Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 14/12/2014 - 06:44
(Thanh tra)- Vì đâu mất thời gian, công sức, tiền bạc để có được tấm bằng đại học, nhưng cử nhân vẫn mòn mỏi tìm việc làm?
Ảnh: Hải Hà
Thất nghiệp, vì sao?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra con số khiến nhiều người lo lắng và phải suy ngẫm, đó là tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ cao khá lớn. Đến hết quý 3/2014, nước ta có 174.000 người có trình độ từ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm gần 17% tổng số người thất nghiệp trên cả nước. So với cả năm 2013, con số này mới chỉ 73.000 và đến quý 2 cùng năm 2014 là 147.000.
Câu chuyện sinh viên ra trường loay hoay tìm việc làm hay chấp nhận thất nghiệp đã trở nên quá quen thuộc. Đây không phải là vấn đề mới, cũng không phải nóng hổi, nhưng vẫn được xã hội hết sức quan tâm. Vì sao tình trạng này lại kéo dài và liên tục tăng?
Ông Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam chỉ ra rằng: Trong đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là cơ chế quản lý chồng chéo, không hiệu quả giữa các bộ, ngành liên quan. Công tác đào tạo không bám vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, "thả nổi" cho các cơ sở đào tạo dẫn tới cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề không hợp lý.
Nhìn vấn đề dưới góc độ kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Phó trưởng ban Lý luận Tuyên truyền, Báo Nhân dân, phân tích: Năm 2014, có nhiều điểm sáng về kinh tế, nhưng cơ bản khó khăn lớn lại chưa vượt qua được. Số doanh nghiệp phá sản tăng so với năm ngoái (năm 2013 có 42.000 doanh nghiệp phá sản, 10 tháng của năm 2014 con số này đã là 48.000), trong khi số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn 10%, cho nên đã “thải” ra thị trường lao động con số tương đối lớn. Hơn nữa, các doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến năm 2016, lại không được tăng thêm biên chế mới, chỉ bổ sung cho lượng về hưu. Trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông để kiết kiệm chi phí, kể cả các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài như Sam Sung…
Vậy, ai khiến cử nhân thất nghiệp? TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, câu trả lời xuất phát từ nhiều phía, từ thị trường, từ người lao động, các thể chế tương ứng… chứ không thể đổ hết lỗi cho khâu đào tạo.
Bình luận về con số 174.000 cử nhân thất nghiệp, GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: Ở nước ta đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay, hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đang phải tuyển lao động, công nhân, kỹ sư nước ngoài. Đây là một nghịch lý.
Giải mã nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, GS Đường khẳng định có 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, trong nền kinh tế thị trường, đào tạo nhân lực phải tuân thủ quy luật của thị trường, trước hết là quy luật cung - cầu. Hiện nay, do đào tạo của nước ta không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo nên có những ngành nghề nhân lực đã bão hòa hoặc thừa thì hàng năm vẫn tiếp tục đào tạo, và ngược lại.
Thứ hai, chất lượng sinh viên ra trường thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nên không tìm được việc làm. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, chất lượng lao động của Việt Nam quá thấp, một lao động Việt Nam cùng trình độ như các nước Malaysia, Singapore, có năng suất lao động chỉ bằng 1/3 họ.
Cần chung tay của các bộ, ngành
Bàn giải pháp tháo gỡ tình trạng ngày càng tăng tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học, GS Đường chia sẻ: Ở nước ta, các cơ quan sử dụng và quản lý nhân lực của cả nước, của từng địa phương cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm, nên hệ thống đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo nói riêng không thể biết được nhu cầu như thế nào để đáp ứng? Các trường đại học năm nay tuyển sinh, nhưng không biết được 4-5 năm sau nhu cầu nhân lực của xã hội như thế nào? Sinh viên tốt nghiệp sẽ có thể tìm việc ở đâu? thì làm sao để sinh viên ra trường không thất nghiệp?
Muốn giải quyết được bài toán cử nhân thất nghiệp, các cơ quan Nhà nước về quản lý lao động và sử dụng lao động ở trung ương cũng như địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong từng kế hoạch 5 năm để “đặt hàng” Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học. Mặt khác, cần có cơ chế để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa trường đại học và các doanh nghiệp. Chừng nào không thực hiện được được vấn đề này thì tình trạng thừa thiếu lao động vẫn còn.
“Ở nhiều nước, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo”, GS Đường nêu dẫn chứng.
Trong 5 năm tới, liệu có thay đổi được vấn đề này? GS Đường nhận định: Theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tôi kỳ vọng 5 - 6 năm nữa tình trạng này sẽ cải thiện, còn trước mắt thì rất khó. Để làm được việc này, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý lao động cần đề ra được nhu cầu nhân lực dài hạn và ngắn hạn cho ngành mình. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục cần phải điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, vận dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá hiện đại để đảm bảo chất lượng đầu ra. Các bộ, ngành cần xây dựng chuẩn năng lực từng chức danh lao động, xây dựng lại quy chế tuyển dụng, sử dụng nhân lực theo năng lực là chủ yếu, bằng cấp chỉ là điều kiện cần.
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình