Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Không thể thoát!

Thứ bảy, 22/03/2014 - 08:56

(Thanh tra) - Giá tour sang nhiều nước lân cận sở dĩ hấp dẫn vì điểm mua sắm - giải trí hỗ trợ kinh phí, trả “hoa hồng” bán hàng cho lữ hành địa phương đưa khách tới. Về chiến lược cạnh tranh quốc gia, “công nghệ” này giúp giảm giá tour trọn gói, thu hút nhiều khách quốc tế đến, tăng xuất khẩu tại chỗ. Tuy nhiên, mặt trái là các bên liên quan luôn giở muôn vàn chiêu mê hoặc tinh vi hoặc ép buộc thô thiển, đôi khi chỉ cách trò lừa đảo một sợi tóc!

HDV Trung Quốc hỗ trợ khách Việt Nam mua sắm tự do tại Thượng Hải với giá cả tùy thuộc vào trí thông minh của khách

Chưa mua, chưa được ăn

Ra xứ người, lạ nước lạ cái, khách du lịch trở thành “bé ngoan” của hướng dẫn viên (HDV) rồi ngẩn ngơ sa vào chiêu trò làm tiền muôn hình vạn trạng. Không chỉ mất thêm nhiều thời gian, tiền bạc… khách còn phải hứng chịu vô số bức xúc. 

Đã du lịch 6 nước châu Á, bà giáo Kiều Thị Kim Loan (ngõ 27 Cát Linh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) nhận xét, nghệ thuật tiếp thị bán hàng hóa - dịch vụ ở nước ngoài rất tinh vi. HDV Trung Quốc đưa đoàn vào nhà hàng ăn trưa nhưng phải qua một căn phòng nghe nghệ nhân giới thiệu quy trình hái, sao tẩm, đóng gói, pha chế hết sức công phu và tác dụng từng loại trà quý. Nói rã bọt mép không thấy ai mua, nghệ nhân khuyến mãi “mua 2 tặng 1” song khách vẫn nhìn nhau vì đắt quá. Mãi sau có một cô giáo nể quá mua một hộp, cả đoàn thở phào vì đến lúc ấy, HDV mới dẫn ra phòng ăn.

Đến bữa trưa khác, nhà hàng thiết kế lối đi qua một sảnh rộng bày bán ngọc, đá quý mới tới phòng ăn. HDV bảo ngồi nghỉ ở sảnh chờ nhà hàng dọn món, trong lúc đó nhân viên bán ngọc tranh thủ giới thiệu sản phẩm. Khách đang đói nên chẳng quan tâm, song trong bữa ăn bàn tán rôm rả “vòng đấy hợp với tay em đấy”, “chị nên đeo nhẫn đấy”… Ăn xong, HDV bảo đoàn ra ngoài sảnh nghỉ ngơi cho tiêu cơm. Khách vật vờ chán lại ra quầy bán ngọc xem, thấy được giảm giá 10 - 30% bèn mua kha khá! 

Hơn nữa, khách thấy trên xe HDV giới thiệu ra rả lạc cả giọng, bèn mua nhiều hàng để ủng hộ. 

Hoặc ở Côn Minh, khách ngâm chân trong nước thuốc rồi mỗi nhân viên ra mát-xa chân cho từng người. “Họ phục vụ tận tình lắm, lại miễn phí toàn bộ nên khách tự thấy rất áy náy nếu không mua thuốc”, bà Loan kể. Nhận thấy trung tâm tơ lụa cao cấp ở Hải Nam bán kiểu chợ cóc (sẵn sàng giảm 60-70% so với giá niêm yết), khách ngại chất lượng kém nên mua ít. HDV Trung Quốc lỉnh mất, bỏ mặc đoàn hậm hực ngồi bệt

Đưa khách tham quan Singapore ban ngày, HDV kể lể kỹ lưỡng lịch sử đào đường tàu điện ngầm 6 tầng ở quốc đảo này. Trong đó, có nhiều yếu tố tâm linh hết sức ly kỳ, chẳng thua gì truyền thuyết vua An Dương Vương đắp thành Cổ Loa năm, bảy phen mới thành. Tiếp đó, anh ta giới thiệu du ngoạn trên thuyền buổi tối, ngắm cảnh rất đẹp… Thấy đoàn hào hứng ra mặt, HDV bảo nếu thích đi tàu điện ngầm - du thuyền buổi tối ngoài chương trình, mỗi người nộp 40 SGD - tương đương gần 700.000 đồng. “Sau này, chúng tôi mới biết giá vé tàu điện ngầm, du thuyền cực rẻ. Một người bạn kể cũng nghe HDV ở Singapore “dỗ” y hệt, mỗi người đóng thêm 32 SGD vẫn là bị “chém”, bà giáo phàn nàn!

Không tỉnh táo nổi

 Khách khôn không mua

Phó Giám đốc một trung tâm lữ hành ở Hà Nội cho biết, chưa thấy đoàn du lịch thuần túy nào đóng thêm tiền như vậy vì ham giá rẻ, lại tò mò muốn “tham quan” thử cho biết. “Một số khách mua hàng rồi hối hận, trách lữ hành đưa vào cơ sở bán hàng khéo quá. Song tiền trong túi khách có ai cưỡng ép mua đâu”, ông này phủi trách nhiệm!

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng tư vấn: Tour có mua sắm mang tiếng rẻ song HDV thường rút ngắn thời gian tham quan, còn rềnh rang ở điểm bán hàng chỉ định bao lâu cũng được. Khách khôn không mua hàng tại đó.

Đang phụ trách một kênh giải trí - du lịch tại Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam, nhà báo Phạm Thu Hằng nhận xét, nhiều khách ra nước ngoài quá ngây ngô trước vô số mánh khóe làm tiền khoác vỏ tâm linh, biệt dược... Trong chuyến du lịch Thái Lan, HDV địa phương đưa đoàn vào thăm trại hổ, mời chào cao hổ cốt sản xuất tại chỗ theo phương pháp bí truyền. Bà Hằng đoán chắc đây là cao lợn vì rẻ hơn cả cao ngựa bạch bán ở Hà Nội: “Nhưng tôi không dám nói vì nhiều người trong đoàn hớn hở mua, về uống hết vẫn chẳng thấy tác dụng gì. Chỉ cần tỉnh táo suy luận một chút, khách sẽ tránh bị loè”!

Là Phó Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị công nghệ cao, từng đi công tác - du lịch gần 30 nước, ông Phan Mạnh Trung (ngách 79, ngõ Cẩm Văn, quận Đống Đa, Hà Nội) phải thừa nhận “nghệ thuật bán hàng của du lịch Trung Quốc quá cao siêu”! Trong chuyến du lịch Quảng Châu, HDV địa phương đưa đoàn vào một nhà thuốc khá lớn khám sức khỏe miễn phí, còn mua thuốc hay không tùy ý khách. Dù trước đó tâm niệm kiên quyết không mua gì, ông Trung vẫn dao động vì “giáo sư Đông y” chỉ cần bắt mạch đã chẩn bệnh chính xác: Huyết áp thấp, thiếu máu lên não khiến đau đầu kéo dài… “Giáo sư” vừa loằng ngoằng viết xong đơn thuốc uống trong ba tháng, dược sĩ đã nhét túi đựng hộp lớn hộp nhỏ giá hơn 1.000 tệ vào tay khách. Thấy ông Trung lắc đầu kêu “hết tiền rồi”, dược sĩ bèn hạ giá 20%, còn HDV địa phương sấn tới sẵn sàng cho vay tiền. “Không hiểu lúc đó tâm thần mê muội thế nào mà tôi đồng ý mua đống thuốc vô tích sự đó, dù rõ ràng khó chịu với kiểu ép mua như thế”, ông này kể. 

Nhiều khách cao tuổi ban đầu leo lẻo “không mua gì đâu nhé”, sau thấy các “giáo sư” chẩn đoán chính xác bệnh tình (những bệnh thông thường người già hay mắc như: Thấp khớp, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao, tiểu đường…) rồi dược sĩ ấn thuốc tận tay, cũng răm rắp mua trên dưới chục triệu đồng! 

Ông Phan Mạnh Trung ấm ức nhớ lại: Lúc đoàn khám bệnh, HDV Việt Nam chuồn đâu mất chứ không hỗ trợ khách tỉnh cơn mê trước cảnh “kẻ tung người hứng”! 

Chim mồi” dỗ… đồng bào

Giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội xác nhận, phần “hoa hồng” bán hàng ở các điểm mua sắm chỉ định trong tour Trung Quốc được chia cho lữ hành, HDV địa phương và HDV Việt Nam theo tỷ lệ 4 - 4 - 2 (ở nhiều nước Đông Nam Á, HDV Việt Nam được hưởng khoảng 30%). Do đó, HDV Việt Nam cũng thích khách mua nhiều, song lánh mặt ở điểm bán hàng hay xảy ra rủi ro, để dễ phủi trách nhiệm. Bà này kể, chỉ cần đến ngày tour thứ hai, HDV nước ngoài đã nắm bắt được thị hiếu, khả năng chi trả của khách. Nếu đoàn không hứng thú mua sắm, họ sẽ đưa tiền cho HDV Việt Nam làm “chim mồi”. 

 Tiếp thị… dai

Thấy tôi viện đủ mọi lý do từ chối mua thuốc Đông y, “giáo sư” vẫn thuyết phục lằng nhằng dai như đỉa, kể vanh vách họ tên nhiều quan chức Việt Nam tới đây mua thuốc, dùng tốt quá nên gửi tiền sang mua tiếp! Thế nên đến cửa hàng thuốc thứ hai trở đi, tôi toàn ngồi ngoài hành lang chờ, không cần khám bệnh miễn phí nữa!

Nhưng nhiều người đi trước đã dặn tôi chớ mua thuốc men gì, trừ mỡ chữa bỏng…
(Bà giáo Kiều Thị Kim Loan)

Điển hình: Nghe “giáo sư” Đông y tâng bốc xong công dụng siêu việt của các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc đang bày bán, khách xì xào bàn tán thì HDV người Việt dõng dạc lên mua vài viên An cung ngưu hoàn hoàn (nổi tiếng chữa đột quỵ) loại tốt nhất trên dưới 3.000 tệ/viên; tiện tay vơ thêm vài hộp thuốc mỡ bôi ngoài da. Thấy dân HDV địa phương gọi đùa là “vạn bệnh tiêu tán, ngàn bệnh tiêu trừ” giá chỉ 40 - 50 tệ nên ai cũng có thể mua được. Thế nào vài khách cũng hỏi thăm mua thuốc gì, cho ai… và HDV thủ thỉ kể: “Đoàn trước sang đây có một anh/chị mua hai loại này về dùng tốt, gửi em tiền mua hộ thêm”! Nghe vậy, kiểu gì sẽ có vài ba khách mua theo, song không biết rằng, giá cả bên ngoài rẻ hơn 10 - 20%... Chưa kể, trước khi ra xe, HDV Việt lén dúi hàng cho đồng nghiệp địa phương, để trả lại nhà thuốc!

Không phải vô cớ, Luật Du lịch của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 10/2013 cấm lữ hành nước này đưa đồng bào vào điểm mua sắm, giúp khách không tốn thời gian và chi thêm tiền. Tuy nhiên, nhiều công ty cuối năm ngoái được Tổng cục Du lịch phong danh hiệu lữ hành quốc tế hàng đầu đưa khách đi du lịch nước ngoài như: Hanoitourist, Saigontourist, Fiditour, Vietravel… vẫn bán tour Trung Quốc với 3 - 7 điểm mua sắm chỉ định buộc khách phải vào. Hiếm hoi mới thấy Hanoi Redtours ghi chú thu thêm 20 - 50 USD/khách nếu bỏ điểm mua sắm bắt buộc, còn Liên Bang thu 850.000 đồng.

Bài, ảnh: Tiến Ngân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm