Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm gì để học online hiệu quả trong mùa dịch Covid-19?

Thứ ba, 21/04/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài. Nhiều trường trên cả nước đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Phương pháp học này bên cạnh việc hữu ích, phần nào hỗ trợ học sinh học tập để không quên kiến thức đã học, thì cũng còn không ít hệ luỵ.

Một lớp học online trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: TH

Đảm bảo hoạt động học không bị gián đoạn

Hiện nay, trên cả nước các trường đang triển khai công tác dạy học trực tuyến cho tất cả các cấp học, kể cả nhiều trung tâm học thêm. Nhiều hình thức được tổ chức như: Ghi hình bài giảng, thiết kế các bài trình diễn, hệ thống bài tập... rồi đăng tải lên website của trường theo định kỳ từng tuần hoặc hàng tuần. Việc dạy được triển khai qua phần mềm Zoom hoặc Trans trong khoảng 40 phút.

Đối với các trường, khối lớp còn khó khăn, các giáo viên chủ nhiệm đã thiết kế đề cương ôn tập gửi qua tin nhắn, thư điện tử... hoặc in sao trên giấy và gửi đến cho cha mẹ học sinh.

Ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh, dạy học trực tuyến còn tạo ra kênh liên lạc giúp nhà trường và phụ huynh phối hợp tốt trong việc quản lý học sinh, hướng các em đến những hoạt động học tập, vui chơi bổ ích trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh.

Dù mới áp dụng khi dịch bệnh phức tạp, song hình thức học này cũng đạt được những hiệu quả nhất định, bảo đảm chương trình học của học sinh không bị gián đoạn, đồng thời phát triển được năng lực tự học của các học sinh.

Tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ sau khi nghỉ học vì dịch Covid-19, trường đã tổ chức ôn tập lại kiến thức đã học bằng cách hàng tuần giáo viên gửi phiếu bài tập qua email, zalo để phụ huynh in cho các con làm.

Từ đầu tháng 3, trường đã triển khai dạy học trực tuyến thông qua phần mềm Zoom hoặc Trans cho tất cả các khối lớp với các môn học như Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh cho khối 1, 2, 3. Riêng đối với khối 4, 5 thêm môn Khoa học, Sử, Địa. Học sinh có thể thao tác trên máy vi tính hoặc điện thoại di động.

“Qua theo dõi, có thể thấy học sinh các khối lớp rất nghiêm túc thực hiện việc học tập, các em rất tích cực tương tác cùng cô giáo và các bạn trong lớp, bài tập về nhà hầu hết các em đều làm đầy đủ. Ngoài ra, hàng tuần các lớp cũng tổ chức một tiết sinh hoạt chung để trao đổi với các phụ huynh về việc học tập của con cũng bằng online”, cô Bùi Thị Hương, chủ nhiệm 4A chia sẻ.

Trường Liên cấp Tây Hà Nội dù đã có thông báo nghỉ học, song việc học tập của học sinh toàn trường không có nhiều ảnh hưởng. Nhà trường triển khai lớp học trực tuyến, giáo viên và học sinh đều có thể giảng dạy và học trực tuyến trên hệ thống qua các kênh như google classroom, classdojo, Microsoft 365 teams, facebook cocial learning....

Trong thời gian dạy, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thống kê số lượng học sinh tham gia qua mỗi buổi học, tiến hành động viên, nhắc nhở các em. Kết thúc bài học, học sinh được gửi các phiếu bài tập trắc nghiệm để kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu.

Các trường THCS, THPT cũng đồng loạt tổ chức cho học sinh học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 thông qua việc cho học sinh website của trường, hoặc thiết kế mạng xã hội (như Facebook, Instagram…).

Các trường đại học cũng đã triển khai học trực tuyến, sử dụng công cụ giảng 4.0, cung cấp tài liệu có sẵn cho sinh viên như các bài giảng, bài đọc, bài tập, video clip... trên hệ thống quản lý và yêu cầu xem trước theo hướng dẫn. Giảng viên có thể học trực tuyến với sinh viên trên các hệ thống online và thảo luận trực tuyến.

Ngoài ra, sinh viên có thể sử dụng hệ thống LMS (Learning management system) để xem tài liệu và làm bài tập online tại nhà, đồng thời trao đổi với giáo viên thông qua chat, gọi video nhóm.

Bố mẹ sắp xếp học cùng con trong lớp học online. Ảnh: TH

Không ít hệ lụy

Chị Phạm Nga, phụ huynh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, lớp học của con chị có khoảng 30 học sinh. Các con học qua phần mềm Zoom, Trans, mỗi tuần học 6 ca, mỗi ca học kéo dài 40 phút. Đây là hình thức học khá mới, nhưng nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, các con vẫn trật tự lắng nghe, không làm gián đoạn lớp học. Do đó, việc học khá hiệu quả.

Tuy nhiên, chị Nga cho rằng học trực tuyến giúp các con duy trì thói quen học tập hàng ngày nhưng để một mình con học thì sẽ rất khó, đặc biệt là học sinh ở bậc tiểu học.

“Nếu như học trên lớp, con có thể tương tác trực tiếp với giáo viên và các bạn thì ở nhà chỉ nhìn vào màn hình máy tính hay tivi để học nên con sẽ không tập trung được lâu. Chưa kể những lúc mạng chập chờn, con không thể vào được nên tôi phải ngồi cạnh để học cùng con", chị Nga chia sẻ.

Còn chị Lê Tuyết có 3 con cùng học tại Trường Liên cấp Tây Hà Nội cũng cho biết, do nhà có 3 đứa học online, lại đang còn nhỏ, chưa nhớ được các lịch học, nên chị phải sắp xếp lịch học cho các con, có những buổi các con có cùng một thời gian học online nên cả bố và mẹ dù công việc rất bận đều phải sắp xếp lại công việc để cùng con học bài, một mặt giúp con các lỗi kỹ thuật về máy tính, mặt khác còn ghi nhớ các thông tin từ trường, cô để hướng dẫn con thực hiện.

“Công việc của tôi khá bận, nhưng lại phải thường xuyên xem và gọi điện hướng dẫn, giải thích cho con cách tải bài, nộp bài, truyền đạt ý thông tin của trường, cô giáo khiến tôi tốn kha khá thời gian”, chị Tuyết chia sẻ.

Mặt khác, nhiều gia đình tranh thủ thời gian nghỉ dài cho con về quê, cũng có những gia đình không lắp đặt các thiết bị thông minh, chưa sử dụng công nghệ thông tin thành thạo dẫn đến việc học tập chưa thực sự thuận tiện.

Chị Hạnh, có con học ở Trường Tiểu học Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ: "Do lấy chồng muộn nên tôi gần 55 tuổi mà con mới học lớp 4. Nói đến việc dùng các các thiết bị thông minh thì tôi có biết chút ít như hàng ngày đọc mạng, xem facebook. Nhưng từ lúc con được thông báo là học online, rồi cô giáo gửi hướng dẫn cài đặt các phần mềm để học thì tôi rất bối rối. Tôi có biết thế nào là Zoom, là Trans đâu. Chưa kể là hàng ngày còn vào ID, pass, rồi có lúc vào mạng không được…".

Kể cả với bậc đại học cũng vẫn... vướng. Nhiều sinh viên đang học đại học được nghỉ về quê rất chật vật. Bởi lẽ ngoài việc không có mạng internet thì việc có một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính để học cũng rất khó khăn với các em. Khi vay mượn mua được những thứ cần thiết, thì việc nối mạng, học qua mạng đối với họ lại còn khó hơn cả việc đi vay nợ.

Chưa kể, các con ngồi trước màn hình máy tính liên tục từ 4 - 6 tiếng/ngày, gắn tai nghe liên tục... ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nghiêm trọng hơn, lợi dụng các buổi học trực tuyến trong dịch Covid-19, các đối tượng xấu đã kết bạn, dụ dỗ học sinh chụp ảnh nhạy cảm với những lời mời hấp dẫn.

Bà Nguyễn Thuận Hải, Tổng đài trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chia sẻ với báo chí: "Do ảnh hưởng của địch bệnh Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã triển khai dạy học trực tuyến và phần mềm miễn phí trên mạng. Lợi dụng điều này, hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng tăng bất thường. Tổng đài tiếp nhận được một số trường hợp phụ huynh gọi báo và chúng tôi cũng đều có những hỗ trợ nhất định. Đồng thời, những trường hợp này chúng tôi đều gửi thông tin cho Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)”.

Bà Nguyễn Thuận Hải khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên dùng phần mềm diệt vi rút hoặc có những bộ lọc, cài vào máy tính có thể hạn chế được phần nào những nội dung người lớn mà trẻ em có thể truy cập vào. Với trẻ em, không được mở, đặc biệt khi thấy những hình ảnh, những yếu tố không phù hợp, hay những người lạ thì không được phép mở ra hoặc không kết bạn, không trò chuyện, không mở webcam với những người mà mình không biết là ngoài đời thực”.

Bà Hải lưu ý các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con mình, phải biết các con vào những trang gì, thường xuyên trò chuyện với con để biết con thích chương trình gì để hỗ trợ con một cách tốt nhất, chia sẻ những gì trẻ thấy lo sợ hoặc thấy không an toàn. Khi cần hỗ trợ, tư vấn trẻ em và phụ huynh có thể liên hệ số máy 111 - Tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia.

Rõ ràng, việc học trực tuyến khá hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít hiểm nguy đối với con trẻ. Vì vậy, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng cho các con môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm