Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Buôn của đồng bào Êđê trở thành điểm du lịch văn hóa

CTV Thanh Hòa

Thứ hai, 18/10/2021 - 18:04

(Thanh tra) - Buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh có hơn 160 hộ là người Êđê, đa phần làm nghề dệt thổ cẩm. Hiện ngôi làng này còn lưu giữ trên 10 ngôi nhà dài truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm cùng hàng chục bộ cồng chiêng truyền nhau qua nhiều đời. Mỗi khi tới đây, du khách được ngắm những cô gái Êđê trong trang phục thổ cẩm cùng điệu múa xoan (nhảy a ráp) quyến rũ, đắm say.

Các cô gái Êđê duyên dáng trong điệu nhảy a ráp. Ảnh: Thanh Hòa

Bức tranh sinh động văn hóa Êđê

Từ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đi theo những con đường mòn đã được bê tông hóa chúng tôi tới buôn Lê Diêm xinh xắn hiền hòa. Buôn có những ngôi nhà của đồng bào Êđê nằm bao quanh sườn đồi. Cuộc sống nơi đây yên bình đến lạ, lắng tai có thể nghe được tiếng róc rách của những con suối cận bên, xa hơn chút là tiếng rì rào của những nương ngô, nương sắn xanh tươi, mỡ màng.

Trao đổi với chúng tôi già làng Ma Hông, Trưởng buôn Lê Diêm, cho biết: Buôn Lê Diêm còn nghèo về vật chất, thế nhưng đời sống văn hóa thì đa dạng phong phú. Các bạn cứ đến đây vào những đêm hội mà xem, khi mùa màng đã thu hoạch xong, xung quanh các ngôi nhà dài, lúc ngọn lửa bùng lên cũng là lúc các chàng trai, cô gái Êđê duyên dáng quay quanh bếp lửa hồng. Tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, lục lạc, xập xèng hòa quyện vào nhau, tạo thành những âm thanh rộn ràng, ngân xa. Lúc ché rượu cần mở ra, những cô gái Êđê trong trang phục thổ cẩm truyền thống cúi xuống vít cần, mời rượu du khách đến với buôn làng. Khi đó hơi lửa và men rượu ấm nồng sẽ ngấm vào huyết mạch. Cả du khách và chủ nhà nắm chặt tay nhau trong điệu nhảy a ráp. Mọi người cùng kết nối tạo thành một vòng, điệu múa xoan xập xòe, giai điệu uyển chuyển như đưa mọi người trở về nguồn cội văn hóa của đồng bào dân tộc Êđê.

Tay chỉ về bộ cồng chiêng được treo cẩn thận trên tường già làng Ma Hông tiếp tục câu chuyện: Trong đêm hội, điệu diễn tấu cồng chiêng là tiết mục không thể thiếu, tiếng chiêng như kết nối, làm cho những con người xa lạ trở nên gần nhau hơn. Khi tiếng chiêng vang lên, mọi khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, sắc tộc… như tan biến, chỉ còn lại tình người ấm áp và thân thiện.

Ông Oi Thao, một nghệ nhân tại buôn Lê Diêm cho biết: “Những năm trở lại đây, người dân, du khách đến buôn Lê Diêm ngày càng nhiều, tới đây du khách thích nhất là tham quan nghề dệt thổ cẩm, ngắm nhìn điệu múa xoan. Điệu múa này có sức hút làm say lòng người miền xuôi, miền ngược. Tại buôn, du khách thường đến nhà tôi, nghe tôi kể sử thi. Qua câu chuyện kể du khách có thể hiểu được phần nào cuộc sống xa xưa của người dân Êđê bản xứ”.

Du khách sẽ thích thú khi uống rượu cần ủ bằng men lá, vỏ cây rừng. Ảnh: Thanh Hòa

Điều khá thú vị, khi tới Lê Diêm du khách được thưởng thức các món ăn mang đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Êđê, những món ăn đơn giản nhưng hương vị đậm đà. Nhiều món ăn khá phổ biển như thịt bò, thịt gà nướng với muối ớt sả, canh lá sắn nấu với thịt bò phơi nắng, hay hoa đu đủ nấu với cá sốc sông Ba... Món canh được coi là đặc sản số 1 ở buôn Lê Diêm này là canh bồi, được nấu từ hàng chục loại rau rừng và măng tươi. Người Êđê đem rau giã với gạo rồi thả vào nồi nước măng đun sôi, khi chín, canh đông đặc lại. Canh bồi ăn với cơm nóng có chút muối ớt xanh… Hương vị lạ, bùi cay độc đáo, lạ và  khó quên.

Bảo tồn để phát triển du lịch

Buôn Lê Diêm có 160 hộ là đồng bào dân tộc Êđê. Cư dân ở đây không chỉ nổi tiếng cần cù, giỏi giang trong lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi mà còn sản sinh ra rất nhiều nghệ nhân tài hoa trong các lĩnh vực âm nhạc, hát múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng… Có thể thấy điều này qua kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc được lưu truyền qua các thế hệ nơi đây.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sông Hinh: “Buôn Lê Diêm là nơi được tỉnh lựa chọn đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương. Đây cũng là buôn làng đầu tiên ở huyện miền núi Sông Hinh được công nhận buôn văn hóa. Cán bộ và bà con đồng bào nơi đây đã ý thức được niềm vinh dự của buôn làng nên luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Điều đáng quý, cư dân nơi này rất hiếu khách và biết chiều lòng du khách khi đến với buôn làng.

Điệu múa xoan quyến rũ của các cô gái Êđê với du khách khi đến thăm buôn. Ảnh: Thanh Hòa

Để duy trì bản sắc văn hóa và các nghề truyền thống hướng tới phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, địa phương đã lựa chọn các gia đình tiêu biểu tham gia những mô hình văn hóa, câu lạc bộ nghề truyền thống để truyền dạy cho các em tuổi từ 12-14 trở thành lớp kế cận. Hiện buôn Lê Diêm đã thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng và múa xoan với gần 30 “diễn viên”, số lượng còn tiếp tục tăng lên. Hàng năm, buôn cũng duy trì các đội tham gia hội thao văn hóa các dân tộc ở Sông Hinh như lễ hội đua thuyền truyền thống, liên hoan cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc…

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, cho biết: Ngoài tài nguyên sẵn có, với vị trí của mình, Sông Hinh có mối liên hệ vùng khá tốt với các điểm có tiềm năng du lịch. Điều này sẽ tạo nên những tour du lịch liên hoàn hấp dẫn. Vì thế, quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến nay, Sông Hinh là trung tâm của không gian du lịch miền núi phía Tây Nam Phú Yên.

Ông Bảy nhấn mạnh thêm: Xây dựng buôn văn hóa, du lịch Lê Diêm nhằm tạo điểm nhấn để phát triển du lịch ở huyện Sông Hinh. Đồng thời với thế mạnh từ khai thác du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, việc giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS Êđê sẽ tạo thêm những hấp dẫn riêng thu hút du khách đến đây.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024
Quảng Ninh: Hơn 300 doanh nghiệp chung tay kích cầu du lịch

Quảng Ninh: Hơn 300 doanh nghiệp chung tay kích cầu du lịch

(Thanh tra) - Ngày 20/11, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 cũng như tăng sức bật cho ngành Du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trọng Tài

14:03 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm