Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐH Bách Khoa đã giải quyết hợp tình, hợp lý

Thứ hai, 01/07/2013 - 17:31

(Thanh tra) - Thời gian gần đây, ông Nguyễn Ngọc Thành có gửi đơn thư tố cáo việc TS Trần Hữu Nam, giảng viên Bộ môn Sức bền vật liệu, Viện Cơ khí, đã nhận quyết định kỷ luật nhưng vẫn được trao quyết định hướng dẫn đề tài luận văn thạc sĩ. Theo lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK), trong văn bản giải trình gửi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Trường đã giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý.

GS Nguyễn Trọng Giảng nhấn mạnh: "Cách giải quyết của nhà trường đã bảo vệ được quyền lợi học viên". Ảnh minh họa: http://tuyensinh.eduvision.vn

Trong đơn thư gửi đến Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, mặc dù ngày 7/10/2010, TS Trần Hữu Nam, giảng viên Bộ môn Sức bền vật liệu, Viện Cơ khí đã bị Hiệu trưởng Trường ĐHBK Nguyễn Trọng Giảng ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc “vì đã tự ý bỏ việc đi nước ngoài không phép”, nhưng 1 tháng sau, Trường ĐHBK lại ra quyết định giao đề tài luận văn thạc sĩ cho phép TS Nam được hướng dẫn học viên Tống Văn Cảnh.
 

Về vấn đề này, đại diện Trường ĐHBK khẳng định sự việc chưa được hiểu đúng. Không có chuyện trường bao che hay cố tình làm sai. Căn nguyên của vấn đề nằm ở chỗ sự việc không được nhìn nhận từ thực tế khách quan.

Trong văn bản giải trình gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28/6/2013, Trường ĐHBK nêu rõ diễn biến vụ việc:

Tháng 10/2009, học viên Tống Văn Cảnh bắt đầu theo học chương trình cao học khóa 2009 tại
Trường ĐHBK để lấy bằng thạc sỹ khoa học.

Ngày 3/2/2010,
Trường ĐHBK có Quyết định số 828/QĐ-ĐHBK-SĐH, giao TS Trần Hữu Nam hướng dẫn ông Cảnh đề tài “Nghiên cứu và phát triển vật liệu composite phân hủy sinh học gia cường sợi xơ dừa”.

Tháng 10/2010, ông Cảnh hoàn thành các nội dung luận văn thạc sĩ.

Kết quả nghiên cứu này đã được công bố tại Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ X, tổ chức tại Đại học Thái Nguyên trong 2 ngày 12 và 13/11/2010 với bài báo “ảnh hưởng của hàm lượng sợi đến tính chất cơ và nhiệt của vật liệu composite nền poly (butylese succinate) gia cường bằng sợi dừa” của tác giả Tống Văn Cảnh, Trần Hữu Nam và Nguyễn Huy Tùng, đăng trong Kỷ yếu Hội nghị.

Bài báo được trình bày tại hội nghị và gửi cho Ban Tổ chức trước đó 1 tháng.


Đến ngày 7/10/2010, ông Nam bị kỷ luật do “tự ý bỏ việc, đi nghiên cứu tại Nhật Bản”.

Tuy nhiên, ngày 3/11/2010, ông Cảnh có đơn gửi Viện Cơ khí (đơn vị quản lý chuyên môn) và Viện Đào tạo Sau đại học (Trường ĐHBK), xin tiếp tục hoàn thiện thủ tục bảo vệ luận văn theo hướng dẫn của TS Nam.


Sau đó, Viện Cơ khí đề nghị Viện Đào tạo Sau đại học xem xét giải quyết nguyện vọng của học viên.

Dựa vào tiến độ, kết quả học tập và nghiên cứu của ông Cảnh, ngày 11/11/2010, Phó Hiệu trưởng ĐHBK Nguyễn Cảnh Lương ký quyết định để ông Nam tiếp tục hướng dẫn cho ông Cảnh.


Đến ngày 5/7/2011 học viên Cảnh đã được cấp chứng chỉ TOPEFL với 480 điểm.

Ngày 27/9/2011, Trường ĐHBK ra Quyết định số 1819/QĐ-ĐHBK-SĐH thành lập Hội đồng Chấm luận văn thạc sĩ cho ông Tống Văn Cảnh.

Ngày 19/10/2011, ông Cảnh đã bảo vệ thành công với 9,4 điểm, được đề nghị công nhận thạc sỹ và tiếp tục làm nghiên cứu sinh.

Theo GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐHBK, trong văn bản giải trình gửi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi cơ quan này ban hành kết luận thanh tra thì Trường ĐHBK không khẳng định đã giải quyết vụ việc hoàn toàn đúng mà chỉ trình bày đã giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý trên bối cảnh thực tế. Cách giải quyết đó dựa trên suy nghĩ, học viên thực hiện nghiên cứu luận văn dưới sự hướng dẫn của thày theo đề tài do thày đề xuất.

"Trong giai đoạn chuẩn bị bảo vệ, việc giúp đỡ của thày là hết sức quan trọng nhằm bổ túc, phụ đạo cho học viên những kiến thức cần thiết trong quá trình soạn thảo luận văn cũng như khi bảo vệ luận văn trước hội đồng đánh giá. Điều này là rất quan trọng với những nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, nhất là khi chỉ những người trực tiếp chỉ đạo và thực hiện nghiên cứu mới có thể nắm vững mọi vấn đề. Như vậy, cách giải quyết đã bảo vệ được quyền lợi học viên" -
GS Nguyễn Trọng Giảng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu
Trường ĐHBK, khi ông Nam bị kỷ luật buộc thôi việc thì ông Cảnh đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và gửi công trình nghiên cứu tham gia Hội nghị Khoa học toàn quốc. Nếu thay đổi thày hướng dẫn vào giai đoạn chuẩn bị bảo vệ luận văn sẽ dẫn đến tranh chấp bản quyền hướng dẫn về sau như đã xảy ra năm 2009 - 2010. Do đó, cách giải quyết của nhà trường đã tôn trọng công lao và "bản quyền" của người hướng dẫn luận văn.

Thiết nghĩ, trong cách xử lý vụ việc nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan chức năng cần nhìn nhận một cách khách quan trên cơ sở tách bạch việc TS Nam hướng dẫn luận văn thạc sĩ với việc TS Nam bị kỷ luật. Hơn nữa, đối chiếu với cách làm của Trường ĐHBK thì vụ việc đã được giải quyết một cách có tình, có lý, bảo đảm quyền lợi của học viên. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm