Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Sẽ thay đổi tốc độ tối đa trên cao tốc từ 80 lên 90km/h”

Hương Giang

Thứ hai, 06/11/2023 - 21:42

(Thanh tra) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ đầu năm 2023 đã nghiên cứu và thấy rằng các tuyến đường cao tốc hiện quy định 80km/h có thể nâng lên 90km/h. Vì vậy năm 2024, dự kiến sẽ thay đổi tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90km/h.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Từ 14h50 ngày 6/11, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ về nhóm lĩnh vực thứ hai liên quan đến: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

3 dự án ở đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao

Nêu vấn đề, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nói: Nhiều dự án giao thông trọng điểm phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, cho thấy công tác chuẩn bị “không chính xác”.

Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là đã “chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học”, kể cả phương án dự phòng.

Trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện? Ông Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai.

“Về cơ bản các dự án triển khai tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít”, ông Thắng khẳng định.

Theo ông, chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 dự án tăng tổng đầu tư tương đối cao là cầu Rạch Miễu 2, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Mỹ An - Cao Lãnh.

Nguyên nhân là thời gian triển khai 3 dự án này đúng vào lúc dịch Covid-19 (2020-2021) bùng phát, dẫn đến công tác khảo sát chưa được triệt để. Ngoài ra, có nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc xem xét trách nhiệm trong việc này. Nhà thầu cũng bị chế tài xử phạt; Ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm.

“Chúng tôi đang triển khai kiểm điểm, xem xét trách nhiệm”, theo lời ông Thắng.

Trả lời chất vấn đề về việc có điều chỉnh tốc độ trên đường cao tốc không, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho hay, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ, 120-80-60-40 km/h. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật.

Nếu tuyến đường được đầu tư đồng bộ thì tốc độ có thể lên tới 120 km/h như Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, Cầu Giẽ - Ninh Bình; hoặc tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ 100 km/h.

“Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng các tuyến 80 km/h có thể nâng lên 90 km/h. Dự kiến đầu năm 2024, bộ sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc”, ông Thắng nói.

Cần có chương trình quốc gia xử lý những dòng sông chết

Quan tâm đến vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho hay Quốc hội yêu cầu có cơ chế chính sách giải quyết ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm ở đây chưa được giải quyết triệt để. “Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành hoặc tham mưu ban hành giải quyết ô nhiễm môi trường tại Bắc Hưng Hải như thế nào”, ông Tuấn Anh hỏi.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết bộ này đã phối hợp với các đơn vị kiểm tra ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải và thấy rằng để xử lý được cần có thời gian và nguồn lực.

Theo ông, Khánh, từ hệ thống thủy nông, đến nay hệ thống này phải gánh thêm nhiệm vụ xả thải nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, và một phần của Hà Nội.

Mỗi ngày, hệ thống Bắc Hưng Hải phải tiếp nhận 450-500 nghìn m3 nước thải. Nguồn xả thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý chất thải.

Hà Nội đang cố gắng xây dựng nhà máy xử lý nước thải nhưng chưa được nên quận Long Biên và huyện Gia Lâm vẫn xả thẳng ra hệ thống thủy nông này, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công an kiểm tra các khu công nghiệp, vùng công nghiệp và đã xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp xả thải không đúng quy định.

Đề cập đến giải pháp, ông Khánh cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Thủ tướng phải có một chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xử lý dòng sông chết, xử lý rác thải, nước thải

Cạnh đó, cần có cơ chế chính sách để có nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm