Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn: Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đơn vị được kiểm toán

Hương Giang

Thứ tư, 05/06/2024 - 10:53

(Thanh tra) - Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An là 2 doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, 2 tập đoàn này liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn: Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đơn vị được kiểm toán. Ảnh: P.Thắng

Lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 5/6.

Mở đầu, đại biểu Trịnh Minh Bình nói thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

Đại biểu Bình đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải vấn đề này và giải pháp khắc phục vấn đề này thời gian tới.

Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, theo quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, kết luận, kiến nghị việc quản lý tài chính công, tài sản công.

Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp quản lý tài chính công, tài sản công. Luật cũng quy định rõ 12 nhóm đơn vị này.

Đại biểu Trịnh Minh Bình chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

Ông nói thời gian qua xảy ra một số vụ án lớn, liên quan đến việc đấu thầu, cụ thể là vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu.

“Tôi khẳng định, hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Song theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, 2 tập đoàn trên có liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Còn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Ông Tuấn cho hay, trong kiểm toán về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ tài liệu của ban quản lý dự án, chủ đầu tư cung cấp, kiểm toán Nhà nước thu thập tài liệu, bằng chứng để kết luận tính trung thực, đúng đắn báo cáo tài chính.

Từ đó, xác định xem gọi thầu đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu.

“Quá trình kiểm toán, chúng tôi đã chỉ ra được những sai sót, kiểm nghị xử lý tài chính, hoàn thiện văn bản, đặc biệt là kiến nghị xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay.

Đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện kiến nghị do chây ì hay cơ chế?

Quan tâm đến việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu Ma Thị Thúy đặt vấn đề, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ cao (59%).

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy. Ảnh: P.Thắng

Kết quả này cho thấy, đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm tục kết luận kiểm toán.

“Đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết lý do vì sao. Do không có điều kiện khắc phục, do chây ì hay do vì cơ chế? Trách nhiệm, giải pháp khắc phục của ngành”, đại biểu chất vấn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, việc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán được các cơ quan hết sức quan tâm. Đặc biệt là sau khi Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “tiến độ và ý thức chấp hành kiến nghị kiểm toán cao hơn”.

Dù vậy, theo ông Tuấn, hiện vẫn còn hơn 67 nghìn tỷ đồng kiến nghị theo kết luận kiểm toán chậm được thực hiện và chia làm 4 nhóm nguyên nhân.

Nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm trên 59%; nhóm nguyên nhân thuộc bên thứ 3 chiếm trên 24 %; nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của Kiểm toán Nhà nước chiếm 0,4%.

Với nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán cao, ông Tuấn cho rằng, do ý thức trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện.

Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan do đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc vào hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị được kiến nghị đã giải thể phá sản, nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn phải theo dõi.

Đề cập đến giải pháp, Tổng Kiểm toán Nhà nước nói, với trách nhiệm của mình, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để làm sao kết luận kiểm toán được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội từ 9h sáng 5/6 đến 15h chiều cùng ngày.

Là trưởng ngành lần đầu tiên “ngồi ghế nóng”, ông Tuấn sẽ trả lời về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán cũng như giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán, cũng là nội dung chất vấn dành cho ông Ngô Văn Tuấn

Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ “chia lửa” cùng ông Tuấn để giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm