Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thường trực Ban Bí thư: Cán bộ phải làm “tròn vai”, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn

Hương Giang

Thứ ba, 06/12/2022 - 18:13

(Thanh tra) - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh phải kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ; kiên trì thực hiện phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: Đ.X

Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6  khóa XIII đã hoàn thành yêu cầu đề ra chiều ngày 6/12.

Phát biểu kết luận, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi thêm một số nội dung mang tính tư tưởng chỉ đạo, có tính thời sự cao, đặc biệt là 2 nghị quyết: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

Cấp trên trả lời làm "theo quy định của pháp luật" là không đầy đủ trách nhiệm

Theo Thường trực Ban Bí thư, yêu cầu đặt ra là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước; khắc phục cho được tình trạng “cấp dưới hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung, không rõ trách nhiệm khi có vướng mắc”.

“Chuyện của mình mà cứ đi hỏi cấp trên là hoàn toàn không đúng rồi. Nhưng khi vướng mắc, người ta hỏi cấp trên, hỏi các bộ, ngành, mà các đồng chí để 3 tháng hay 5 tháng, thậm chí 6 tháng trả lời một câu là đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật lại càng không đúng”, ông Thưởng nói và cho rằng, cách trả lời như vậy là không đầy đủ hết trách nhiệm.

Không chỉ thế, theo ông, hiện còn có tình trạng cấp trên “với xuống” chỉ đạo công việc của cấp dưới; hay cấp dưới “đẩy việc” của mình lên cấp trên.

Cho nên, trong nhiệm kỳ này, ngoài phân cấp, phân quyền còn đòi hỏi làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước để làm sao ai cũng ý thức được quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của mình cho đúng, để mỗi người “làm tròn vai”.

“Cấp trên, tổ chức thì giám sát, kiểm tra, anh làm đúng thì tôi khen, anh không làm đúng thì phê bình, anh mà không làm thì đưa người khác về làm thay. Phải giải quyết được để sau mỗi người làm tròn vai”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, và nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đúng vai, thuộc bài”.

Cạnh đó, là nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu, giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc “quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”.

Chẳng có nơi đâu “từ chức được nâng lên mức trở thành văn hóa cả”

Thường trực Ban Bí thư cũng đề cập đến công tác cán bộ. Theo ông, một lần nữa, Trung ương khẳng định quyết tâm cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đề cao tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đồng thời, nhấn mạnh phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Ông Thưởng cho hay, phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” không phải bây giờ nghị quyết mới nói, mà đã được đề cập từ hơn 20 năm trước. Nhưng cơ bản là chưa thực hiện được.

“Lên thì khó nhưng xuống cũng không dễ, thậm chí còn khó hơn. Vào cũng khó, cũng quy trình 5 bước, rồi mấy lên, mấy xuống, nhưng đưa ra cũng toát mồ hôi hột, khó”, Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn.

Vì vậy, thực hiện phải kiên trì, đặc biệt là sau khi có quy định về từ chức, miễn nhiệm và chủ trương bố trí lại cán bộ sau kỷ luật kết luận thì bước đầu đã giải quyết được một số trường hợp. Điều này, được dư luận đánh giá cao.

Ông Thưởng cho hay, qua nghiên cứu một số thể chế chính trị khác thấy, “chẳng có đâu từ chức được nâng lên mức trở thành văn hóa cả”. Người ta từ chức thường rơi vào hai việc: Một là có sai lầm trong công tác; hai là có sức ép trong nội bộ đảng của họ và sức ép của dư luận.

Từ đó, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, chúng ta cũng phải đặt ra một sức ép trong đảng, trong xã hội, trong tổ chức để cán bộ từ chức khi có khuyết điểm, sai phạm.

Ông dẫn lại việc, vừa qua một số ủy viên Trung ương bị kỷ luật cảnh cáo, nếu nhiệm kỳ trước là vẫn tại vị, hết nhiệm kỳ nhưng hiện nay cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Hay có chủ tịch tỉnh từ chức đề đảm nhận nhiệm vụ thấp hơn theo tinh thần “ngã chỗ nào, đứng dậy chỗ đó, cố gắng làm và nỗ lực khắc phục khó khăn”.

“Đó cũng là một cách theo văn hóa của Việt Nam. Nó là sức ép từ tổ chức, từ dư luận xã hội để công việc tốt hơn lên. Tôi tin rằng, với xu hướng này, sắp tới sẽ tốt hơn”, Thường trực Ban Bí thư nhận định và nhấn mạnh, nghị quyết lần này đã nêu là phải kịp thời bố trí lại cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ.

Không chỉ đẩy khó cho người dân, mà còn “đẩy khỏi phòng mình”

Ông cũng đề cập đến tâm lý sợ trách nhiệm, ngại trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên.

“Nhiều người dân nói, đôi khi cán bộ vì sự an toàn của mình mà đẩy hết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có đồng chí còn nói, không phải chỉ là đẩy cho doanh nghiệp, người dân đâu, mà còn đẩy ra khỏi phòng mình nữa. Đẩy được là cứ đẩy, qua phòng bên cạnh cũng được”, ông Thưởng cho hay.

Theo ông, vấn đề này phải sửa và muốn sửa thì phải trở lại “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước phải rõ để việc anh làm không thể chối được”.

Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh phải xác định trách nhiệm trong các khâu xây dựng văn bản, nhất là văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật.

“Nhiều vấn đề có hậu quả, chúng ta nói là tại luật quy định như thế. Bây giờ phải truy tới tiếp nữa, vậy luật lúc trình là trình như thế nào, cơ quan trình luật không có chất lượng hay cơ quan thẩm định và nút thông qua có sơ sót. Phải tới mức độ đó”, ông nói.

Ông Võ Văn Thưởng cho biết thêm, vừa rồi một số nghị quyết có kế hoạch của Bộ Chính trị, yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương giám sát ngay trong quá trình thực hiện để làm sao thể chế hóa đúng những nghị quyết mà Đảng đã ban hành.

Sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng được yêu cầu tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết của Trung ương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm