Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tất cả kiến nghị của cử tri đã được giải quyết đúng thời hạn

Thứ ba, 15/11/2016 - 09:21

Sáng 15/11, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội nghe Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri 

Báo cáo cho thấy từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, kiến nghị không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị. 

Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề chính: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, quản lý xây dựng; tài nguyên và môi trường; xây dựng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp… Toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết. Tính đến hết ngày 30/9/2016 đã có đầy đủ 914 văn bản trả lời gửi đến các cử tri đúng quy định (đạt 100%). 

Trong công tác lập pháp, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật “khung”, luật “ống”; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, hạn chế tình trạng luật phải chờ các văn bản hướng dẫn. Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một số dự án luật mà cử tri kiến nghị nhiều, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân như Luật Quy hoạch, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật về Hội, Luật Du lịch, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo… 

Trong các hoạt động giám sát, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch giám sát gắn với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và với những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm. Các kết luận giám sát thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế, từ đó yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết tốt hơn những yêu cầu, kiến nghị của cử tri. 

Tuy nhiên, một số trường hợp, các cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm, tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật; chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở, làm căn cứ thực tiễn để xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. 

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm, kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát như: giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên. 

Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả giám sát còn chưa cao. 

Báo cáo kết quả giám sát cho thấy sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ, các thành viên Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng đã nỗ lực trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri. 

Tại kỳ họp này, 100% các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định, khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri (Tại kỳ họp trước, các kiến nghị được trả lời cử tri đúng thời gian quy định chỉ đạt 65,67%). Các kiến nghị của cử tri đã được thông tin, giải trình, trả lời cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn trước, được cử tri đồng tình, đánh giá cao. 

Các bộ, ngành đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều kiến nghị của cử tri để ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

Tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu giải quyết dứt điểm dưới dạng ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chiếm 20,56 %, cao hơn so với kỳ họp trước (19,09%). 

Bên cạnh đó, việc rà soát để giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước được các bộ, ngành tích cực giải quyết. 

Đến nay, 119 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; chế độ chính sách đối với Thanh niên xung phong; kéo dài thời hạn cho vay mua nhà ở từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng... 

Ngoài ra, các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm. 

Bên cạnh kết quả đạt được, một số văn bản đã được ban hành nhưng chất lượng văn bản vẫn còn hạn chế, tình trạng văn bản mới ban hành nhưng không phù hợp với thực tiễn phải xem xét sửa đổi, bổ sung còn chưa được khắc phục điển hình như: Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; cá biệt có văn bản ban hành còn có nội dung trái với quy định của pháp luật, cụ thể như Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính, trong đó có nội dung cho phép người có trách nhiệm đối thoại được phép ủy quyền đối thoại, trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2 là trái với quy định trong Luật Khiếu nại hiện hành. 

Ngay sau khi vấn đề này được nêu tại phiên họp ngày 5/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi và ban hành Thông tư 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10 sửa đổi nội dung không đúng nêu trên để đảm bảo phù hợp với Luật Khiếu nại hiện hành. 

Cần giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng 

Báo cáo của Ủy ban dân nguyện Quốc hội khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội, cơ quan của Quốc hội nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; đổi mới các hình thức giám sát, tăng cường hiệu quả và chất lượng của các hoạt động giám sát, sau giám sát; trong đó, đặc biệt quan tâm giám sát các nội dung có liên quan đến hai lĩnh vực mà đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị qua nhiều kỳ họp, đó là iágm sát việc quản lý, sử dụng ngân sách; Giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. 

Các Đoàn đại biểu Quốc hội cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri, bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đồng thời công khai kết quả giải quyết kiến nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri theo dõi, giám sát. 

Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành; rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung 75 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng cử tri phản ánh còn chưa chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, rà soát, giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị tồn đọng này. 

Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đã kiến nghị qua một số kỳ họp Quốc hội: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; Vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép.

Theo TTXVN/VIETNAM+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm