Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 18/08/2017 - 20:33
"Nhiều bố mẹ tưởng con cứ biết nấu cơm, giặt đồ... là tự lập và sẽ sống tốt khi du học", nhà giáo dục học Phương Hoa chia sẻ.
Những chia sẻ dưới đây là của phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa, tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, Viện Giáo dục, Đại học Tổng hợp Potsdam CHLB Đức, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Bà Hoa có hai con đều du học tại Đức và bản thân bà cũng đang hướng dẫn và tư vấn cho rất nhiều phụ huynh đưa con sang Đức học tập.
"Có rất nhiều trường hợp khi tư vấn, tôi đã khuyên ngay là đừng cho con du học vội", bà Hoa chia sẻ. Và dưới đây là những trường hợp phụ huynh nên cân nhắc khi quyết định cho con đi học ở nước ngoài:
Cho con đi du học để "trốn chạy" hay tìm "phép màu" cải tạo con
Du học đang là một trong những chủ đề được nhiều phụ huynh có con học cấp 2, cấp 3 quan tâm nhất. Mỗi bố mẹ lại có lý do riêng. Người thì hy vọng con bước chân ra thế giới sẽ học được những điều tốt đẹp từ các nước văn minh có nền giáo dục tiên tiến. Người lại đưa con đi để "chạy trốn" khỏi nền giáo dục Việt Nam. Có những phụ huynh tống con đi cho khuất mắt, hy vọng du học như một phép nhiệm màu có thể thay đổi con đứa con "hư". Thực tế, không bao giờ có chuyện trẻ tuổi teen đang chơi bời lêu lổng ở nhà, sang bên kia bỗng chốc chăm chỉ, ngoan ngoãn.
Các em còn non nớt và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước ra biển lớn. Trẻ nên đi du học với tâm thế sẵn sàng đón nhận tri thức, tư duy mới chứ không phải là đi để "cải tạo" bản thân hay vì chạy trốn, thù ghét nền giáo dục trong nước.
Một bà mẹ từng tìm đến tôi để nhờ tư vấn đi du học Đức. Gia đình chị rất có điều kiện, thừa khả năng kinh tế lo cho con ra nước ngoài học cấp 3, nhưng tôi khuyên phụ huynh và con nghĩ lại, cho con thêm thời gian thử thách ở Việt Nam khi thấy cháu thể hiện rõ sự bất mãn vô cùng với môi trường giáo dục trong nước. Du học sẽ chẳng có lợi gì khi trẻ ra đi trong tâm thế của kẻ chạy trốn. Nếu con coi nơi mình muốn đến là thiên đường thì khi sang đó sẽ rất dễ vỡ mộng và khi ấy đâu còn đường lui.
Tôi từng kể với những bạn trẻ muốn đi du học rằng: Các con hãy hình dung, khi sang học xứ lạ, ban đầu, các con sẽ rất háo hức với cảnh mới, người mới, xem tuyết rơi thấy sao mà thơ mộng đến thế. Nhưng sau đó, khi tuyết phủ trắng xóa, đất trời như nhập làm một, phố xá vắng hoe, rồi con bị sốt mà không ai bên cạnh mang cốc sữa nóng hay đưa thuốc cho uống, không ai đắp cho con một chiếc khăn ướt lên trán, không ai an ủi vỗ về con và bài vở thì chất đống, nỗi nhớ nhà cồn cào. Khi ấy cảm giác cô đơn trống vắng có thể khiến con rơi vào trầm cảm, thậm chí nghĩ tới cái chết... Cho nên, nếu không có quyết tâm cao, không có mục đích đi du học rõ ràng và lường trước được những khó khăn có thể gặp, các con rất dễ trầm cảm, thất bại.
Nghĩ rằng du học chỉ để lấy tấm bằng quốc tế
Nếu nghĩ cho con du học chỉ để kiếm được tấm bằng của trường Tây thì có lẽ đó là khoản đầu tư chưa thực sự xứng đáng. Học trong nước, con vẫn có thể kiếm được tấm bằng "xịn" của trường nước ngoài mà không cần phải quá tốn kém, vất vả và đôi khi cả mạo hiểm như sang xứ người học. Nếu đã đi du học là phải xác định học được những cái đẹp, cái hay về văn hóa, tinh thần, ý thức sống của đất nước ấy. Đó phải là cuộc "thay máu", để trẻ hình thành triết lý sống, quan điểm sống văn minh. Du học nên được xem như hành trình trải nghiệm, khám phá, học hỏi văn hóa, cuộc sống ở xứ người chứ không phải chỉ là một cuộc chiến đấu, khổ sở để kiếm được tấm bằng.
Không ít người Việt khi ra nước ngoài thường không nhìn được hết mọi mặt đời sống của người bản xứ hoặc có nhìn mà không thấy, hay có thấy mà không cảm được khi vẫn đặt mình ở vị thế kẻ đứng ngoài. Nhiều người đi du học rất lâu nhưng khi về nước không thể hiện được sự thay đổi tích cực nào, vẫn dựa dẫm để bố mẹ bỏ tiền xin việc cho. Như vậy, khoản đầu tư cho con du học của bố mẹ rõ ràng đã "lỗ" về cả kinh tế lẫn tinh thần.
Cứ có nhiều tiền và giỏi ngoại ngữ là du học tốt
Tài chính và ngoại ngữ đúng là yêu cầu nhất thiết phải có khi trẻ đi học ở nước ngoài nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. Ý chí quyết tâm, kỹ năng sống là những điều rất cần thiết. Nhiều em chỉ có học lực khá nhưng ý chí, kỷ luật tốt, khả năng tự lập cao đã gặt hái được thành công. Đã có em thi đại học đỗ thủ khoa ở Việt Nam nhưng sang bên kia hơn chục năm vẫn không tốt nghiệp nổi vì chỉ mải chơi.
Tuy nhiên, khái niệm tự lập lại bị không ít phụ huynh hiểu sai. Nhiều người nói rằng "con em tự lập lắm, cháu có thể tự nấu ăn, giặt quần áo tốt". Thực ra, nấu ăn, giặt đồ... là những điều tối thiểu mà bất cứ đứa trẻ nào học cấp 2 cũng làm được. Hiện nay, nhiều gia đình làm thay con mọi thứ nên nhà nào thấy con biết cắm cơm, quét nhà thì lại nhầm tưởng đó là con tự lập. Tự lập ở đây chính là khả năng độc lập, tự giác trong cuộc sống, trong học hành, sinh hoạt, có ý chí, kiên định theo đuổi mục tiêu, biết kết bạn, giao tiếp...
Những trẻ thiếu những điều trên, có tính dễ làm khó bỏ thường cầm chắc thất bại khi ra nước ngoài học. Lý do là, ở các nước phát triển, trẻ học qua tư duy, học bằng thực hành, học làm việc độc lập và cả kết hợp nhóm, với lượng kiến thức rộng không chỉ bó hẹp ở các môn văn, toán, địa, sử... như ở Việt Nam mà còn nhiều lĩnh vực khác như triết, kinh tế, pháp luật... Trẻ cũng không có bố mẹ đốc thúc hay chăm lo từng ly từng tí. Nếu các em không tự lập, không có tinh thần tự học và thích nghi với phương pháp mới, sẽ khó mà theo được.
Ngoài ra, để có thể hội nhập tốt khi đi du học, trẻ cần được hướng dẫn về cả nề nếp sinh hoạt, văn hóa ứng xử phù hợp với môi trường mới. Nhiều bố mẹ ngạc nhiên khi tôi dạy con họ cách đi, đứng, nói năng, bắt tay chào hỏi, cách ngồi, đặt khăn ăn hay cầm dao, dĩa ra sao, cách tham dự một bữa buffet như thế nào, thậm chí cả việc các bạn nam cần học đi tiểu ngồi trước khi sang Đức. Nhưng chính những điều nho nhỏ ấy sẽ giúp các em dễ dàng thích nghi khi sang xứ lạ.
Theo Nguyễn Thị Phương Hoa/Vnexpress
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.
Trần Kiên
12:26 13/12/2024(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Đánh giá công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) giai đoạn 2018 - 2024, diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Lê Phương
21:44 12/12/2024Lê Phương
20:16 10/12/2024Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024T.Thanh
18:00 10/12/2024Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên