Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Từ Đại hội tỏa ra niềm tin mới, khí thế mới

Thứ tư, 19/01/2011 - 23:52

(Thanh tra)- Sáng qua (19/1), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành T.Ư khóa XI đã bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI.

Theo sự phát triển chung, tới đây cần phải có hoạt động chất vấn trong Đảng
Trước đó, tại phiên bế mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá X, Chủ tịch nước, điều khiển phiên bế mạc.

Đến dự phiên bế mạc có các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các đồng chí nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ các khoá; các đồng chí nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng các khoá II, III, IV, V; các đồng chí Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khoá XI; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các nhân sĩ, trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam và hơn 700 phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước đến dự đưa tin về Đại hội.


Mở đầu, đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, thay mặt Đoàn Thư ký Đại hội đọc danh sách 18 Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế vừa mới gửi thư, điện chúc mừng Đại hội. Như vậy, cho đến phiên bế mạc Đại hội đã nhận được 176 điện mừng của các chính Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội, đồng chí Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đối với tình cảm hữu nghị và hợp tác của các chính Đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội coi đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ quốc tế của Đảng ta; là sự ủng hộ, cổ vũ, động viên to lớn đối với công cuộc đổi mới của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Chủ tịch nước khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, đảng cánh tả, đảng cầm quyền và các chính đảng khác, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng, tiến bộ và bạn bè trên thế giới, vì tình hữu nghị và hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc.

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe đồng chí Đinh Thế Huynh, thay mặt Đoàn Thư ký đọc Báo cáo kết quả biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện Đại hội. Theo đó, về Dự thảo Cương lĩnh, đa số các ý kiến nhất trí với việc gọi tên cương lĩnh là “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung phát triển năm 2011”. Về đặc trưng kinh tế XHCN, đa số các ý kiến nhất trí với định nghĩa, “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.

Về kết quả lấy ý kiến đối với các vấn đề của Điều lệ Đảng sửa đổi lần này có một số điểm mới như: Tổng Bí thư làm Bí thư Quân uỷ T.Ư. Đồng chí Bí thư địa phương cũng là Bí thư Quân uỷ cùng cấp. Về tên gọi Đảng uỷ Quân sự T.Ư, Đại hội thống nhất với tên gọi Quân uỷ T.Ư…

Sau khi nghe đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội XI của Đảng, Đại hội đã biểu quyết với 100% ý kiến đồng ý thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa X, thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội đọc Báo cáo kết quả bầu Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khoá XI. Danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Ban Bí thư T.Ư Đảng gồm 4 đồng chí. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư gồm 21 đồng chí.

Sau khi Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI ra mắt Đại hội, đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X đã phát biểu ý kiến và tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI.

Phát biểu tại phiên bế mạc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XI. Nguyên Tổng Bí thư bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các ngành, các cấp cùng toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Đồng chí Nông Đức Mạnh cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, bầu bạn và nhân dân các nước anh em yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới trong thời gian qua đã hết lòng hợp tác và giúp đỡ Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc cũng như đối với cá nhân nguyên Tổng Bí thư trong việc thực hiện trọng trách của mình. Nguyên Tổng Bí thư tin tưởng, thành công của Đại hội sẽ mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ban Chấp hành T.Ư khoá XI do đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư sẽ đem lại sức sống mới cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI đã tặng hoa chúc mừng đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá X.


Đồng chí Ngô Văn Dụ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Trưởng Đoàn Thư ký Đại hội đọc Dự  thảo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đại hội đã biểu quyết với 100% ý kiến đồng ý thông qua.

Phát biểu bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội (2006 - 2010), là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối của Đảng ta theo tư tưởng đổi mới; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc ta trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít thách thức của cách mạng nước ta từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thay mặt Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau phiên bế mạc Đại hội XI của Đảng, sáng 19/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp báo, thông báo kết quả, thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam với đông đảo các nhà báo trong nước, quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Điều quan trọng là từ Đại hội này tỏa ra một niềm tin mới, một khí thế mới, sự đoàn kết đồng thuận và không khí dân chủ thực chất.

Trả lời câu hỏi của PV về triển khai chất vấn trong Đảng từ sau Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Hoạt động chất vấn là một trong những hình thức bảo đảm dân chủ. Cho đến nhiệm kỳ Đại hội X, T.Ư Đảng đã có chủ trương: Trong các Hội nghị của Ban Chấp hành T.Ư, ai có vấn đề gì cần chất vấn thì cứ nêu. Nhưng chất vấn trong Đảng khác chất vấn trên Diễn đàn Quốc hội. Chất vấn tại Quốc hội là những vấn đề sôi động hàng ngày, nóng bỏng, thiết thân với đời sống của nhân dân, liên quan đến an sinh xã hội. Còn tại T.Ư, là bàn những quyết sách lớn, những chủ trương chiến lược. Hiện nay, chất vấn chưa nhiều, nhưng sắp tới, theo sự phát triển chung thì cần phải có sự chất vấn trong Đảng. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng quy chế như thế nào, tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt một cách dân chủ, trao đi đổi lại thẳng thắn. Chất vấn có tác dụng rất tốt, chí ít là để cho đôi bên hiểu lẫn nhau, cùng gợi cho nhau những suy nghĩ, cùng thấy trách nhiệm và cùng tìm ra giải pháp.

Về câu hỏi: Tổng Bí thư sẽ quan tâm những lĩnh vực nào để tạo dấu ấn trong những năm tới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tôi làm gì không phải với mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng mình, cốt để tỏ ra ta là thế nào. Trách nhiệm của người cán bộ đảng viên là phải thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng, cứ làm cho tốt nghị quyết của Đảng là đã tốt rồi. Tuy nhiên, trong khi phát triển toàn diện, triển khai toàn diện các văn kiện, thì phải có trọng tâm trọng điểm. Chủ đề của Đại hội là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Trước hết, Tổng Bí thư và Ban Chấp hành T.Ư, toàn Đảng phải chăm lo xây dựng Đảng, đồng thời vấn đề này cũng đang được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Sắp tới, cùng với chăm lo xây dựng Đảng, phải hết sức coi trọng việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những bài học quan trọng rút ra từ ngày có Đảng Cộng sản Việt Nam đến bây giờ là xây dựng khối đại đoàn kết, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”; “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”... Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết là vấn đề chiến lược. Rồi đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, không chỉ kinh tế mà cả các lĩnh vực khác; đổi mới phương thức lãnh đạo của hệ thống chính trị; rồi hội nhập quốc tế, bây giờ không chỉ là hội nhập kinh tế quốc tế nữa mà là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điều quan trọng là trong 5 năm tới, từ nay đến năm 2015, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xa hơn, Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã chỉ ra 3 trọng tâm, đó là phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở, thể chế. Xa hơn nữa, đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Tổng Bí thư khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho CNXH và từng bước đi lên CNXH, trước mắt là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, tức là kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trả lời câu hỏi về vấn đề nhân sự: Đại hội thảo luận dân chủ, nhưng phần lớn đại biểu trúng cử Ban Chấp hành T.Ư vẫn là do T.Ư chuẩn bị, Tổng Bí thư nêu rõ: T.Ư chuẩn bị là cả một quá trình rất công phu từ dưới lên, các cơ quan, tổ chức đã nghiên cứu, đề xuất, thẩm tra, đánh giá toàn diện, cung cấp thông tin, qua nhiều vòng giới thiệu, cuối cùng mới chốt danh sách, như vậy cũng là lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Đại hội giới thiệu bổ sung vẫn trúng, ngược lại có trường hợp T.Ư giới thiệu nhưng Đại hội không bầu. Công tác nhân sự đã được tiến hành rất dân chủ và khách quan. Đảng khuyến khích ứng cử, khuyến khích giới thiệu. Theo quan sát nhiều Đại hội, chưa khóa nào giới thiệu nhiều như lần này, số dư rất nhiều.
Tại cuộc họp báo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chánh Văn phòng T.Ư Nguyễn Văn Thạo đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong nước và nước ngoài về những chủ trương, quyết sách lớn nhằm ứng phó với các thách thức kinh tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; về bảo đảm thực hiện quyền con người; chống tham nhũng...

Danh sách Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí

1. Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư khóa X
2. Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
3. Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Thủ tướng Chính phủ
4. Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
5. Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an
6. Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh
7. Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng khoá X, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư
8. Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, Chủ tịch Quốc hội
9. Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, Bí thư Thành uỷ Hà Nội
10. Trần Đại Quang, Ủy viên T.Ư Đảng khoá X, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an
11. Tòng Thị Phóng, Bí thư T.Ư Đảng khoá X, Phó Chủ tịch Quốc hội
12. Ngô Văn Dụ, Bí thư T.Ư Đảng khoá X, Chánh Văn phòng T.Ư
13. Đinh Thế Huynh, Ủy viên T.Ư Đảng khoá X, Tổng Biên tập Báo Nhân dân
14. Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên T.Ư Đảng khoá X, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Ban Bí thư T.Ư Đảng gồm 4 đồng chí
1. Đồng chí Ngô Xuân Lịch
2. Đồng chí Trương Hòa Bình
3. Đồng chí Hà Thị Khiết
4. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư gồm 21 đồng chí. Đồng chí Ngô Văn Dụ giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Phương Hiếu - Quỳnh Hoa - Nguyễn Sự

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm