Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Vốn đi vay, phải làm dự án lớn xoay chuyển tình thế, không làm lặt vặt”

Hương Giang

Thứ ba, 24/10/2023 - 14:25

(Thanh tra) - Với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần có quy hoạch và những dự án lớn. “Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ”, là định hướng được ông nhắc đến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đ.X

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ về những trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo với vùng ĐBSCL.

Việc này được người đứng đầu Chính phủ đề cập sau khi nghe những đề xuất, kiến nghị của đại biểu Quốc hội cùng tổ thảo luận, về những vấn đề cấp thiết ở ĐBSCL.

Chi 4.000 tỷ giúp ĐBSCL ứng phó sụt lún, sạt lở

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành với dân số khoảng 18 triệu người, cùng nhiều lợi thế cạnh tranh nổi trội.

“Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm tới sự phát triển bền vững của ĐBSCL để nơi đây trở thành vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước”, bà Thanh nói.

Nữ đại biểu mong Chính phủ có định hướng rõ hơn để giúp ĐBSCL ứng phó với những tác động tiêu cực từ hạn mặt, sụt lún đang diễn ra ngày càng khó lường.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dẫn dự báo của Viện Tài nguyên thế giới, rằng nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập lụt, vì vậy cần sớm có ứng phó, để chia sẻ về nỗi lo này.

“Mong Thủ tướng tiếp tục có quyết sách giúp ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu”, theo lời Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trên cơ sở đề xuất của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng giúp các tỉnh ĐBSCL ứng phó với sạt lở, sụt lún.

Nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, với ĐBSCL trước mắt cần khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn. Bên cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan, phải góp phần cùng thế giới ngăn sự nóng lên của Trái Đất, đưa phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

“ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công - tư để thực hiện các dự án chống sạt lở. Phải làm bài bản, hiệu quả và kịp thời”, Thủ tướng lưu ý.

Chuyển đổi trạng thái, không làm manh mún, nhỏ lẻ 

Cho biết trong chuyến công tác Ả-rập Xê-út vừa qua đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines và Tổng thống Indonesia để bàn về hợp tác xuất khẩu gạo, Thủ tướng gợi mở định hướng sắp tới phải làm khác trước đây, theo hướng “Sản xuất xanh, tiêu thụ xanh”.  Vì vậy, cần có quy hoạch và có những dự án lớn.

“Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ”, là định hướng được người đứng đầu Chính phủ nhắc tới.

Ông nhắc lại sạt lở, sụt lún ĐBSCL là vấn đề lớn nên cần có sự án lớn về lâu dài. Vì vậy phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực.

Trong việc vay vốn thực hiện các dự án, Thủ tướng lưu ý cải thiện thủ tục đơn giản, thông thoáng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Cạnh đó, theo ông, đã đi vay mà làm lặt vặt sẽ không có hiệu quả.

Dẫn chứng ngay câu chuyện ở ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng nếu thực hiện dự án cần tập trung vào 4 vấn đề lớn: Chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán.

“Chỉ tập trung 4 dự án này chứ không làm nhiều, những chuyện nhỏ khác ta tự lo. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay”, Thủ tướng quán triệt.

Ngoài ra, ĐBSCL cần giải quyết thêm 2 vấn đề ưu tiên là đào tạo nguồn lực và giải quyết hạ tầng giao, để giúp khu vực phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh khai thác tối đa nguồn lợi từ đường thủy, Thủ tướng nhắc Bộ trưởng Giao thông Vận tải tập trung nhiệm vụ xây dựng các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL theo cả trục Bắc - Nam và Đông - Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như Sân bay Cà Mau.

“Dù còn khó khăn vẫn cần nâng cấp để thay đổi diện mạo địa phương. Như với Cà Mau, cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển”, Thủ tướng nói. Nhưng ông cho rằng chỉ cần quyết tâm là làm được, vấn đề là huy động nguồn lực, làm có trọng tâm trọng điểm và làm đến đâu dứt điểm đến đó.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ ĐBSCL là trăn trở của Đảng và Nhà nước, cũng là nỗi lo toan của bà con ở đó. Với nguồn vốn Chính phủ vừa bổ sung, Thủ tướng đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội giám sát đầu ra để việc đầu tư có hiệu quả. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm