Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Học sinh "né" môn Sử

Thứ ba, 04/03/2014 - 11:39

(Thanh tra) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố chính thức 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài 2 môn bắt là Toán và Văn thì học sinh được tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ. Sau một tuần công bố, kết quả tại một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho thấy, số lượng học sinh chọn thi môn Sử rất ít, thậm chí có trường không có học sinh nào chọn thi Sử. Điều này khiến nhiều người quan ngại, đổi mới giáo dục có làm tăng số học sinh “quay lưng” với môn Sử?

Cách dạy theo kiểu thầy đọc trò chép là một trong những nguyên nhân khiến học sinh "quay lưng" lại với môn Sử. Nguồn: Internet

Con số báo động

Theo kết quả công bố tỷ lệ đăng ký môn thi tự chọn ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Trong số 6 môn tự chọn số học sinh chọn môn Sử là 0. Môn Lý được học sinh đăng ký nhiều nhất (75,6%), sau đó là Tiếng Anh (56,3%) và Hóa học (50,8%). Địa lý và Sinh học cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký thấp lần lượt là 11,4% và 5,3%

Tình trạng tương tự trên cũng diễn ra tại Trường THPT Việt Đức, môn thi được học sinh chọn nhiều nhất là Ngoại ngữ với tỷ lệ 62,2%, tiếp đó là Vật lý 53,8%, Hóa học 45,1%, Địa lý 20,5%. Hai môn Sinh học và Lịch sử được học sinh lựa chọn ít nhất với tỷ lệ Sinh học 6,6% và Lịch sử 4,6%. Với tỷ lệ này, toàn trường chỉ có 33 em dự thi môn Sử trên tổng số khoảng 700 học sinh lớp 12. 

Theo PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, không chỉ trường ông mà tại nhiều trường khác tình trạng học sinh không chọn môn Lịch sử cũng sẽ rất cao. Dự đoán về tỷ lệ học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Sử trên toàn quốc, PGS Cương nói: “Không biết nên dự đoán bao nhiêu %? Có đến 1% không? Nếu thế thì môn Sử lại bị giáng một đòn chí mạng”.

Vì đâu nên nỗi?

Nhìn vào kết quả khảo sát ban đầu trên có thể thấy một thực trạng là hiện nay học sinh đang “quay lưng” lại với môn Sử. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Liệu do chương trình sách giáo khoa quá nặng? Cách dạy nhàm chán? Hay lo ngại điểm thấp…

Con số 0 tròn trĩnh về tỉ lệ học sinh lựa chọn môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Lương Thế Vinh và có thể là ở nhiều trường khác nữa khiến dư luận bất ngờ và không khỏi lo ngại về “số phận” của môn Lịch sử trong thời gian tới. 

Với PGS Văn Như Cương con số 0 đã được ông được dự đoán trước. Lý giải nguyên nhân này PGS cho biết, hiện nay nguyện vọng của hầu hết các em khi thi vào trường đại học là khối A, D, B, nên các em sẽ chọn theo môn thi đại học để đỡ mất thời gian ôn bài. Hơn nữa, so sánh với môn khác thì thi những môn khác có lợi hơn. Sử thi 90 phút tự luận, sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn.

Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là nhiều thầy cô dạy môn Lịch sử khuyên học sinh của mình không nên chọn Sử thi tốt nghiệp. "Khi giảng dạy, tôi biết rất nhiều học sinh thích môn Sử. Nhưng nếu bảo chọn thi thì các em không chọn. Mà thực tế chính giáo viên dạy Sử như tôi khi khuyên học trò chọn môn thi tốt nghiệp cũng không khuyên chọn Sử. Bởi thực tế là môn Sử thi tự luận, nên có thể sẽ khó có điểm hơn các môn thi trắc nghiệm. Hơn nữa, chương trình lịch sử quá nặng về số liệu, sự kiện phải ghi nhớ khiến học sinh phải bỏ ra rất nhiều thời gian để học", thầy Lê Xuân Phong, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT Triệu Sơn 3, Thanh Hóa cho biết. 

"Chương trình môn Sử khá nặng so với sức của học sinh bậc THPT trong khi thời lượng được học trên lớp lại quá ít, lớp 10, lớp 12 học sinh được học 1,5 tiết Lịch sử/tuần, lớp 11 hoc 1 tiết/tuần. Do vậy, có những bài giáo viên không đủ thời gian để chuyển tải hết những cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của Sử đến học sinh. Vì vậy, học sinh chưa thể có đủ thời gian để yêu môn Sử", thầy Phong cho biết thêm.

Ngoài ra, cách dạy môn Sử ở các trường phổ thông chưa thu hút được các em nếu không muốn nói quá nhám chán, chủ yếu vẫn là thầy đọc, trò chép. Học sinh phải học thuộc sự kiện một cách máy móc theo kiểu “học vẹt”. Thi xong là quên luôn.

Để học sinh không "sợ" Sử rất cần 1 cuộc "cách mạng" với môn Lịch sử mà trước hết là phải đổi mới cách dạy ở trường phổ thông, sau đó là những cải tiến về sách giáo khoa, thi cử...

Bộ GD&ĐT nói gì? Đến thời điểm này, chưa nhiều trường THPT công bố tỉ lệ thi các môn tự chọn. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhận định, tỉ lệ thi tốt nghiệp môn Sử nhiều khả năng thấp nhất trong số các môn thi. Tuy nhiên, ông Thống không tỏ ra bi quan, bởi theo ông tỉ lệ cao, thấp khác nhau tại các trường học là lẽ thường tình, điều này tùy thuộc vào xu hướng chọn môn thi đại học của học sinh. Xét trên bình diện chung cả nước, sẽ vẫn có một tỉ lệ nhất định với môn Sử. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định tỉ lệ thi tốt nghiệp môn Sử nhiều khả năng thấp nhất trong số các môn thi. Ảnh: Hải HàTrước đó, lo ngại về việc rất ít học sinh chọn môn Sử để thi tốt nghiệp đã được đặt ra tại buổi họp công bố phương án thi chính thức của Bộ GD&ĐT. Trả lời thắc mắc trên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, ở kì thi tốt nghiệp này, điểm xét tốt nghiệp sẽ gồm điểm trung bình 4 bài thi cộng điểm trung bình tổng kết cả năm lớp 12. Như vậy, cả điểm thi và kết quả học tập đều có giá trị tương đương nhau và học sinh đã có cả một quá trình cố gắng đồng đều ở các môn học.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm