Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Tham gia các FTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo rủi ro, thách thức”

Hương Giang

Thứ hai, 12/10/2020 - 19:40

(Thanh tra) - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro, thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: HH

Chiều ngày 12/10, sau khai mạc phiên họp thứ 49, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo chuyên đề giám sát “việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên”.

FTA giúp duy trì tăng trưởng cao

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát.

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.

Theo ông Giàu, việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đơn cử, kể từ năm 2004 đến nay, tốc độ tăng bình quân xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và các đối tác thương mại FTA đều đạt mức 2 con số, trong đó, Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ là 4 đối tác có tốc độ tăng trị giá xuất nhập khẩu trung bình năm cao hơn 20%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA ngoài Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc - New Zealand, Chile và Liên minh kinh tế Á - Âu) năm 2019 đạt 123,11 tỷ USD.

Cán cân thương mại toán tổng thể liên tục duy trì trạng thái thặng dư nhờ cán cân thương mại xuất siêu và luồng vốn đầu tư vào Việt Nam gia tăng một cách nhanh chóng, dự kiến năm 2020 cán cân thương mại xuất siêu đạt khoảng 20 tỷ USD.

Việc tham gia các FTA thu hút đầu tư, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Riêng việc tham gia CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 22.000 lao động.

Nâng khả năng cạnh tranh cho những ngành lợi thế

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP, FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, là thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như trong thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như lao động, công đoàn, môi trường.

“Xu hướng các nước đối tác, nhất là các nền kinh tế phát triển, ngày càng lồng ghép các điều khoản có “tiêu chuẩn cao” trong các FTA”, ông Giàu nói.

Để tận dụng tối đa những lợi ích từ các FTA, Đoàn Giám sát đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, “cần có chính sách thúc đẩy nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn”.

Song song với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, việc tham gia FTA là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Song, bên cạnh những lợi ích, cơ hội, việc tham gia FTA còn mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhất là với các doanh nghiệp trong nước.

Từ đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần phải có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia FTA; khơi dậy, phát huy năng lực doanh nghiệp trong nước. “Chúng ta thực hiện FTA trên cơ sở vừa bảo đảm ưu đãi, nhưng cũng phải tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước”, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Cũng trong chiều 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Theo chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết vướng mắc liên quan đến đất quốc phòng, an ninh.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, do đây là kỳ họp cuối năm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch năm 2021; Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021.

Cùng với đó, cho ý kiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10; báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020.

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn về công tác nhân sự, trong đó có việc bãi nhiễm đại biểu quốc hội và miễn nhiệm thành viên Chính phủ nhận nhiệm vụ khác…

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2020, tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 20-27/10. Đợt 2 từ ngày 2-17/11.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm