Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 20/05/2025 - 16:49
(Thanh tra) - Dẫn chứng vụ Trương Mỹ Lan, ngân hàng SCB, đại biểu Quốc hội nêu, khi người ta biết chắc không bị tử hình, thì hiệu quả thu hồi tài sản có đạt được mục tiêu?
Chiều ngày 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm là dự thảo luật đề xuất bỏ tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh.
8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà nước; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội gián điệp; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ.
“Hy sinh đời bố, củng cố đời con” diễn ra khá phổ biến
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, tội nhận hối lộ, nhất là trong bối Đảng, Nhà nước đang đấu tranh rất mạnh mẽ với tham nhũng.
Ông Sang cho rằng, tham ô, nhận hối lộ không chỉ dừng ở lĩnh vực công mà đã xâm chiếm cả sang lĩnh vực tư.
Dẫn chứng vụ án Trương Mỹ Lan, ngân hàng SCB, ông Sang nói, trong vụ án này dù kết án tử hình nhưng sợ vẫn khắc phục hậu quả, mong giảm án. “Trường hợp biết chắc không bị án tử hình thì hiệu quả thu hồi tài sản có như mong muốn không”, đại biểu nêu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, tội nhận hối lộ. Ảnh: Đ.X
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho hay, ông không đồng ý bỏ tử hình với tội: tham ô, nhận hối lộ.
“Khi tiếp xúc cử tri, người dân nói họ muốn xử thật nặng người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ. Đây là tội gây phản cảm lớn trong dư luận xã hội”, ông Hòa nói.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu thực tế, trước đây, tòa tuyên án tử hình một trường hợp tham ô, nhưng sau đó người phạm tội khắc phục hậu quả nên được giảm án.
Mới đây, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, tòa tuyên bà Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, sau đó, bà Lan đã khắc phục hậu quả, mong được giảm án.
“Trên cơ sở đó, tôi không muốn bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản. Hiện tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đang diễn ra khá phổ biến nên người dân không thể nào chấp nhận được hành vi này”, đại biểu Hòa nói.
Theo ông Hòa, quy định án tử hình để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng tham ô, nhận hối lộ, khiến đối tượng phạm tội “hoảng hồn” khi bị tuyên tử hình mà tự nguyện khắc phục hậu quả.
Buôn bán thuốc giả rất bức xúc, không thể bỏ hình phạt tử hình
Với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Sang cũng đề nghị không bỏ tử hình. Bởi, theo ông, để hành vi mua bán trái phép chất ma túy thành công, thì người vận chuyển đóng vai trò đồng phạm quan trọng nhất.
Ông cho hay, dù đã quy định hình phạt cao nhất với loại tội phạm này nhưng số lượng mua bán, vận chuyện ngày càng tăng, có những vụ thu giữ hàng tạ, hàng tấn ma túy.
“Nếu bỏ tử hình với loại tội phạm này, không khéo Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển ma túy ra nước ngoài”, ông Sang bày tỏ lo lắng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Đ.X
Ông Hòa đánh giá, tình trạng vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy diễn ra càng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhiều đối tượng rất cực đoan, có vũ khí nóng để chống đối cơ quan chức năng. “Không thể tha với tội này”, theo lời ông Hòa.
Nội dung nữa, đại biểu Sang không đồng tình bỏ hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Theo ông, thời gian qua, nhiều đường dây mua bán hàng giả là thuốc với số lượng lớn được cơ quan chức năng phát hiện.
“Những kẻ này kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh và tác hại thì vô cùng lớn, không thể đánh giá được”, ông Sang nhấn mạnh.
Ở tù suốt đời không giảm án thì “tử hình chết luôn cho rồi”
Ở cách tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) ủng hộ lập luận của ban soạn thảo vì dù bỏ hình phạt tử hình nhưng vẫn đảm bảo cách ly hoàn toàn người phạm tội ra khỏi xã hội bằng hình thức phạt tù chung thân không giảm án. Việc này vẫn đạt mục đích trừng trị tội phạm, theo ông Dũng.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định). Ảnh: P.Thắng
Việc bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, theo ông Dũng, vừa đảm bảo quyền được sống, phù hợp tính nhân văn của các nước trên thế giới, vừa giảm số phạm nhân chờ tử hình, tạo thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, xu hướng các nước hiện nay đã bỏ hình phạt tử hình, một số nước giữ nhưng không thi hành, không áp dụng trên thực tế, còn một số nước thay tử hình bằng chung thân hoặc chung thân không xét giảm án.
Ủng hộ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, theo bà Hoa, khi bỏ hình phạt tử hình, phải có hình phạt thay thế đảm bảo nghiêm khắc, răn đe cao, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân đạo.
Điều bà Hoa và một số đại biểu băn khoăn là với quy định như dự thảo luật, hình phạt tù chung thân không xét giảm án không khác gì hình phạt tù chung thân.
Với quan điểm hình phạt tù chung thân không xét giảm án phải “nhẹ hơn tử hình, nặng hơn tù chung thân”, bà Hoa cho rằng, quy định về điều kiện giảm án với tù chung thân không xét giảm án phải chặt chẽ và hãn hữu.
Theo bà, nếu không có quy định về điều kiện giảm án, nhiều người phạm tội sẽ có tâm lý bất mãn. “Phải cho người ta tia hy vọng để họ hướng tới cải tạo tốt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa thì đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cho rõ: không xét giảm án không lẽ là ở tù suốt đời?
“Nếu ở tù suốt đời thì thôi tử hình chết luôn cho rồi. Tôi đề nghị vẫn phải xét giảm án, căn cứ vào mức độ người phạm tội khắc phục hậu quả, hoàn thành tốt việc chấp hành án”, ông Hòa nêu quan điểm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình Thường trực Ban Bí thư ký các quyết định chỉ định nhân sự bí thư 23 tỉnh, thành mới. Còn Đảng ủy Chính phủ được giao khẩn trương ban hành quyết định chỉ định chủ tịch sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua chủ trương.
Hương Giang
(Thanh tra) - Ngày 21/6, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 39 điểm cầu trong toàn tỉnh nhằm chỉ đạo triển khai, vận hành thử nghiệm hoạt động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Chính Bình
Chính Bình
Anh Huy - Hải Lương
Anh Huy - Hải Lương
Anh Huy - Hải Lương
Văn Thanh
Hương Giang
Chính Bình
Kim Thành
Trọng Tài
Văn Thanh
Minh Nghĩa
Anh Huy - Hải Lương
Chính Bình
Cao Huân
Trọng Tài