Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ ba, 19/10/2021 - 06:37
(Thanh tra)- Du lịch Việt Nam đang từng bước tái khởi động tại nhiều địa phương, đó là những tín hiệu vui từ ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành, các lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển du lịch bền vững.
Tái khởi động hoạt động du lịch bắt đầu từ nội tỉnh. Ảnh minh họa: Thái Hải
Bắt đầu từ du lịch nội tỉnh
Là tỉnh tiên phong trong tái khởi động du lịch nội tỉnh, Quảng Ninh tranh thủ tối đa mọi cơ hội phục hồi hoạt động du lịch. Từ 21/9 đã khởi động lại du lịch nội tỉnh và đã có lộ trình phục hồi, thu hút khách ngoại tỉnh vào tháng 11 tới. Với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu, các hoạt động mở cửa đón khách được tiến hành thận trọng, từng bước, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó và mở cửa phải an toàn, tập trung ở các địa bàn đã an toàn với dịch bệnh.
Theo đó, doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ trong tỉnh tập trung xây dựng các tour du lịch và cung cấp các sản phẩm du lịch an toàn trong dịch bệnh theo hướng tận dụng lợi thế về du lịch biển, du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Trước mắt, kết nối du lịch Quảng Ninh - Hải Phòng, tận dụng cơ hội an toàn dịch bệnh giữa hai địa phương, đặc biệt là tuyến phà Tuần Châu - Cát Bà và Lan Hạ - Cát Bà - Hạ Long.
Tỉnh Ninh Bình cũng đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu và chuẩn bị đón khách du lịch, khôi phục các hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Các doanh nghiệp du lịch phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo các tiêu chí an toàn để lựa chọn đề xuất đón khách nội địa giai đoạn 1 (quý IV năm 2021).
Sau nhiều tháng "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Ninh Bình đã dự thảo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để chuẩn bị các điều kiện mở lại một số hoạt động. Đồng thời tiến hành lấy ý kiến góp ý từ một số sở, ngành, địa phương liên quan, tiến tới tham mưu cấp thẩm quyền ra quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn.
Ngay sau khi họp bàn kế hoạch, triển khai các biện pháp đưa du lịch phục hồi trở lại với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Bình đã thống nhất thí điểm triển khai tour du lịch trải nghiệm khép kín sau giãn cách xã hội cùng với những chính sách kích cầu, giảm giá, các hoạt động du lịch xanh, du lịch theo nhóm, theo gia đình một cách khép kín, đảm bảo an toàn phòng dịch và sức khỏe đang tạo đà và đánh dấu sự dần trở lại của du lịch địa phương này.
Đơn vị chuyên trách đã lập kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong điều kiện mới với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ thời điểm ban hành kế hoạch đến hết tháng 12/2021, tập trung nâng cấp hạ tầng du lịch, xây dựng, hoàn thiện các tour, tuyến du lịch bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới. Giai đoạn 2, từ 1/1/2022 đến 31/12/2023, khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, Quảng Bình tập trung các biện pháp khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện mới.
Còn tỉnh Khánh Hòa đưa ra kế hoạch đón khách du lịch, thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi phát triển du lịch. Việc tái khởi động các hoạt động của ngành Du lịch Khánh Hòa nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch dịp lễ, Tết cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trước mắt, ngành Du lịch tỉnh xác định ưu tiên kích cầu để thu hút nguồn khách là người dân địa phương, người đang sinh sống và làm việc tại tỉnh, tập trung vào chủ trương “người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa,” “du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.”
Đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng số
Hiện nay, dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước đang dần được kiểm soát. Đây sẽ là mục tiêu thu hút nguồn khách nội địa để khôi phục hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng của các địa phương. Theo các chuyên gia du lịch, ngành Du lịch cần phải xác định lần khôi phục du lịch lúc này khác với những lần trước là khó có thể có zero F0, có nghĩa là chúng ta phải “chung sống an toàn với Covid-19”.
Vì thế, muốn du lịch hoạt động trở lại ngoài đảm bảo 5 nội dung an toàn (thị trường an toàn, tuyến điểm an toàn, chuỗi dịch vụ an toàn, tổ chức và điều hành an toàn, kiểm soát tour an toàn) thì việc quảng bá, thu hút nguồn khách là hết sức cần thiết.
Tổng cục Du lịch cho biết, tháng 8/2021, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” đã được tích hợp tính năng “tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế. Dữ liệu khai báo được liên thông trực tiếp đến hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho người dùng ứng dụng khai báo y tế mà không cần phải chuyển sang nền tảng khác.
Bên cạnh tính năng khai y tế, ứng dụng đang được nâng cấp, tích hợp thêm nhiều tiện ích khác như đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh du lịch, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ.
Tổng cục Du lịch đã chủ động xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên website https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón khách quốc tế khi du lịch quốc tế được mở trở lại. Hiện nay, hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine đã được tích hợp lên ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn".
Đồng thời, kết hợp các hoạt động truyền thông, quảng bá với triển khai chương trình kích cầu như: Phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm thăm quan, mua sắm... xây dựng nhiều chương trình du lịch ưu đãi, hấp dẫn, chất lượng để khách lựa chọn và xúc tiến du lịch cần được tập trung đẩy mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch phải nhận định tình hình dịch bệnh tại các địa phương, vùng, miền theo giai đoạn để thích ứng, đưa ra giải pháp thích hợp theo từng thời điểm.
Ngoài ra, để các hoạt động quảng bá đạt được hiệu quả cao, cần có sự đổi mới, gắn với chuyển đổi số, tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc thù được lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt hơn cho việc chuẩn bị các bước đón du khách trong nước cũng như thí điểm đón du khách quốc tế trở lại ở một số địa phương.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…
Trọng Tài
12:22 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về Du lịch nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism).
Thái Hải
21:06 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Văn Thanh
19:49 07/12/2024Mạnh Sơn
07:00 06/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền