Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tranh luận “hút” doanh nghiệp tham gia dự án PPP: Sẽ đấu giá quyền thu phí dự án giao thông

Hương Giang

Thứ ba, 07/11/2023 - 09:48

(Thanh tra) - Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu nhiều giải pháp để “hút” doanh nghiệp đầu tư vào dự án giao thông. Trong đó, bộ trưởng nhấn mạnh cần đẩy mạnh đấu giá quyền thu phí dự án giao thông.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 7/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) tranh luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về triển khai các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.

Bà chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về khó khăn trong thu hút nhà đầu tư, nhưng chưa đồng tình với bộ trưởng về giải pháp chỉ nâng vốn Nhà nước tham gia dự án PPP để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.

“Quá tập trung vào nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công”, bà Chinh lo ngại.

Nhà nước cần cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP như mua lại các dự án nếu có lỗi của Nhà nước; cam kết cân đối vốn; chia sẻ khi giảm doanh thu.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang)

Các vấn đề này đã được quy định chi tiết trong Luật PPP. “Chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình mới thu hút được đầu tư tư nhân”, theo lời bà Chinh.

Ngoài ra, bà Chinh nhấn mạnh cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án; tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy.

“Thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau khi ban hành Luật PPP, chúng ta chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Theo bộ trưởng, hiện nay cả nước, đầu phương tiện có 5,2 triệu ô tô, trong đó, riêng Hà Nội và TP HCM chiếm xấp xỉ 50%. “Do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn”, ông Thắng nói.

Cạnh đó, có nhiều dự án hiện nay đang có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.

Ông Thắng dẫn chứng, có rất nhiều dự án BOT đến thời điểm phải tăng phí, được tăng phí theo hợp đồng nhưng chưa được phép tăng phí vì liên quan đến điều hành giá, chỉ số CPI.

Có dự án chưa được hoàn vốn, trong khi đằng sau các doanh nghiệp là các ngân hàng.

Bộ trưởng phân tích, khi các ngân hàng thấy rủi ro thì rất khó khuyến khích ngân hàng tham gia vào dự án. Nếu không có ngân hàng tham gia thì chắc chắn các doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện được bởi các dự án giao thông PPP có nguồn vốn rất lớn.

Đề cập đến giải pháp, ông Thắng cho hay, Bộ Giao thông Vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội.

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải đồng tình với đại biểu Chinh là tăng tỷ lệ vốn Nhà nước vào dự án PPP để thu hút đầu tư của doanh nghiệp “không phải yếu tố quyết định”.

Ông cho hay, theo kinh nghiệm trên thế giới, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia có thể 70%, 60%; thậm chí với dự án tốt có khả năng thu hồi vốn cao chỉ tham gia 20-30% thôi.

“Quan trọng cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, bộ này sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Ông đặc biệt nhấn mạnh cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.

“Đây là nội dung đã đặt ra và thực tế nhiều dự án có khả năng để đấu giá quyền thu phí để doanh nghiệp tham gia vào giai đoạn sau, Nhà nước rút vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Vốn Nhà nước tham gia dự án PPP nên “căn cứ tính chất từng dự án”

Sau trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Vũ Tiến Lộc bấm nút tranh luận về vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Ông Lộc nói, bộ trưởng cho biết, ở các quốc gia khác không quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước mà tùy theo tính chất của từng dự án, nhưng ở Việt Nam, Nhà nước vẫn tham gia khoảng 70%.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc tranh luận về vốn Nhà nước tham gia dự án PPP

“Với dự án PPP cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước bao nhiêu cho phù hợp. Như vùng khó khăn, xa xôi thì vốn Nhà nước cần tham gia nhiều”, ông Lộc nói.

Đại biểu Lộc đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, mà y tế, giáo dục cũng đang bế tắc.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết các nước không ấn định mức tối đa mà tùy vào tính chất của từng dự án cụ thể. Bộ cũng đang kiến nghị sửa luật PPP cho phù hợp trong thời gian tới để thu hút được nhiều nhà đầu tư PPP vào các dự án giao thông.

Ở vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã đồng ý thí điểm cho TP HCM, mở rộng danh mục và linh hoạt trong quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

“Chúng ta đã có nghị quyết đặc thù cho TP HCM. Trên cơ sở thí điểm, chúng ta sẽ tổng kết, nghiên cứu để hoàn thiện bổ sung Luật PPP”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Dự án giao thông “chuẩn bị vài tháng, giải ngân vài kỳ trung hạn”

Cũng tranh luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải, đại biểu Lê Hoàng Anh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) nói việc chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án giao thông chưa tốt.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải trả lời hầu hết dự án đều tốt, chỉ vướng mắc tại 3 dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long, song ông Hoàng Anh cho rằng không chỉ ở nhiệm kỳ này mà cả nhiệm kỳ trước, không chỉ dự án do bộ làm chủ đầu tư mà cả dự án địa phương thực hiện, việc chuẩn bị đều chưa tốt.

Ông Hoàng Anh đơn cử dự án ODA xây quốc lộ 19 qua Gia Lai đã hết hiệp định đến nay chưa hoàn thành, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cũng điều chỉnh thời gian thực hiện và 4/5 nguyên nhân do công tác chuẩn bị.

“Bộ trưởng có trả lời là các đơn vị thực hiện rất nghiêm túc nhưng thực trạng chuẩn bị không tốt dẫn đến phải điều chỉnh từ thời gian đến tổng mức đầu tư. Theo tôi nguyên nhân là do yếu kém, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu tầm nhìn, đánh giá sai thực tế”, ông Hoàng Anh nói.

Theo ông Hoàng Anh, kinh nghiệm quốc tế cho thấy dự án chuẩn bị dài, kỹ lưỡng 3-5 năm hoặc 10-20 năm nhưng giải ngân chỉ vài năm. Còn dự án ở Việt Nam chuẩn bị vài tháng, 1-2 năm nhưng giải ngân vài kỳ trung hạn.

Với bất cập đó, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tham mưu với Chính phủ đánh giá lại vấn đề này.

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để khắc phục "quy hoạch treo" Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho biết, tháng 9/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 82 tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy trình quản lý, sử dụng đất đai đô thị.  Điều này để khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như định cư của người dân.  Ông Định đề nghị bộ trưởng cho biết từ khi nghị quyết được ban hành đến nay, Bộ Xây dựng đã có những giải pháp gì khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”?  Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, sau khi có Nghị quyết 82, Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các nội dung trong nghị quyết.  Theo ông Nghị, bộ đã tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung hệ thông văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng… Qua đó, đã tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong cấp phép xây dựng tại dự án chậm thực hiện, Bộ Xây dựng cũng có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong thực hiện quy hoạch; yêu cầu các địa phương rà soát hủy bỏ quy hoạch quá thời hạn, không có tính khả thi; điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội; công khai quy hoạch.  “Bộ Xây dựng có kế hoạch để đưa vào chương trình xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới, trong đó có nhiều nội dung nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch “treo””, Bộ trưởng Xây dựng cho hay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm