Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử phạt nghiêm, tránh “biết rồi nói mãi” về ô nhiễm môi trường

Hương Giang

Thứ năm, 11/06/2020 - 19:10

(Thanh tra)- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TN

Thảo luận tại tổ Dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (ngày 11/6), theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề môi trường là thách thức lớn không chỉ riêng Việt Nam mà cả toàn cầu.

“Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường. Nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Xử phạt không nghiêm thì “nói mãi cũng nhờn”

Thủ tướng cho rằng hoàn thiện các quy định pháp luật là rất quan trọng để thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Đồng thời, phải có những hình thức xử phạt nghiêm những người vi phạm quy định về bảo vệ môi trường để răn đe, làm gương.

Dẫn chứng tác động của Nghị định 100 (xử phạt vi phạm giao thông) giúp tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn, Thủ tướng nhấn mạnh, “phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm, xử phạt nghiêm thì nói mãi cũng nhờn”.

Đề cập đến trách nhiệm của bộ máy, theo người đứng đầu Chính phủ, luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý Nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

“Sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên tắc làm sao tốt hơn về quản lý Nhà nước nhưng phải phân cấp, rõ trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.

Theo ông Phạm Minh Chính, những gì Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) phải làm, những gì thuộc về địa phương thì địa phương phải chịu trách nhiệm; đã giao thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm chứ không ai khác.

“Giật mình” khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước

Tại đoàn TP Hà Nội, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ an ninh nguồn nước. Nhắc lại sự cố ô nhiễm nước sông Đà, theo bà Khánh, nếu không xử lý kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm cho hàng triệu người dân Thủ đô.

“Sau đó, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương mới giật mình vì việc bảo vệ an ninh nguồn nước còn sơ hở quá”, bà Khánh nói và cho rằng, phải có các quy định bảo vệ nguồn nước nội địa, tái sử dụng nguồn nước.

Nữ ĐBQH cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của các đơn vị trong việc bảo vệ không khí. Vì dự thảo quy định chung chung, không rõ trách nhiệm của cơ quan nào.

“Trong khi thời gian qua Hà Nội đã có những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến mức chính quyền phải khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà, đóng cửa sổ… Rõ ràng rất nguy hiểm cho sức khoẻ người dân”, bà Khánh nêu quan điểm và cho rằng Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý chất lượng không khí.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề cập đến chủ thể là hộ gia đình và cá nhân. Theo bà đây là chủ thể chính để bảo vệ môi trường.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: TN

“Ở đây không chỉ dừng lại ở chất thải gia đình mà những cá nhân đó sẽ đi làm ở doanh nghiệp, tham gia quản lý Nhà nước… Khi xây dựng luật này phải đặt đối tượng này ở vị trí trung tâm trong bảo vệ môi trường. Phải có chính sách khen thưởng hợp lý, xử phạt nghiêm minh và phải có giải pháp đi kèm, ngoài xử phạt tiền”, bà Tâm nói.

Nữ ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh nêu: “Anh xả rác thì phải thu gom rác đó, nếu rác đó đã được thu gom rồi thì anh phải đi thu gom chỗ khác… Cần có những quy định cụ thể hơn, cần mở rộng phạm vi khái niệm trách nhiệm hộ gia đình và cá nhân trong quá trình bảo vệ môi trường”.

Giảm thủ tục, không buông lỏng quản lý

Với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay, dự luật lần này đã phân cấp cho địa phương được đóng cửa các dự án có vấn đề về môi trường tại địa phương mình. UBND tỉnh cũng chịu trách nhiệm và phân cho từng cấp xử lý những vấn đề cụ thể và làm rõ trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc.

“Chúng tôi cũng khuyến khích các địa phương như Hà Nội có thể đưa ra quy chuẩn phương tiện, xe cộ cao hơn ở khu vực trung tâm để giảm ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân”, ông Hà phát biểu.

Dự luận lần này cũng đã cắt giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng không buông lỏng việc quản lý môi trường.

“Điều này xuất phát từ tư tưởng khoa học, trước nay quản lý tất cả, nhưng trong đó 80% là những doanh nghiệp không gây ô nhiễm. Trong khi đó, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp trong lĩnh vực ô nhiễm mà trước nay chưa xác định đâu là lĩnh vực tiềm tàng cho đến khi có sự cố Formosa. Bây giờ, chúng tôi khoanh lại những lĩnh vực nào tổng lượng thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và đã khoanh 17 nhóm quy định trong dự luật này”, Bộ trưởng Hà lý giải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh: TN

Từ đó, dự thảo quy định hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm 40%, giảm hàng chục nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Hà dẫn chứng, hiện 100% doanh nghiệp phải quan trắc định kỳ mỗi năm 2 lần thì có 80% doanh nghiệp không ô nhiễm, tiền quan trắc cũng hàng chục nghìn tỷ.

“Cải cách này vừa thông thoáng, vừa tập trung nhân lực quản khoảng 5% doanh nghiệp ô nhiễm. Đây là nội dung xuyên suốt từ khâu đánh giá môi trường chiến lược… đến chứng nhận môi trường”, Tư lệnh ngành TN&MT nói.

Liên quan đến vấn đề chất thải sinh hoạt, Bộ trưởng Hà cho rằng, chất thải không phải hoàn toàn bỏ đi, mà ít nhất tái sử dụng được 40%. Cho nên phân loại ra là điều tiên quyết. Thứ 2 là công nghệ xử lý không chôn lấp.

“100% là không chôn lấp. Trong đó, tái chế, tái sử dụng được 40%, còn lại sử dụng theo hình thức đốt thành sinh khối, đốt biến thành điện năng là đang hướng tới. Để làm được điều này từ khâu thu gom tới xử lý cuối cùng phải đồng bộ. Dự thảo Luật lần này quy định: Không đồng bộ từ thu gom, phân loại, đến công nghệ xử lý thì không được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề nghị kiểm toán nước sông Mê Kông

Đề cập đến vấn đề kiểm toán môi trường, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (ĐBQH Đoàn Nghệ An) cho biết, Dự thảo Luật chỉ quy định quản lý chất thải và kiểm soát chất thải ô nhiễm môi trường. Theo ông, như vậy là chưa đầy đủ, chưa toàn diện…

“Trong quy định, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, tôi đề nghị bổ sung thêm một điều là Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường, như vậy sẽ rõ ràng hơn”, ông Phớc nói.

Cũng theo ông Phớc, hiện Kiểm toán Nhà nước đang đề nghị kiểm toán nước sông Mê Kông.

"Tại diễn đàn của Ban Điều hành ở Hội nghị ASOSAI (Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á) lần thứ 2 họp tại Bangladesh, chúng tôi đề nghị các cơ quan Kiểm toán tối cao của các nước khu vực sông Mê Kông cùng kiểm toán nước của dòng sông này, nguy cơ nước của sông Mê Kông có tác động đến Việt Nam, Camphuchia, Thái Lan rất lớn.

Chúng tôi đang lấy ý kiến 47 cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á để đưa vào diễn đàn. Việc này chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban sông Mê Kông và nhận được sự đồng thuận cao", Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm