Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Vinh danh 100 nhà giáo sáng tạo

Thứ tư, 08/11/2017 - 17:51

(Thanh tra) - Sáng 8/11, Hà Nội đã tổ chức vinh danh những "Nhà giáo tâm huyết sáng tạo" năm học 2016-2017.

100 nhà giáo đổi mới sáng tạo đã được vinh danh. Ảnh: HH

100 nhà giáo đã được vinh danh lần này. Đó là những nhà giáo tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo dạy và học.

Một trong số đó phải kể đến cô giáo Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Là ngôi trường dạy hòa nhập cho học sinh khiếm thị. Trong suốt 22 năm công tác tại trường, cô Lan đã tâm huyết với việc hình thành các kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho học sinh khiếm thị. Cô đã phối hợp với các tổ chức xã hội cho học sinh khiếm thị tham gia nhiều sân chơi sức khỏe, hiện nhiều em học sinh của cô đã có thể tự về nhà hàng tuần bằng xe bus. 

Bên cạnh đó, cô cũng làm phong phú thêm các lớp dạy nghề cho học sinh khiếm thị, trường của cô hiện có có 22 lớp nhạc cụ và dàn nhạc; 1 lớp phối khí, 2 lớp mỹ thuật ứng dụng, 1 lớp dạy nấu ăn, 2 lớp tin học...

Trên cương vị người quản lý, cô Lan cũng tổ chức nhiều hoạt động tăng kỹ năng hòa nhập cho học sinh khiếm thị như tổ chức Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ; làm giá đỗ cho học sinh bán trú; trồng rau sạch, làm hoạt động thiện nguyện trao 50 phiếu ăn cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương...

Là giáo viên của Trường THPT Minh Quang (Ba Vì) - ngôi trường có tuổi đời còn rất trẻ (mới được thành lập năm 2014) lại nằm ở nơi xa nhất của Thủ đô, cô Đinh Thị Hồng Như - giáo viên Lịch sử đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong cách dạy học để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui.

Học sinh của cô Như chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mường và Dao, đời sống còn nhiều khó khăn nên để thu hút được học sinh đến lớp không phải việc dễ dàng.

Gắn bó với các em từ khi nhà trường mới thành lập, lại được giảng dạy trên mảnh đất quê hương, cô Như luôn tâm niệm đem tất cả sự nhiệt huyết của mình để truyền lửa cho học trò.

Cô Phan Hồng Anh - Giáo viên Trường THPT Hà Nội Amsterdam là 1 trong 100 giáo viên Thủ đô được vinh danh. Ảnh: HH

Với học sinh miền núi, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số các em khá rụt rè, nhút nhát nên trong quá trình dạy cô Như phải vừa dạy vừa dỗ, đồng thời tạo ra các sân chơi trí tuệ qua các buổi ngoại khóa như "Thanh niên với văn hóa giao thông" hay "Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến - 72 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam".

Riêng học sinh lớp 12, cô tổ chức các buổi ngoại khóa "Chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia môn Lịch sử qua phim tư liệu"... rất được các em hưởng ứng.

Môn Sử vẫn được học sinh gọi bằng cái tên "3 K - vừa khô, vừa khó, vừa khổ", vì vậy cô Như liên tục phải đổi mới sáng tạo cách dạy để thu hút học trò. Cô dạy học theo vấn đề, dạy học theo dự án, dạy trải nghiệm, hướng dẫn học sinh sân khấu hóa nội dung bài học... nhờ vậy học sinh học say mê, hứng thú, nhiều em từ mức học yếu, kém đã vượt lên mức trung bình và khá, đỗ điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm, Trường THPT Minh Phú (Sóc Sơn) cũng không phải ngoại lệ. Trăn trở với tình trạng này, cô giáo Đỗ Thanh Hương -  Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Phú (Sóc Sơn) đã xây dựng mô hình "Phòng chống bạo lực học đường và công tác phối hợp" để triển khai trong phạm vi toàn trường. Mô hình của cô đã cho kết quả tích cực.

Không chỉ dày công nghiên cứu cô còn tích cực thay đổi hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế như: Chăm sóc, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh nặng, cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam, chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Thiên Đức...


Gần 30% giáo viên THPT có trình độ trên chuẩn

Cũng trong sáng nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2017 và đánh giá 1 năm triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trong 10 năm qua, toàn ngành đã có gần 100.000 lượt cán bộ quản lý và giáo viên được tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ.

Nếu năm học 2011-2012 trình độ giáo viên đạt trên chuẩn mầm non là 37,4%; tiểu học: 92%; THCS: 62,4%; THPT: 5,9%; giáo dục thường xuyên: 3,2%; trung cấp chuyên nghiệp: 26,2%) thì đến năm học 2016-2017 tỷ lệ trên chuẩn của các cấp học đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể: Mầm non: 63,5%, tiểu học: 92,6%, THCS: 79,4%, THPT: 28,6%, trung cấp chuyên nghiệp 58,1%).

Nguồn ngân sách hàng năm thành phố cấp cho công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên được ưu tiên hàng đầu, chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, thành phố đã cấp cho công tác đào tạo bồi dưỡng của Sở GD&ĐT Hà Nội 114 tỷ đồng.

Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều tác phẩm có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy.

10 năm qua, toàn ngành có hơn 211 nghìn sáng kiến được xếp loại cấp trường; hơn 110 nghìn sáng kiến được xếp loại cấp quận, huyện; hơn 50 nghìn xếp loại cấp ngành; 102 cá nhân được UBND Thành phố tặng Bằng khen “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm