Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tài sản công: Luật phải mạnh để đẩy lùi lãng phí, tham nhũng

Thứ ba, 01/11/2016 - 13:23

(Thanh tra)- Ngày 31/10, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ. Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, dự luật phải đủ mạnh, tạo lập cơ sở pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng…

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, có nhiều trụ sở bỏ trống mấy chục năm để lãng phí nhưng không thu hồi được. Ảnh: TN

Tổng giá trị tài sản Nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng

Theo Cơ sở Dữ liệu quốc gia, tổng giá trị tài sản Nhà nước đến 31/7/2016 là hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó, tại các cơ quan Nhà nước hơn 281 nghìn tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp hơn 718,5 nghìn tỷ đồng, tại các tổ chức hơn 37,6 nghìn tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản Nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

“Hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao, vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra”, Bộ trưởng nói.

Vì vậy, nhiều ĐBQH đồng ý quan điểm, xây dựng dự án luật phải đủ mạnh, tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công.

Cùng với đó, phải khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Các bộ đều muốn có trụ sở riêng

Liên quan đến phương thức đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung. Một số ý kiến nhất trí với dự thảo luật, theo đó tiếp tục duy trì thực hiện quản lý trụ sở làm việc theo mô hình phân tán như hiện nay.

Theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, quản lý tập trung hay trụ sở tập trung là khác nhau. Hiện có một số mô hình khu hành chính tập trung, nên phải có đánh giá tác động như thế nào từ thực tế. “Có ý kiến đề nghị giao một bộ làm đầu mối quản lý các trụ sở ở Trung ương, tôi chưa hình dung quản lý thế nào, đẻ thêm bộ máy, cần làm rõ thêm”, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh nói.

Bà Tâm cũng nêu lên bất cập trong việc quản lý trụ sở (cơ sở 2) của các bộ, ngành tại các tỉnh, thành và kể: “Trước đây Chính phủ có ý tưởng xây khu tập trung cho các cơ quan Trung ương có cơ quan đại diện ở phía Nam nhưng không thực hiện được vì các bộ không ai muốn, ai cũng có một trụ sở riêng”.

Còn việc thu hồi tài sản công không sử dụng để lãng phí, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng là câu chuyện muôn thủa. TP Hồ Chí Minh có nhiều trụ sở bỏ trống không phải 2 năm mà mấy chục năm không làm gì cả, nhưng không thu hồi được. “HĐND đi giám sát thấy thực tế này và đề nghị thu hồi để làm bệnh viện, trường học nhưng không được. Kể cả TP đưa đất, ứng vốn để xây dựng nhưng sau đó đề nghị giao lại trụ sở cũng không được”, bà Tâm đề nghị luật phải chế tài đủ mạnh để xử lý được.

Nói về điều cấm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) lưu ý, dự luật quy định “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức” là chưa đầy đủ vì có những “anh không chiếm đoạt nhưng để người khác chiếm đoạt”. Cho nên, cần phải cấm cả hành vi này mới chặt chẽ. Tương tự, nên quy định cấm “chiếm hữu, sử dụng trái phép tài sản công hoặc để người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật” sẽ đầy đủ hơn.

Cũng theo ông Nghĩa, trong quản lý, sử dụng tài sản công, quy định vừa theo pháp luật, vừa theo thị trường thì không rõ vì không được tùy tiện bán, chuyển nhượng. Ông dẫn ví dụ, trước cổ phần hóa, tài sản công không được xác định theo thị trường, nhưng sau cổ phần hóa lại được định giá theo thị trường, doanh nghiệp được lợi rất nhiều.

“Có dư luận cho rằng, mất rất nhiều tài sản công qua cổ phần hóa. Nếu doanh nghiệp nào không có ưu đãi nhất định thì không chịu cổ phần hóa, cứ “ngâm” hoài”, ông Nghĩa nêu và đề nghị cần quy định rõ tài sản công nào được chuyển nhượng theo nguyên tắc thị trường.

Tài sản công đưa vào kinh doanh, tiền rơi vào túi ai?

Dự thảo luật quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc (ĐBQH tỉnh Nghệ An), nếu quy định như vậy sẽ có tình trạng chạy theo lợi ích. “Mà chạy theo lợi ích thì khi lập dự toán, đáng ra công trình chỉ làm 2 tầng, người ta sẽ lập ra 5 tầng, đáng ra 2.000m2 nhưng lập dự toán 5.000m2 để cho thuê. Cho thuê thì sau này sử dụng tiền này như thế nào? Quy định này sẽ không an toàn trong quá trình sử dụng, quản lý tài sản công”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ĐBQH tỉnh Lai Châu) cũng nhấn mạnh: “Nhiều tài sản của các cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, rất nhiều nơi sử dụng đất đai, sử dụng nhà cửa, thậm chí kể cả vỉa hè ở các TP lớn, nhưng tiền thu được vào đâu, vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, tài sản công được ra hoạt động có tính chất kinh doanh đều phải được kiểm soát ở các góc độ khác nhau. “Doanh nghiệp hạch toán kế toán, quản lý qua hệ thống thuế, các cơ quan sự nghiệp kinh doanh cũng thế. Nếu không, tài sản công lớn, khai thác rất mạnh, nhưng tiền không vào Nhà nước”.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm