Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Về lại nơi trận “mở màn trinh sát” chiến lược

Thứ bảy, 11/01/2014 - 09:14

(Thanh tra) - Có một vấn đề đặt ra sau Hiệp định Paris buộc chúng ta phải cân nhắc, là Mỹ có thể can thiệp trở lại miền Nam khi bị tiến công mạnh, như Tổng thống Nixon từng tuyên bố. Trên cơ sở phân tích “nếu Mỹ có quay lại cũng không thể xoay chuyển” được tình thế, tháng 10/1974, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, nhằm đánh giá khả năng phản ứng của địch, làm sáng rõ hơn những cơ sở đã nhận định, để hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam...

Tượng đài Chiến thắng Phước Long.

Phước Long trước năm 1975 là một tỉnh chỉ cách Sài Gòn khoảng 100km về phía Đông Bắc, có vị trí chiến lược nối Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, nếu chiếm được Phước Long sẽ tạo ra bàn đạp từ hướng Tây Bắc, uy hiếp trực tiếp chế độ Việt Nam Cộng hòa. 

Tuy nhiên, đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các Tư lệnh Quân đoàn lại nhận định “trên trời dưới đất” trước tình thế chiến cuộc. Trong cuốn “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa”, Đại tướng Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên viết: “Đầu tháng 10/1974, qua tin tức tình báo, Bộ Tổng tham mưu biết kế hoạch của Cộng quân chuẩn bị đánh chiếm Phước Long. Tin này được chuyển đến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Phước Long, Đại tá Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 đã đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho tăng cường ít nhất 1 Sư đoàn bộ binh hay 1 Sư đoàn nhảy dù. Nhưng theo lệnh, tất cả các cuộc điều quân từ cấp Trung đoàn trở lên đều phải có lệnh của Tổng thống Thiệu, vì thế Đại tướng Cao Văn Viên phải chuyển toàn bộ Kế hoạch phòng thủ Phước Long lên Tổng thống. Mặc dù tình hình khẩn trương, nhưng Tổng thống Thiệu đọc rồi cất đó”. Chính vì thế, nên trước cuộc họp Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 Ngụy ngày 17/12/1974, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn Dư Quốc Đống như đang “ngồi trên lửa”, vẫn phải trấn an các thuộc cấp rằng “tình hình Phước Long sôi động, nhưng đó không phải là trọng điểm tiến công của Việt cộng”. 

Tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, lực lượng chủ lực của ta gồm Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 của Quân đoàn 4; Sư đoàn 3 thuộc Khu ủy Miền Đông Nam bộ phối hợp với 2 Trung đoàn đặc công và pháo binh, 3 Tiểu đoàn pháo phòng không, 20 xe tăng và xe bọc thép, 2 Tiểu đoàn bộ đội địa phương; tất cả đặt dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4. Đêm 12 rạng sáng 13/12/1974, quân ta bắt đầu mở màn chiến dịch, tấn công Chi khu Đức Phong và đánh chiếm cao điểm Bà Rá, khẩn trương hình thành thế trận. Hướng Nam Trung đoàn 165, hướng Tây Trung đoàn 141, hướng Đông Trung đoàn 271, hướng Đông Bắc Trung đoàn 16, hướng Tây Bắc Trung đoàn 201. Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy điện xin Bộ tổng tham mưu chi viện, nhưng Tướng Viên lại phải xin chỉ thị của Tổng thống. Tới lúc này, Thiệu mới lấy tờ trình “Kế hoạch bảo vệ Phước Long” trước đó, ra viết mấy chữ bên lề cho Tướng Đống, Tư lệnh Quân đoàn: “Báo Trung tướng điều nghiên tùy nghi quyết định. Cần lưu ý động viên các chiến hữu tử thủ”. Từ ngày 23 - 30/12/1974, ta tiếp tục tiến công đánh chiếm các chi khu Bù Đốp, Đồng Xoài, tiêu diệt chi khu Phước Bình, đưa lực lượng áp sát thị xã Phước Long. Bị dồn đến bước đường cùng, địch một mặt huy động máy bay ném bom dữ dội, mặt khác chúng dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống thị xã tiếp viện, nhưng vấp phải lưới lửa phòng không của ta, trận đánh ở vào thế giằng co quyết liệt. 

Tình hình trở nên khẩn trương, vấn đề quan trọng lúc này là phải tranh thủ thời cơ. Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định, trong lúc Quân đoàn 3 và lực lượng dự bị của Bộ Tổng tham mưu Ngụy chưa thể tăng viện, do đó cần nhanh chóng củng cố lực lượng, xốc lại đội hình và thay đổi cách đánh, đồng thời sử dụng lực lượng dự bị đang ở vòng ngoài là Trung đoàn 2 của Sư đoàn 9 tham gia chiến đấu. Ngày 31/12/1974, quân ta cô lập tỉnh lị Phước Long. Đến lúc này, Tổng thống Thiệu mới “khẩn cấp tổ chức cuộc họp bàn tính” việc giữ Phước Long, chấp nhận cho Tư lệnh Quân đoàn 3 Dư Quốc Đống từ chức, thay bằng tướng Nguyễn Văn Toàn. Nhưng, sáng ngày 01/01/1975, pháo của ta từ các hướng đã bất ngờ, đồng loạt bắn vào các mục tiêu quân sự kiềm chế hoàn toàn pháo binh địch, các mũi bộ binh được xe tăng dẫn đầu nhanh chóng thọc sâu, đánh thẳng vào Dinh Tỉnh trưởng, Ty Cảnh sát và Bộ chỉ huy Quân đoàn 3... Sau 25 ngày đêm chiến đấu, chiều 06/01/1975, quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, mở toang cánh cửa miền Đông Nam bộ nối với Nam Tây Nguyên đến Tây Nam bộ. 

Với Chiến thắng Đường 14 - Phước Long, lần đầu tiên chúng ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, đập tan mắt xích của tuyến phòng thủ cửa ngõ Sài Gòn, uy hiếp trực tiếp sào huyệt cuối cùng của địch. Sau khi mất Phước Long, chính quyền Mỹ (lúc này là Tổng thống Gerald Ford ) đã xin Quốc hội Mỹ bổ sung viện trợ cho chế độ Sài Gòn, nhưng mọi hy vọng của chính quyền Thiệu tan biến khi Người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố: “Tổng thống Gerald Ford không có ý định vi phạm những điều cấm của Quốc hội về việc sử dụng lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam”. Sự kiện để mất Phước Long cho thấy, Ngụy quyền Sài Gòn không đủ khả năng đối phó cùng một lúc với nhiều hướng tiến công của quân ta, còn Mỹ không thể can thiệp trở lại Việt Nam dưới mọi hình thức. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa như “trận mở màn trinh sát chiến lược”, là một trong những căn cứ quan trọng để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Gần bốn mươi năm sau ngày miền Nam giải phóng, là quãng thời gian có ý nghĩa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Biến vùng đất bom cày đạn xới thành những bản làng trù phú, đầy đủ điện, đường, trường trạm, nhiều hộ gia đình nhận đất nông lâm nghiệp, xây dựng trang trại chăn nuôi, thiết lập điền trang cao su, điều và vườn cây ăn trái. Phước Long của ngày nào, giờ đây đã mọc lên những phố xá bên cạnh trung tâm thương mại, cùng các khu công nghiệp và du lịch. Quả là như đồng chí Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng đã nói: “Những gì mà nhân dân Phước Long làm được là niềm tin” của cả Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Phước trong sự nghiệp phát triển đi lên.  

Tạm biệt Phước Long bên những rừng cao su đang mùa thay lá nhưng đã phớt nở nụ non hồng. Ngọn tháp truyền hình trên đỉnh Bà Rá như vẫy tôi nhớ ngày trở lại. Phước Long còn như cô gái tràn đầy sức sống… trước những ước vọng mùa Xuân.

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm