Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 04/01/2012 - 09:42
(Thanh tra) - Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện quý báu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân và các bạn đồng nghiệp, kế thừa và phát huy truyền thống của lớp cha anh đi trước, con thuyền Báo Thanh tra bước sang tuổi 20 đã có bước phát triển nhanh, khá toàn diện, chứa chan niềm tin và hy vọng!
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Thanh tra Thường trực Mai Quốc Bình trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Báo Thanh tra (ngày 16/4/2010)
Vượt lên khó khăn, thử thách
Nhớ lại những ngày đầu tiên với bao gian nan vất vả, khi mà tờ báo chỉ có 5 người, ra đời trong hoàn cảnh đất nước vừa chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, với những di chứng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng tập thể những người làm Báo Thanh tra đã đoàn kết, quyết tâm tìm ra lối đi cho riêng mình.
Thử thách đầu tiên của tờ báo chính là giấy phép. Ra đời trong bối cảnh Trung ương đang yêu cầu rà soát, sắp xếp lại hệ thống báo chí tuyên truyền nên việc xin phép ra đời một tờ báo mới không hề dễ dàng. Nhưng với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa – Thông tin và Thanh tra Nhà nước, quyết tâm của cả tập thể, Báo Thanh tra - Cơ quan ngôn luận của Thanh tra Nhà nước, diễn đàn của ngành Nội chính và toàn thể nhân dân đã ra đời.
Vui mừng với tờ giấy phép trong tay, 5 anh chị em phải đối mặt ngay với vấn đề “đầu tiên”. Bởi ngoài bầu nhiệt huyết, họ chỉ có trong tay chiếc máy chữ, vài cây bút bi. Ngoại trừ Tổng Biên tập và Trưởng Ban Biên tập, các anh chị em còn lại đều mới bước vào nghề báo. Vậy, làm sao có thể đáp ứng được nhiệm vụ chính trị là tiếng nói của Thanh tra Nhà nước, diễn đàn của ngành Nội chính và nhân dân? Làm sao tìm được chỗ đứng cho mình trong hệ thống báo chí Việt Nam?
Thế là tất cả bắt đầu đi tìm, bồi dưỡng, tổ chức đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài ngành, cả những người làm báo chuyên nghiệp đến những cán bộ thanh tra yêu thích viết báo. Các chuyên mục dần hình thành và gắn bó nhiều năm với tờ báo, được độc giả yêu thích như: “Thanh tra viên kể chuyện”, “Điều tra theo đơn thư”, “Hài đàm và phiếm luận”... Đến ngày 5/1/1992, tờ báo đã xuất bản số đầu tiên theo đúng kế hoạch, bằng chính sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo, sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài ngành Thanh tra.
Hai năm đầu, tờ báo xuất bản 2 tuần 1 kỳ với 8 trang in đen trắng. Tròn 2 năm sau, ngày 5/1/1994, Báo xuất bản 1 tháng 3 kỳ, giữ nguyên số trang in. Đến ngày 21/6/1994, Báo Thanh tra ra 1 tuần 1 kỳ, 12 trang, in 4 màu và đến ngày 5/1/1995, Báo xuất bản phụ trương Thanh tra Cuối tháng. Chất lượng, nội dung tuyên truyền của tờ báo được quan tâm đầu tư gắn liền với việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của độc giả.
Là tờ báo của một cơ quan trong Khối Nội chính Trung ương, Báo Thanh tra luôn nhận thức được vai trò và nhiệm vụ chính trị của mình, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tờ báo cũng đã phát huy hiệu quả trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực.
Nhiều độc giả hẳn vẫn còn nhớ những bài báo “Điểm nóng ở Quảng Lộc”, “Kinh nghiệm giải quyết điểm nóng ở Thanh Hóa” “Những việc làm trái ở Công ty Ô tô Thừa Thiên - Huế”, “Một vụ tiêu cực ở Bộ Y tế”, “Những hồ sơ gian và hàng tỷ đồng thất thoát”, “Sanh không thủng cá đi đằng nào”, “Những con mọt trong kho và những tên giữ kho vô trách nhiệm”…, đã góp phần giúp cho cơ quan chức năng “bịt những lỗ hổng” trong chính sách, đem lại những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, quản lý. Tiếp đó, các bài phóng sự điều tra như “Một vụ oan trái ít có”, “Khám phá hang ổ Đồng Bành”, “Tây Trang hôm nay” đã tạo tiếng vang lớn và đạt Giải Báo chí toàn quốc.
Trên mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng đầy sóng gió này, tờ báo còn non trẻ nhưng đã phải chịu những sức ép rất lớn từ chính những đối tượng bị phê bình trên mặt báo. Thậm chí có đối tượng đã dọa đốt cả trụ sở Báo. Nhưng tờ báo vẫn luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời các hoạt động của Đảng, Nhà nước; của Thanh tra Nhà nước và ngành Nội chính, tiếp tục khẳng định được vị thế và uy tín, được lãnh đạo Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin và Thanh tra Nhà nước biểu dương, khen ngợi.
Bước phát triển khá toàn diện
Từ những ngày đầu còn khó khăn cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đến nay Báo Thanh tra ngày càng đổi mới và có những bước chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt, nhất là giai đoạn từ năm 2004 trở lại đây. Báo liên tục hoàn thành thắng lợi các chương trình, kế hoạch công tác với chất lượng, hiệu quả cao. Tháng 1/2006, Báo tăng lên 2 kỳ/tuần, tháng 1/2007, Báo tiếp tục tăng lên 3 kỳ/tuần. Tháng 1/2008, Báo đã khai trương và đưa Báo Thanh tra điện tử vào hoạt động. Đầu năm 2011, bằng việc phát hành thêm ấn phẩm Thanh tra Chủ nhật, Báo tiếp tục tăng kỳ lên 4 kỳ/ tuần. Đến nay, cơ cấu ấn phẩm của Báo Thanh tra gồm: Báo Thanh tra thường kỳ phát hành 4kỳ/tuần, Báo Thanh tra điện tử và Báo Thanh tra Cuối tháng.
Song song với việc thực hiện tăng kỳ liên tục gấp 4 lần trong 5 năm, xây dựng và đưa Báo điện tử - một loại hình báo chí mới vào hoạt động, Ban Biên tập cũng rất chú trọng đổi mới chất lượng và nội dung tuyên truyền của tờ báo in. Các ấn phẩm mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ cuối năm 2008, kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thanh tra và đón nhận Huân chương Sao Vàng năm 2010 đã được đầu tư cao, bảo đảm có chất lượng tốt cả về hình thức và nội dung tuyên truyền.
Chương trình phối hợp với Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo được chú trọng đầu tư, đạt kết quả tốt. Tính định kỳ được duy trì nghiêm túc, bảo đảm đúng thời gian quy định. Từ ngày thành lập đến nay, tờ báo đã bám sát tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, tuyên truyền đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước; các hoạt động, công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, nhất là về công tác xây dựng thể chế, thanh tra kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Báo Thanh tra thường xuyên có bài được điểm báo trên chương trình “Chào buổi sáng” của Đài Truyền hình Việt Nam.
Những loạt bài phóng sự điều tra dài kỳ như: “Vĩnh Phúc: Của “trời cho” và một dự án “trò chơi”, “Ông “Tổng” ... sài sang”, “Nha Trang: Hành trình của một dự án trái luật”... đã gây ấn tượng tốt trong nhân dân và giành Giải Báo chí toàn quốc. Báo Thanh tra tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của mình, nhất là trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Hàng nghìn vụ việc sau khi Báo phản ánh đã được các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét và có phản hồi tích cực trên Báo.
Nếu những ngày đầu Báo chỉ có 5 cán bộ, phóng viên với 2 ban nghiệp vụ là Ban Biên tập và Ban Trị sự. Nay, Báo Thanh tra đã có 10 phòng, cơ quan, văn phòng đại diện tại các vùng miền trong cả nước, gồm: Phòng Trị sự, Phòng Tuyên truyền phát hành, Phòng Tòa soạn báo in, Phòng Báo điện tử, Phòng Phóng viên Thanh tra, Phòng Phóng viên Kinh tế - xã hội, Cơ quan đại diện phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện Thanh Hóa và Nam Bắc bộ tại thành phố Thanh Hóa, Văn phòng đại diện Bắc miền Trung tại thành phố Hà Tĩnh và Văn phòng đại diện Tây Bắc tại thành phố Việt Trì. Tổng số cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên nghiệp vụ là 118 người, hầu hết là cán bộ trẻ, dưới 35 tuổi chiếm gần 80%, có trình độ đại học và trên đại học trên 80%.
Các tổ chức chính trị, đoàn thể hoạt động khá toàn diện. Chi bộ của Báo ngày càng lớn mạnh và đã được nâng cấp thành Đảng bộ cơ sở với 5 chi bộ trực thuộc: Chi bộ Trị sự, Chi bộ Xuất bản, Chi bộ Phóng viên, Chi bộ Văn phòng đại diện và Chi bộ Cơ quan đại diện. Công đoàn bộ phận, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tại cơ quan cũng như đơn vị bạn, là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động của Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thanh tra Chính phủ. Hoạt động của Chi hội Nhà báo và Chi hội Cựu chiến binh ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Đội ngũ cộng tác viên, nhất là cộng tác viên trong ngành được củng cố và phát triển, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, tăng nguồn thu, tăng số lượng phát hành báo in và lượng bạn đọc truy cập báo điện tử, đọc báo trực tuyến.
Về tài chính, từ khi được chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động thường xuyên cuối năm 1999 đến nay, Báo đã ban hành và thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công hàng năm, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng các chế độ quy định của pháp luật với mức thu, chi năm sau đều tăng hơn so với năm trước. Doanh thu năm 2011 đạt gấp 14 lần năm 2004, bảo đảm đời sống cho 118 cán bộ, viên chức và người lao động. Báo hiện quản lý trụ sở làm việc riêng với đầy đủ các phòng chức năng, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được đầu tư, bảo đảm điều kiện làm việc, tác nghiệp cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên nghiệp vụ. Toàn bộ các cuộc họp của Báo đều được tiến hành trực tuyến.
Năm 1998, Báo đăng cai tổ chức Giải Cầu lông Cúp Báo Thanh tra lần thứ nhất cho cán bộ, công chức toàn ngành Thanh tra. Năm 2000, Báo tiếp tục tổ chức giải lần thứ hai. Từ năm 2006, theo quyết định của Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình, giải được tổ chức định kỳ hàng năm và đổi tên là Giải Cầu lông toàn quốc Báo Thanh tra với quy mô và chất lượng ngày càng cao. Giờ đây, Giải là sân chơi thể thao không thể thiếu của ngành Thanh tra - nơi cán bộ, thanh tra viên trên toàn quốc giao lưu, rèn luyện sức khỏe.
Báo đã xây nhà tình nghĩa tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thập tại Đà Nẵng, tặng 6 số tiết kiệm tình nghĩa cho 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là thân nhân của cán bộ, thanh tra viên. Báo cũng đang thực hiện phụng dưỡng suối đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bệc tại Quảng Trị, tham gia chương trình từ thiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm...
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và những thành tích trong công tác, nhiều năm liền Báo Thanh tra đã được tặng thưởng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Tổng Thanh tra tặng Cờ thi đua, Bằng khen. Năm 2009, Báo Thanh tra đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Hội Nhà báo Việt Nam tặng Giải C trình bày Báo năm 1996, Giải B Gian báo đẹp năm 2010.
Nhiều cá nhân của Báo liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua ngành Thanh tra, được Tổng Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, cá nhân đồng chí nguyên Tổng Biên tập Đặng Thu Viện đã được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Giải Báo chí toàn quốc năm 2000, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng chí Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bình đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Đồng chí Dương Thanh Tùng được Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường tặng giải A Giải Báo chí toàn quốc viết về môi trường năm 2007 cho loạt bài “Vĩnh Phúc: Của “trời cho” và một dự án “trò chơi”; giải B Giải Báo chí quốc gia năm 2010 cho loạt bài “Bức tử lòng đất” cùng nhóm tác giả Báo Thanh niên; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đoạt giải C Giải Báo chí quốc gia năm 2010 cho loạt bài “Nha Trang: Hành trình của một dự án trái luật”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đồng chí Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Đặng Kim Thanh, đồng chí Phó Tổng biên tập Nguyễn Văn Lương, đồng chí Hồ Tĩnh Tâm được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ban Biên tập Báo Thanh tra
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà