Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mầm non tư thục mọc "như nấm sau mưa"

Thứ năm, 06/03/2014 - 22:22

(Thanh tra) - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo Quản lý nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Tại Hội thảo, đa số các đại biểu tham dự đều chung nhận định trường mầm non tư thục (MNTT) phát triển "như nấm sau mưa". Tuy nhiên, chất lượng lại chưa cao, gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Nhóm lớp MNTT mọc "như nấm sau mưa". Ảnh minh họa: Internet

Phát triển nhanh về số lượng

Theo báo cáo của ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT, mạng lưới các trường mầm non phát triển nhanh trên phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 5/2013, cả nước đã có 13.741 trường mầm non, tăng 765 trường so với năm 2010 - 2011 (trong đó, công lập chiếm 88%, ngoài công lập 12%). Số trẻ mầm non được huy động tăng 523.313 trẻ.

Báo cáo của 50 tỉnh, thành phố cho thấy, đến tháng 2/2014, cả nước có 1.475 trường MNTT, trong đó có 112 trường tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Tỷ lệ trẻ độ tuổi đến trường MNTT chiếm khoảng 13% so với tổng số trẻ đến trường.

Số trẻ đến nhóm lớp tư thục tăng cao và tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KCX, khu đông dân cư như: Bình Dương, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Hải Hà

Tại đây số lượng các cơ sở MNTT phát triển với tốc độ nhanh, nhưng cũng chưa đáp ứng được hết nhu cầu trông và giáo dục trẻ. Điển hình như tại Hải Phòng, đến nay đã có 55 trường MNTT, chiếm tỷ lệ 18,27% tổng số trường mầm non của toàn thành phố (tăng 10 trường so với tháng 5/2013). Hiện, Hải Phòng có 926 nhóm lớp tư thục độc lập trong tổng số 3.525 nhóm lớp toàn thành phố, chiếm tỷ lệ 60,47% so với tổng số nhóm lớp mầm non độc lập tư thục. Các nhóm lớp tư thục độc lập thu hút 15.309 trẻ, chiếm tỷ lệ 15,67% so với trẻ mầm non được huy động đến trường, 9,04% so với dân số trẻ mầm non trong độ tuổi toàn thành phố.

Bà Trương Thị Phương Dung, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, mô hình các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục tuy phát triển, nhưng với quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Chính vì vậy, không ổn định ở một số mặt như: Thời gian tồn tại, số trẻ đi học, số giáo viên, trình độ giáo viên... điều này tạo cho công tác quả lý gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng chưa bảo đảm

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, trong sự phát triển của hệ thống mầm non thì các cơ sở MNTT cũng đã có những bước phát triển đáng mừng, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập. Đặc biệt là giải quyết nhu cầu trông trẻ ngày càng cao tại các KCN, KCX hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm lớp MNTT chưa được cấp phép không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, thời gian gần đây có nhiều vụ gây bức xúc cho xã hội. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý nhóm lớp thuộc khối MNTT đang được đặt ra không chỉ cho ngành GD&ĐT, mà đối với cả các cơ quan ban, ngành khác.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hải Hà

Theo nhiều đại biểu, hiện nay những cơ sở MNTT tồn tại dưới có 2 hình thức. Thứ nhất là các trường mầm non thu phí cao có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và môi trường sư phạm. Tuy nhiên, số lượng các trường này còn rất ít và phần đông người lao động không có đủ tài chính để chi trả. Thứ hai, chiếm số lượng chủ yếu, là các trường mầm non thu phí thấp, thường sử dụng mặt bằng thuê mướn, cơ sở vật chất nhỏ hẹp… không đúng quy định.

Còn theo bà Đinh Thị Hương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh, Hà Nội, hiện tồn tại nhiều các nhóm giữ trẻ có quy mô nhỏ, tuy nhiên, các chủ nhóm trẻ lại thiếu kinh nghiệm quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về chăm sóc giáo dục mầm non yếu, cộng thêm vào đó là không ổn định do thường xuyên thay đổi công việc… nên sẽ không đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.

Không những thế, cơ sở vật chất tại các trường MNTT cũng chưa bảo đảm, cơ sở vật chất chủ yếu là nhà cải tạo nên thiết kế không phù hợp với trẻ mầm non; diện tích sân chơi, phòng học hẹp, đồ dùng thiếu, đặc biệt là đồ chơi ngoài trời...

Chất lượng không bảo đảm, nhưng không thể dẹp bỏ vì "có cung ắt có cầu". Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để quản lý tốt các cơ sở giáo dục mầm non này? Đây là bài toán khó đối với các cấp quản lý nói chung và quản lý giáo dục nói riêng.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm