Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trên cung đường đá cổ Pavi trăm năm tuổi

Bình Yên

Thứ hai, 05/02/2024 - 06:30

(Thanh tra)- Được xây dựng từ năm 1920, tuyến đường đá cổ Pavi từng được sử dụng để vận chuyển vũ khí, hàng hóa... dưới thời kỳ Pháp thuộc. Sau gần 100 năm bị lãng quên, tuyến đường Pavi giờ đây đang được “sống lại” khi trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với những trầm tích lịch sử và phong cảnh hữu tình.

Con đường đá cổ Pavi nhìn từ phía bản Sàng Mà Pho. Ảnh: BY

Nằm vắt mình qua ngọn núi Nhìu Cồ San nối liền xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, con đường đá cổ Pavi như “ngủ quên” giữa cánh rừng đại ngàn.

Ngược dòng quá khứ, theo lời kể của nhiều già bản, năm 1920, Thống đốc người Pháp Auguste Jean-Marie Pavie (1847 - 1925) đã bắt đầu cho xây dựng con đường đá vượt qua dãy Nhìu Cồ San cao 2.965m để vận chuyển lương thực, nông sản giữa các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam. Vì vậy, con đường này được gọi là Pavi theo tên của thống đốc người Pháp.

Năm 1927, con đường đá Pavi được hoàn thành với tổng chiều dài khoảng 100km, kéo dài từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tới TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu ngày nay. Việc xây dựng một con đường vắt qua dãy Nhìu Cồ San sẽ giảm được quãng đường hơn 150km từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sang huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Dưới thời Pháp thuộc, con đường đá cổ này được coi là huyết mạch giao thông, với mục đích để thực dân Pháp vận chuyển hàng hóa, nông sản, vũ khí, quân Pháp... từ Lào Cai sang Lai Châu và ngược lại. Bởi nắm giữ vai trò quan trọng đó, con đường đã được xây dựng hoàn toàn bằng đá phiến mài nhẵn, chiều rộng nhiều đoạn lên tới 3m. Với quy mô đó, mặc dù được xây dựng băng núi, xuyên rừng nhưng cả người và ngựa đều có thể đi lại thoải mái trên con đường này.

Sau hơn 100 năm, những viên đá trên con đường Pavi đã phủ rêu xanh. Ảnh: BY

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự xuống cấp của bão gió thời gian, giờ đây con đường đá cổ chỉ còn chiều dài 17km kéo từ bản Nhìu Cồ San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sang bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Phải từ năm 2017 trở đi, con đường đá cổ này mới được nhiều người biết đến qua một số công ty du lịch tại địa phương. Hiện tại, con đường đá cổ Pavi đang được đưa vào khai thác dưới hình thức tổ chức các tour du lịch trekking (du lịch dã ngoại đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên). Chuyến đi trekking trên con đường đá cổ Pavi, du khách có thể lựa chọn điểm đầu từ tỉnh Lào Cai hoặc Lai Châu đều được.

Theo cung đường này, sau một đêm trải nghiệm tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, các đoàn trekking sẽ khởi hành đi bộ về phía bản Sàng Mà Pho là nơi bắt đầu con đường đá cổ Pavi từ phía Lai Châu. Khoảng 5km đầu con đường đá cổ không nhiều dốc đứng, đường đi bằng phẳng giúp du khách đi nhanh, không tốn nhiều sức. Tuy nhiên, khi càng lên cao và tiến sâu vào rừng già, những viên đá được phủ lên một lớp rêu xanh mướt cũng gây khó khăn cho việc di chuyển. Con đường cũng trở nên hoang vắng, nhưng bù lại du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của rừng già mà không phải ai cũng có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm.

Trên cung đường đá cổ, du khách còn có cơ hội ngắm nhìn tàn tích của một sân đỗ trực thăng giữa thung lũng rộng lớn được thực dân Pháp xây dựng với những bức tường xếp bằng đá bao quanh. Ảnh: BY

Điều thu hút nhất ở con đường Pavi là nó xuyên qua một khu rừng nguyên sinh với đa dạng sinh học cao. Tầng cao nhất trong hệ thảm thực vật ở đây là những cây cổ thụ như dẻ, dổi và sến, táu. Kích thước và độ rộng của tán cây, cùng sự cổ kính của chúng khiến du khách không khỏi ngạc nhiên trầm trồ. Ở tầng cuối cùng là những vạt thảo quả của người dân địa phương. Khi di chuyển trên tuyến đường đá cổ Pavi, chỉ cần một ánh nắng may mắn xuyên qua các tầng thực vật, đổ xuống môt tán lá cũng đủ khiến du khách như lạc vào chốn tiên cảnh.

Trên cung đường trekking, du khách sẽ đi qua địa danh đèo Gió ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Người dân quanh vùng nói rằng đây là phế tích của chiếc cổng phân chia ranh giới giữa hai vùng đất Lào Cai và Lai Châu xưa kia.

Người dân hai bản Nhìu Cồ San (Lào Cai) và Sàng Mà Pho (Lai Châu) vẫn đi lại trên con đường đá trăm năm tuổi. Ảnh: BY

Ngồi ăn trưa giữa cánh rừng nguyên sinh bao la, phảng phất mùi hương thảo quả là một trải nghiệm không phải ai cũng may mắn có được. Bên tai, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót thánh thót, gió thổi rì rào, trước mặt là những đám mây trắng trôi lững lờ trên nền trời xanh ngắt… Khung cảnh đó, khiến du khách thấy tinh thần khoan khoái, thư thái lạ thường. Đó là thành quả xứng đáng cho những du khách lựa chọn cung đường trekking trên con đường đá cổ Pavi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm