Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tôn vinh Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Thứ sáu, 08/11/2013 - 22:25

(Thanh tra) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thảo Nguyên

Tối 8/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 9/11. Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tại buổi lễ, khẳng định Hiến pháp là đạo luật cơ bản, là hình thức pháp lý cao nhất thể hiện tư tưởng, đường lối, cương lĩnh của Đảng, ý chí, nguyện vọng và những lợi ích cơ bản của nhân dân, Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ. Đồng thời đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế…

Ngày Pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “Đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp 1946 quy định. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật….

Năm 2013, năm đầu tiên Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng nêu trên, vừa là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đến nay hầu hết các Bộ, ngành và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành, đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật bằng rất nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo.

Điểm nhấn về nội dung của Ngày Pháp luật năm 2013 là tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và nhất là những đạo luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Các thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực như bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo… đã được các Bộ, ngành, địa phương chọn để tuyên truyền, phổ biến trong dịp này.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam đã phát biểu hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm