Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 06/12/2022 - 17:38
(Thanh tra) - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh công nghiệp mũi nhọn sẽ không còn ưu đãi theo diện rộng, dàn trải như trước đây. Thay vào đó, sẽ tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 6/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã truyền đạt nghị quyết 29 “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.
Có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu
Theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá toàn diện các kết quả đạt được trong 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.
Trong đó, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Minh chứng là quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng 3,1 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD, vượt mục tiêu của chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200 - 3.500 USD).
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020; tỉ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động toàn xã hội giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020.
Cạnh đó, ngành dịch vụ phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Đô thị hóa tăng nhanh, không gian đô thị được mở rộng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta thời gian qua.
Đó là, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành với nhiều tiêu chí không đạt được. Tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. “Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tụt hậu là nhãn tiền”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài...
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030
Nghị quyết 29 đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo và xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030.
Theo ông Trần Tuấn Anh, nghị quyết chỉ rõ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao.
Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến.
Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Trên cơ sở đó, Trung ương đưa ra tầm nhìn đến năm 2045, “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nghị quyết đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính với 25 chỉ tiêu cụ thể.
Trong đó, nghị quyết nêu rõ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP….
Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, theo ông Tuấn Anh, nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.
Nghị quyết xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước...
Giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hoá và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Trung ương cũng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Ông Trần Tuấn Anh phân tích, Trung ương đặt ra 7 nhóm nội dung cần đẩy nhanh thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó bao gồm việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó là rà soát hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Ông Trần Tuấn Anh đặc biệt lưu ý, công nghiệp mũi nhọn sẽ còn ưu đãi theo diện rộng, dàn trải như trước đây. Thay vào đó, sẽ tập trung vào các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn.
Nhấn mạnh giải pháp xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Trung ương Đảng đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Made in Vietnam 2045); chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.
Trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn.
Cụ thể gồm: Công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá; công nghiệp văn hoá...
Ngoài ra, Trung ương yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhanh, bền vững...
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân