Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

12.000 tỷ đồng đào tạo TS là dạng học bổng

Thứ năm, 16/11/2017 - 14:26

(Thanh tra) - Con số 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ (TS) là câu chuyện nóng trên các diễn đàn thời gian qua. Trả lời về vấn đề này, sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết: 12.000 tỷ đồng này là dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: 12.000 tỷ đồng này là dạng học bổng. Ảnh: HH

Đào tạo 9.000 TS vẫn chưa đạt mục tiêu

Xin Bộ trưởng cho biết đâu là lý do để Bộ GD&ĐT xây dựng đề án đào tạo thêm 9.000 TS với kinh phí 12.000 tỷ đồng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tỉ lệ giảng viên có trình độ TS ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 TS như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 TS này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các TS đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các TS làm việc tốt, đặc biệt là với các TS kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường đại học để cống hiến.

Thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án này không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan.

Việc thu hút người học sau khi được học bổng đi đào tạo TS ở nước ngoài trở về nước làm việc như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Điều quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi TS tự đi tìm việc.

Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào đó thì Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải là cử đi học, cắt biên chế để đi đào tạo xong không về.

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về TS trong đề án mới rất khác với cách làm truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại nhà nước.

Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người học. Còn vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và đề xuất định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức chung của các nước và khuyến khích người giỏi đăng ký đi học.

Thanh, kiểm tra siết chặt đào tạo TS

Có ý kiến cho rằng, việc đào tạo TS trong nước thời gian qua còn nhiều tồn tại. Giờ lại đặt ra mục tiêu đào tạo 9000 TS như thế thì chúng ta kiểm soát chất lượng như thế nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD&ĐT đã ban hành quy chế đào tạo TS với yêu cầu cao hơn (chẳng hạn phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Lúc đầu nhiều cơ sở đào tạo cũng rất lo ngại nhưng cũng phải chấp nhận. 

Bên cạnh đó, cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Và như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.

Điều chỉnh kinh phí đào tạo tiến sĩ

Có ý kiến cho rằng kinh phí đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay rất thấp, trong khi kinh phí đào tạo TS ở nước ngoài rất cao. Thời gian tới Bộ có điều chỉnh định mức kinh phí đào tạo TS trong nước không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Theo tôi, chúng ta phải điều chỉnh. Đành rằng người đi học TS là tính đến lợi ích sau này và phải hoàn thành trách nhiệm. Nhưng những người giỏi thì lại có rất nhiều cơ hội có học bổng. Chúng ta muốn những người giỏi đi học TS và nhà nước đứng ra để hỗ trợ thì cũng phải tính toán mức kinh phí cho phù hợp. Dĩ nhiên có thể mức hỗ trợ không bằng các học bổng khác, nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu đào tạo và tính đến điều kiện phát triển cho người học.

Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính và sẽ tính toán làm sao để suất đào tạo TS phù hợp với từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay chúng ta có nhiều cơ sở đào tạo rất tốt, do vậy nên khuyến khích liên kết với nước ngoài để cùng đào tạo, cùng hướng dẫn, không nhất thiết phải gửi tất cả ra nước ngoài.

Vậy kinh phí 12.000 tỷ đồng để đào tạo TS sẽ rót về cho những cơ sở đào tạo nào?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kinh phí không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở đào tạo.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm