Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thường vụ Quốc hội đề xuất trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Hương Giang

Thứ tư, 22/05/2024 - 05:30

(Thanh tra) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định trích lại một phần tiền xử phạt vi phạm cho cảnh sát giao thông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất trích lại tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông. Ảnh minh họa: Nguồn ảnh: Tạp chí Công thương

Tiếp tục chương trình kỳ họp 7, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5.

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 6, dự thảo luật mới đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung quy định liên quan đến việc Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Khoản trích này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật.

Cụ thể Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Luật bổ sung quy định: “Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông”.

Trước đó, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 quy định: “Lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật…”.

Đến Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 3 đã bỏ đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông này.

Uống rượu, bia gây ra khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm

Về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Điều 10 Dự thảo Luật, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng chỉ rõ ưu điểm, hạn chế của quy định này.

Về ưu điểm, đây không phải nội dung mới, mà được kế thừa của quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Quy định cấm này nhằm phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội, vì đa số người sử dụng rượu, bia đang trong tuổi lao động, là trụ cột của gia đình.

Cho biết quy định cấm được đông đảo nhân dân đồng tình, các nhà khoa học ủng hộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn thông tin việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 30 căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gián tiếp tác động gây ra hơn 100 căn bệnh khác đối với người sử dụng.

Trong khi, nồng độ cồn nội sinh, đến nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm. Nếu xảy ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệnh kết quả xử lý.

Vẫn theo cơ quan thường trực của Quốc hội, quy định hiện hành về cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam vẫn đang ở mức cao.

Hơn nữa, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.

“Nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi bị ép uống, khó làm chủ bản thân”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định ngưỡng cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe để bảo vệ người dân

Hạn chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra nếu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn là tác động, ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương và thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam.

Cạnh đó, làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đồ uống có cồn, nguồn thu ngân sách của Nhà nước và thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở này

Góp ý vào nội dung này, một số ý kiến đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, ưu điểm của việc quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân được điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Việc này cũng không làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, nên không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đồ uống có cồn và thu nhập của những người làm việc tại các cơ sở này.

Nhưng hạn chế là có thể làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, nội dung này còn ý kiến khác nhau nên có 2 phương án được thiết kế để xin ý kiến nhưng hầu hết đại biểu nhất trí với phương án cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo tổng quan ngành Bia Việt Nam những tháng đầu năm 2023 cho thấy mức tiêu thụ bia tính đến năm 2022 của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới, đứng đầu toàn khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản).

Ngành Rượu cũng đang phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các ngành hàng như du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, tạo công ăn việc làm trực tiếp và cả gián tiếp cho nhiều người lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cà Mau: Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính

Cà Mau: Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác cải cách hành chính (CCHC); công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát được tăng cường; ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC từng bước được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc…

Thùy Dương

09:04 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm