Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các trường đại học không thể lấy học phí để "nuôi" nghiên cứu khoa học

Thứ sáu, 17/08/2018 - 17:26

(Thanh tra) - Ngày 17/8, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Đại học (ĐH) Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục ĐH - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các trường ĐH không thể lấy học phí để nuôi nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HH

Tự chủ ĐH - Vừa làm vừa... run

Tại hội thảo, vấn đề tự chủ ĐH được các đại  biểu tập trung bàn thảo, phân tích, “mổ xẻ”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc cho biết, cả nước hiện có 236 trường ĐH với khoảng 1,7 triệu sinh viên. Trong đó có 171 trường công lập, số còn lại là tư thục và các trường có vốn đầu tư nước ngoài. 

Cả nước có 23 trường ĐH đang thực hiện tự chủ về đào tạo, hợp tác quốc tế, bộ máy, tài chính. 

Nói về đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH, Thứ trưởng cho rằng, mức chi cho giáo dục còn thấp, với khoảng 0,5% GDP, gia đình và người học phải gánh rất nhiều, gần như nhiều nhất trong các nước khảo sát. Mức đầu tư cho giáo dục so với GDP chỉ hơn 10%, trong khi các nước lên tới 40%.

Để tăng cường tự chủ của các trường ĐH, Thứ trưởng  Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Phải thể chế hóa tự chủ ĐH, trong đó sửa Luật Giáo dục ĐH là vấn đề hết sức cấp bách. Bởi thực tế cho thấy, nhiều trường tự chủ đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục.

"Vì thí điểm tự chủ nên lãnh đạo nhiều trường ĐH vừa làm vừa run. Do vậy cần phải sớm tạo hành lang pháp lý, tạo ra sự yên tâm cho các trường”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, các trường đẩy mạnh tự chủ nhưng phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong toàn xã hội.

Hiệu trưởng không dám làm vì sợ trách nhiệm


Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến vấn đề tự chủ ĐH, trong đó cho rằng, với các trường ĐH tự chủ quan trọng nhất là chương trình học thuật chứ không phải tài chính. 

Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính thôi, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. “Các trường chỉ chăm bẵm cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục của chúng ta” - đại biểu này thẳng thắn.

Ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: Qua những năm vừa rồi, trực tiếp quản lý trường ĐH, tôi thấy, cơ chế chính sách hiện nay chúng ta không chạy kịp thời đại. Đây là hạn chế rất lớn. 

“Sức ỳ và sự bảo thủ của các trường ĐH Việt Nam khá lớn, chúng ta phải giải bài toán này, nhiều hiệu trưởng không dám làm vì sợ trách nhiệm. Cơ chế hiện nay không cho phép dám làm và dám chịu trách nhiệm, nhiều đồng chí thực hiện công tác cho qua nhiệm kỳ” - ông Dũng cho hay.

Từ thực tế đó, ông Dũng cho rằng: Giáo dục ĐH phải đổi mới, phải làm thế nào để ông hiệu trưởng dám làm và dám chịu trách nhiệm thì tất cả ĐH sẽ thành công.

Nên giải thể ĐH vùng


Tại hội thảo, nhiều ý kiến thẳng thắn về giáo dục ĐH đã được các đại biểu chia sẻ. Trong đó, ý kiến của GS Từ Quang Hiển - nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề xuất giải thể các ĐH vùng gây sự chú ý.

GS Từ Quang Hiển cho rằng, mô hình ĐH vùng đã thử nghiệm được 24 năm. Hiện mô hình này đã bộc lộ hạn chế cản trở sự phát triển của các trường ĐH thành viên và không còn hiệu quả.

GS phân tích: Để tồn tại ĐH vùng vô tình chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục ĐH hiện hành. Nó như cấp tổng cục hiện nay vậy. 

“Tôi từng là hiệu trưởng ĐH thành viên cũng là giám đốc ĐH vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của ĐH vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kĩ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất” - GS Hiển thẳng thắn.

GS Hiển cũng đề xuất: Nếu không giải thể ĐH vùng thì trao quyền tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên và có cơ chế chính sách cho ĐH vùng tương đương như ĐH Quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý ĐH vùng, ĐH Quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy tác dụng cao nhất của các trường thành viên.

Các trường tự chủ thu mà chưa tự chủ chi


Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Giáo dục của Việt Nam trong đó có giáo dục ĐH không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới. Vì vậy, tự chủ ĐH là tất yếu. 

Việt Nam đã nói đến tự chủ ĐH từ khi thành lập 2 ĐH Quốc gia, nhưng đến năm 2014, qua các cuộc cọ sát rất mạnh mẽ, chúng ta mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế.

Khi nói đến tự chủ, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải hiểu tự chủ cho đúng. Trường ĐH có nhiều sứ mệnh nhưng có 1 sứ mệnh là sáng tạo ra tri thức. Tự chủ căn bản nhất là tự chủ về chuyên môn, khơi dậy sự sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Đây là tự chủ căn bản nhất. Có quyền tự chủ ấy mới sáng tạo ra được tri thức. 

Bên cạnh đó, phải được tự chủ tài chính, tức là phải được tự chủ về nguồn thu và nguồn chi, trong nguồn thu phải có nhiều nguồn chứ không phải chỉ mình học phí. 

ĐH không thể chỉ lấy học phí để nuôi mình mà phải thu từ nhiều nguồn như hoạt động khoa học công nghệ, thu từ sản xuất kinh doanh, kết hợp với các doanh nghiệp hợp tác, và quan trọng thu từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng, đặc biệt  từ ngân sách. 

Khi có nguồn rồi thì được tự chủ chi, nhưng thực tế hiện nay các trường chưa được tự chủ chi, có tiền rồi, dù không phải là từ tiền của ngân sách nhưng muốn làm gì vẫn phải xin phép. Ngay cả các trường được giao thí điểm tự chủ cũng như vậy.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các trường ĐH không thể lấy học phí để nuôi nghiên cứu khoa học được. 

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm