thi vừa kết thúc, cũng là mong mỏi của người dân trên cả nước đối với một kỳ thi Quốc gia.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm