Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống
Thứ bảy, 20/11/2021 - 21:31
(Thanh tra) - Quế Phong, Nghệ An là điểm dừng chân cuối cùng trước khi đặt chân sang nước bạn Lào. Vùng đất “chín bản mười mường” với những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn mang nhiều giá trị trong việc hình thành các bản Mường của người Thái. Những năm gần đây, huyện Quế Phong đang từng bước thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, phát triển kinh tế.
Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức đầu Xuân, thu hút nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh bạn tham gia. Ảnh: Xuân Thống
Bản người Thái Cọ Muồng làm du lịch
Tương truyền, ngày xưa có 4 người anh em họ Vi vượt ngàn dặm xa từ Tây Bắc đến vùng đất Phủ Quỳ để tìm nơi khai làng lập bản. Khi họ đặt chân đến nơi đây, bắt gặp giữa đại ngàn xanh thẳm có một cây xoài cổ thụ quả ngọt trĩu cành, thân cây to 5-7 người trưởng thành ôm không xuể. Họ quyết định dừng chân, chọn nơi đây sinh sống và đặt tên cho vùng đất này là bản Muồng (tiếng Thái: Muồng nghĩa là cây xoài). Bốn anh em chọn cây xoài làm trung tâm, điểm tựa để xây dựng bản, làng.
Để bảo vệ được mùa màng, nhà cửa trước sự xâm lấn của giặc thù, thú dữ, 4 người họ chia nhau mỗi người cát cứ một phương. Người anh cả, ông Cải Tỉ ở phía Đông và đặt tên là bản Cọ; người anh thứ hai, ông Mị Canh trông coi vùng đất phía Bắc đặt tên là bản Lé; người anh thứ ba, ông Quàng Đong nằm ở phía Nam đặt tên là bản Muồng và người em út, ông Tạo Na Lươn trông coi vùng đất phía Tây đặt tên Na Lươn.
Họ dẫn nước từ dòng suối Phá Lươn để trồng lúa nước. Dòng nước suối mát trong nuôi dưỡng đồng lúa xanh tươi, trĩu hạt, mang lại ấm no, hạnh phúc cho bản làng.
Qua bao thế hệ, bà con bản Muồng truyền tai nhau việc chăm lo làng bản, cơi nới ruộng vườn, gìn giữ, ươm mầm thêm nhiều gốc xoài cổ thụ, tạo nên bản sắc riêng có, độc đáo cho vùng đất này. Thời đó, những người anh em, họ hàng họ Vi ở vùng Tây Bắc khi đi tìm người anh em vẫn thường bảo nhau rằng: “Cứ vùng nào ở xứ Phủ Quỳ có những gốc xoài to thì anh, em chúng ta ở đó”.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bản Muồng sáp nhập với bản Cọ để trở thành bản Cọ Muồng rộng lớn như ngày nay. Vùng đất màu mỡ, xinh đẹp, trù phú, linh thiêng này còn chứa đựng rất nhiều truyền thuyết về các địa danh như: Thác Tạt Ngược, dòng Huồi Đọng...
Ông Lô Văn Xô, Trưởng bản Cọ Muồng, xã Châu Kim cho hay: Bản làng tự hào được sinh sống và phát triển ở miền quê, vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa từ khi dựng bản, lập mường, đặc biệt là đền Chín Gian. Từ bao thế hệ, ngôi đền được lập nên để thờ Pò Phà (Trời), Nàng Xi Đá (con gái Trời) và phối thờ Tạo Ló Ỳ, Cầm Lứ, Cầm Lan.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Thái, Trời là nơi cao nhất, ở đó có Pò Phà (nhà Trời) cai quản, ngài có quyền năng chi phối cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời cũng có thể tạo ra thiên tai, lũ lụt, gây khó khăn cho con người. Chính vì vậy, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người Thái đã dựng đền để thờ ngài.
Thực hiện chủ trương tập trung phát triển du lịch của cấp trên, huyện đã khảo sát và lựa chọn 3 hộ gia đình trong bản để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Là bản thuần Thái, để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là làm du lịch, lĩnh vực mới mẻ đối với đồng bào, đòi hỏi cần thời gian cũng như sự vào cuộc của các cấp, ngành, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thăm quan, học hỏi, đồng thời cần có nhiều chính sách hỗ trợ.
Ông Lô Xuân Đại, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quế Phong cho biết: Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021- 2025, huyện đã chọn 3 hộ (Hà Văn Ánh, Lô Văn Xô, Lô Văn Hai) bản Cọ Muồng để tổ chức thực hiện. Các hộ tham gia đề án được hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng để xây dựng theo 3 chủ đề khác nhau. Đồng thời, bản còn được hỗ trợ 55 triệu đồng để xây dựng cổng, đường hoa, đường điện và cảnh quan. Ở điểm du lịch cộng đồng này, một số homestay được hỗ trợ xây dựng không gian mở, phục dựng văn hóa dân ca, dân vũ, sinh hoạt, ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái… Đến với điểm du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng, du khách sẽ được trải nghiệm thêm một số hoạt động lao động, sản xuất khác của đồng bào dân tộc Thái ở Quế Phong như: Cấy lúa, gặt lúa, lấy củi, tắm suối.
Chú trọng thu hút đầu tư, phát triển du lịch
Hiện nay, huyện Quế Phong đã đưa vào khai thác một số tuyến du lịch cộng đồng như bản Thái cổ Long Thắng, xã Hạnh Dịch, thác Bảy tầng, thác Sao Va, trang trại Nhật Minh, khám phá lòng hồ Thủy điện Hủa Na, tham quan di tích văn hóa đền Chín Gian, làng nghề thổ cẩm, trải nghiệm văn hóa ẩm thực…
Bà Lô Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: Xác định khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, thời gian qua, huyện chú trọng lựa chọn một số vùng, bản còn giữ được những nét đặc trưng, những hộ gia đình còn giữ nguyên vẹn nhà sàn, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt cũ của đồng bào… để bảo tồn và khai thác như làng Thái cổ Mường Đán, bản Cọ Muồng Châu Kim. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc kịp thời và sát sao của huyện, sự lựa chọn hướng đi phù hợp, tìm những nét mới so với một số vùng khác, nhất là nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, nên bước đầu đã thấy được những kết quả tích cực.
Để phát triển du lịch, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh để xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Đồng thời, Quế Phong đang xác định tập trung vào các mũi nhọn như phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng địa phương; chú trọng các chương trình du lịch khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa như du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa người dân tộc Thái, hồ Thủy điện Hủa Na, quần thể thác Bảy tầng, thác Sao Va kết hợp với du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh: Làng Thái cổ, đền Chín Gian…
Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ, huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch, trong đó phải kể đến những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh. Để phát triển du lịch cho địa phương, huyện sẽ hướng tới bảo tồn nền văn hoá bản địa, kết hợp giữa Nhà nước, nhân dân và các đơn vị kinh doanh du lịch, gắn tổ chức chú trọng phát triển sản phẩm với quản lý khai thác và quảng bá, xúc tiến sản phẩm; đồng thời tạo sự liên kết giữa các địa phương phát huy thế mạnh của nhau, các nguồn tài nguyên khác nhau để xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, qua đó, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.
Thái Hải
21:03 21/11/2024(Thanh tra) - Ngày 20/11, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 cũng như tăng sức bật cho ngành Du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trọng Tài
14:03 20/11/2024Trọng Tài
08:49 19/11/2024Trần Lê
23:13 18/11/2024Trần Kiên
08:47 17/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương