Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 20/10/2013 - 08:05
(Thanh tra) - Việc một số trường phổ thông ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh đang đứng ngồi không yên vì bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp 25% từ năm 2008 đến nay cho thấy có nhiều quy định vẫn chưa “sát sườn” thực tế. Vậy là, các trường đã kiến nghị và… chờ.
Ảnh minh họa
>>Nỗi lo gánh nặng tăng thêm
(Tiếp theo)
Trao đổi với chúng tôi về mức thuế suất đang bị truy thu, GS - TSKH Lưu Duẩn, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Việt Thanh không khỏi lo lắng: “Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với trường chúng tôi về vấn đề truy thu thuế, thật sự tôi đang rất lo lắng vì không biết xoay đâu ra số tiền 1,8 tỷ đồng để nộp, bán trường thì không ai mua. Mà không đóng thì cứ mỗi tháng sẽ bị tính lãi thêm 0,02%. Mới đây họ báo số tiền của tôi đã tăng lên gần 2 tỷ đồng. Tôi làm đơn xin gia hạn giãn khoảng cách đóng ra khoảng 2 - 5 năm nhưng Cục Thuế họ không chịu. Nói thật, bây giờ tôi cũng không biết phải xử lý ra sao, tôi đã làm đơn kiến nghị gửi lên Sở mong Sở GD&ĐT hỗ trợ, can thiệp giúp. Nếu quy định về diện tích đất tối thiểu được thống nhất ngay từ đầu, chắc chắn chúng tôi sẽ có kế hoạch đầu tư phù hợp, đằng này khi chúng tôi dốc hết tiền vào đầu tư rồi mới áp quy định trên nên giờ không biết xử lý thế nào? Quyết định 693 (ban hành ngày 06/5/2013) của Thủ tướng đã có những thay đổi rất thực tế, nhưng tại sao lại không áp cho khối trường phổ thông? Vì thế tôi thấy, điều kiện quy định 6m2 đất/học sinh là thiếu tính nhất quán về chính sách. Hô hào xã hội hóa giáo dục nhưng lại đánh thuế trường học đến 25%, vậy sự ưu đãi dành cho chúng tôi nằm ở đâu?”, ông Duẩn bức xúc.
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thanh Bình (Q. Tân Bình) cũng cho rằng: Việc áp quy định 6m2/học sinh là thiếu tính thực tế vì không dễ để các trường đạt được. Do đó, chính sách ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ khó mang lại hiệu quả. Thay vì truy thu thuế các trường thì các cơ quan chức năng nên để cho trường số tiền ấy để họ tái đầu tư, bổ sung những điều kiện mà mình đang thiếu (thông qua giám sát) thay vì cứ chăm chăm truy thu các trường. Giả sử các trường không có đủ tiền để nộp thì chắc chắn sẽ dẫn đến những hệ quả xấu. Vì thế, tôi thấy nên duy trì mức thuế 10% để giúp các trường có điều kiện phát triển.
Đang trong chế độ chờ Sở GD&ĐT có kiến nghị trình UBND TP. Hồ Chí Minh để UBND TP gửi văn bản kiến nghị lên Chính Phủ, TS. Phạm Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Đức phân tích: “Theo Nghị định 69 và Thông tư hướng dẫn 135 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính, các trường ngoài công lập sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho thuê nhà dài hạn với mức giá ưu đãi. Nghĩa là, Nhà nước đặt điều kiện song song với việc tạo điều kiện cho các trường. Bất công là trên thực tế, gần như tất cả các trường đều không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước. Theo tôi được biết, hiện 95% số trường ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh không đạt được chuẩn về diện tích đất, không được hưởng ưu đãi về thuế. Vậy chính sách ưu đãi, khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia xã hội hóa giáo dục của Chính phủ xét trên thực tế không mang lại hiệu quả, không tác dụng gì nữa”, ông nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Đã là nghị định của Chính phủ thì phải thực hiện. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chỉ làm theo đúng các quy định mà pháp luật đã quy định, các trường muốn được hưởng mức thuế suất ưu đãi (10%) thì cần đáp ứng các điều kiện đã quy định. Riêng việc muốn kiến nghị, tháo khó trong việc truy thu thì các trường cần phải kiến nghị với Sở GD&ĐT, UBND TP để họ có những kiến nghị với Chính phủ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh khi được hỏi về vấn đề này cũng cho biết: “Đã tiếp nhận thông tin kiến nghị của các trường tại Hội nghị tổng kết năm học. Chúng tôi đã nhận được văn bản kiến nghị của các trường và đã ngay lập tức chỉ đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính sớm có văn bản gửi trình UBND TP xin ý kiến về vấn đề này. Việc UBND TP xem xét, duyệt trình ra sao vẫn phải đợi”, ông cho biết.
Việc chuẩn hóa các điều kiện để môi trường giáo dục ngày càng chuẩn chất hơn, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao chất lượng giáo dục và thỏa mãn các dịch vụ mà học sinh phải được thụ hưởng là điều rất nên làm. Tuy nhiên, với những điều kiện khó như hiện nay chắc chắn sẽ không nhiều trường ngoài công lập tại TP. Hồ Chí Minh đạt được mức thuế ưu đãi 10%. Lúc ấy, buộc các trường phải thu mức học phí cao hơn và tất nhiên phụ huynh sẽ vẫn là người gánh nặng trên vai những bất cập từ chính sách.
Nguyễn Tú
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình