Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/03/2014 - 15:57
(Thanh tra) - Bà Lê Thị Bích Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết: “Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy, một bức tranh cực kỳ nguy hiểm. Nói dối ngày càng tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn càng nói dối nhiều hơn”.
Ảnh minh họa
“Không biết chữ, vẫn lên lớp 4”
Một tuần trước khi xuất hiện bản tin trên VTV ngày 15 và ngày 17/02, báo chí đưa tin “có 5 học sinh Trường Tiểu học Thanh Vân, xã Thanh Vân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đều không biết đọc, không biết viết nhưng vẫn tuần tự lên lớp”. Trong bài viết có tựa “Không biết chữ vẫn lên lớp 4”, tác giả nêu kỹ về trường hợp của cháu Nguyễn Thị Lê, người đã “được học hè để lên lớp 4 nhưng viết không được, đọc cũng chẳng xong”. Bố của cháu Lê bức xúc, chất vấn nhà trường - một trường chuẩn quốc gia hẳn hoi, một lãnh đạo nhà trường “đối lại”, đại để là gia đình không chăm bẵm con mình nên mới ra nông nỗi! Chuyện không dừng ở đó, theo lời người viết thì ngoài Nguyễn Thị Lê còn có vài học sinh của trường này ở vào tình trạng tương tự.
Với trường hợp của cháu Lê, người trong cuộc có nhiều cách biện giải, như một vị sống sượng rằng, trường chuẩn quốc gia có… “tiêu chuẩn” 5% học sinh yếu kém. Nhưng nói giỏi đến mấy đi nữa thì cũng không giấu được sự thật. Sự thật, như lời người bố thì “năm ngoái mỗi lần thấy con bỏ học về giữa chừng, tôi hỏi vì sao về, con tôi nói hôm nay có đoàn thanh tra dự giờ nên cô cho mấy đứa học kém về”! Sự thật, có phải là bệnh thành tích ở Thanh Vân?
Chuyện ở Thanh Vân không phải cá biệt, ngay cả khi, vì nhiều lý do mà đa số việc học sinh yếu kém vẫn lên lớp đều đều và theo những người trong cuộc, đã lên tới THCS, THPT rồi thì không ai “nỡ” đuổi các em được!
Chuyện ở Nghệ An, chuyện ở Kiên Giang, chuyện Đồi Ngô, Bắc Giang không chỉ mang màu sắc bệnh thành tích, mà đồng thời có hơi hướng của một loạt bệnh khác, như bệnh hình thức, bệnh vô trách nhiệm, bệnh gian dối…
Nhà trường không “thoát được” thì “hỏng bét”
Nhà giáo Nguyễn Quang Kính, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn của xã hội Việt Nam. “Đạo văn, tiêu cực thi cử mà gọi là bệnh thành tích thì vẫn là sang miệng quá. Nếu giáo dục không khắc phục được lỗi này thì không còn là giáo dục nữa. Nhà trường sẽ thế nào khi xung quanh xã hội nói dối nhiều quá. Nếu nhà trường không khai tử được bệnh nói dối này thì thật là một tai họa cho xã hội. Đến chỗ cần nói thật mà vẫn nói dối thì thôi rồi”, ông Kính nói.
Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu người lớn vẫn tiếp tục nói dối thì trẻ em tất yếu sẽ theo gương. Một chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Người lớn phải là tấm gương ở gia đình, nhà trường, xã hội nhưng việc này lại bị chính họ bỏ quên.
“Văn hóa xuống cấp, tâm lý bất an ngày càng lan rộng trong xã hội. Ngay giữa đời sống được coi là văn minh này thì có nhiều biểu hiện thô lậu, hoang dã, bạo lực tràn lan. Sáng nếu giở báo ra đọc thì cũng vẫn những câu chuyện này. Nếu lên báo mạng thì còn kinh hơn. Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà mọi giá trị đều bị đảo lộn. Nói thì hơi ghê nhưng không quá chút nào”, nhà giáo Nguyễn Quang Kính nhấn mạnh. Cũng theo ông, “trong nhà trường, tính cưỡng chế, áp đặt của giáo dục nhiều quá. Chúng ta hướng đến việc giáo dục con người độc lập nhưng thầy lại muốn trò học theo, nói theo, nếu nói chệch ra ngoài ý thầy thì sẽ bị điểm kém. Bệnh này không chỉ có ở nhà trường nhưng nếu nhà trường không thoát ra được thì hỏng bét”.
Có tránh được “múa tay trong bụng”?
“Câu đầu tiên của rất nhiều ông bố bà mẹ hỏi khi con từ trường học về là hôm nay được mấy điểm. Cả xã hội coi trọng bằng cấp, thành tích và lao vào cuộc đua theo nó mà quên mất những điều đơn giản nhất, kể cả việc dạy cho đứa trẻ cách thưa gửi, chào hỏi. Còn ở trường, chương trình giáo dục đạo đức trong hơn 30 năm nay lãng quên giáo dục những điều thiết thân. Thầy cô dạy những điều quá lớn lao mà quên đi những vấn đề nhỏ nhất, đó là học về nhân cách. Để tình trạng như hiện nay cũng là hệ quả của một quá trình giáo dục dài trong gia đình và nhà trường”, ông Hoa Hữu Vân, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định.
Theo tiến sỹ khoa học Đỗ Nhật Tiến, không thể tách rời việc xem xét giáo dục và văn hóa mà phải cùng xem xét hai khía cạnh này trên một bình diện. Văn hóa trong gia đình và văn hóa trong nhà trường đang có sự lệch pha, chưa đồng bộ với nhau. Nâng cao văn hóa học đường chính là vấn đề cốt lõi và việc thể chế hóa những vấn đề về văn hóa giáo dục, văn hóa nhà trường chính là giải pháp để giáo dục nhân cách, đạo đức con người hiện nay.
Giáo dục cũng được coi là giải pháp mang tính lâu dài và bền vững để tôn vinh và lưu truyền những giá trị vô giá của những di sản, di tích văn hóa, lịch sử, là kênh truyền thống có tính hiệu quả cao nhất. Thông qua những hoạt động ngoại khóa, những chương trình lồng ghép trong các môn học, dần dần đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc đến từng người chủ tương lai của đất nước.
Nhà giáo Nguyễn Quang Kính nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Muốn đủ thì phải đổi mới căn bản các lĩnh vực khác. Phải đổi mới rộng hơn mới giải quyết được vấn đề, nếu không chúng ta lại lâm vào tình trạng múa tay trong bụng”.
Và, ở một góc độ khác, theo các chuyên gia, nếu không dỡ bỏ gánh nặng khi gia đình không dành thời gian cho con trẻ thì mãi mãi việc giáo dục nhân cách văn hóa con người Việt Nam sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, không có lối ra.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 - 2014; công tác thi và tuyển sinh năm 2014 đối với khối Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Về giáo dục phổ thông, Nghị quyết chúng ta nói nhiều và Đề án chúng ta cũng nói nhiều, đổi mới căn bản toàn diện tức là đổi mới tất cả các khâu nhưng không có nghĩa là chúng ta thay đổi hoàn toàn. Bây giờ, chúng ta nói không chỉ học kiến thức không học để làm người, nếu chúng ta xem kỹ lại từ những lần cải cách đầu tiên thì những mục tiêu này đã được đặt ra rồi. Tôi và rất nhiều đồng chí ngồi đây, giờ chào cờ là hát quốc ca, dạy cho trẻ yêu Tổ quốc yêu đồng bào, trong khi đó, hiện nay, hầu hết các trường cho học sinh chào cờ và hát quốc ca đều bật nhạc hát thay học sinh, giáo viên. Ngày xưa, hình ảnh học sinh tập thể dục giữa giờ là một hình ảnh rất đẹp. Tập xong thầy cô cho học sinh hô: Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể, thống nhất đất nước. Hô: Giải tán, học sinh đáp: Khỏe. Chúng ta dạy giáo dục công dân, dạy làm người đầu tiên, hay môn giáo dục thể chất ngày xưa chúng ta tập thể dục giữa giờ rất đều và chúng ta hô thể dục rất khí thế, nó không chỉ thể dục mà còn thấm vào người từ thủa bé “rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước”, ai cũng phải rèn luyện thân thể để bảo vệ Tổ quốc để thống nhất đất nước này. Bây giờ, chúng ta có cần bảo vệ Tổ quốc không? Có. Bây giờ đất nước thống nhất rồi, chúng ta có cần thống nhất đất nước không? Có. Học sinh ngày xưa mỗi buổi sáng phải đến trực nhật, phải lau bảng, quét nhà, hàng tuần thì tham gia trồng cây, tham gia các hoạt động trồng cây, bây giờ, học sinh không làm như thế. Quan trọng hơn không phải học sinh không biết lao động mà như thế là không trực tiếp lao động thì không yêu lao động và không yêu người lao động. Chúng ta đổi mới chương trình phải theo hiện đại, theo chuẩn, không nhồi nhét kiến thức, những điều này Bộ sẽ tập trung làm, chương trình rồi đến sách giáo khoa, đổi mới cách giảng dạy, truyền thụ và thi cử nhưng có những thứ chúng ta không cần đợi Bộ, không cần đợi đến 100 triệu đô la để làm chương trình chuẩn, viết lại sách giáo khoa. Có những thứ chúng ta không cần tiền nhiều mà chúng ta cần ý thức đúng việc phải dạy làm người trước rồi mới dạy kiến thức rồi mới dạy hướng nghiệp. Tôi đề nghị chúng ta phát huy sáng tạo, trách nhiệm trong toàn ngành Giáo dục, những gì chúng ta thấy chúng ta có thể làm được, chúng ta làm ngay.
Nguyễn Mỹ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị dơ kết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 10/12.
Lê Phương
20:16 10/12/2024(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?
Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Nam Dũng
11:32 10/12/2024Lê Phương
21:30 06/12/2024Hương Giang
TC
Thái Hải
Thu Huyền
Trọng Tài
Thu Huyền
Cảnh Nhật
Lâm Ánh
Trần Kiên
Lâm Ánh
Trọng Tài
Thái Hải