Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 02/07/2018 - 20:07
(Thanh tra)- “Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm thì làm sao xã hội phát triển được, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí - những người thực thi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu, cải cách đừng làm hình thức, đừng chỉ hô khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HG
Ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Không vì nhiều vụ kỷ luật mà “chùn bước” thực thi công vụ
Qua 1/2 chặng đường của năm 2018, con tàu kinh tế đã đạt tốc độ đáng khích lệ. Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,08%. Cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đều tăng cao hơn cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP, tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn, đi vào cuộc sống của chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Thu ngân sách Nhà nước tăng trên 14%, xuất khẩu tăng trên 6%, tiếp tục xuất siêu trên 2,71 tỷ USD, đặc biệt nhiều sản phẩm mới được xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Mặt bằng lãi suất ổn định, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tỷ giá ngoại hối tăng xấp xỉ 1% nhưng nằm trong dự báo từ trước. "Do nắm bắt tình hình nên Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, có phương án điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp khi cung cầu ngoại tệ có vấn đề. Trong điều kiện thị trường hiện nay, chúng tôi hoàn toàn có công cụ, phương án cần thiết điều chỉnh để can thiệp kịp thời, không gây tâm lý xáo trộn trên thị trường; gây tác động lên lạm phát", Thống đốc khẳng định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã mua ròng thêm 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, đưa dự trữ ngoại hối lên khoảng 63,5 tỷ USD, mức cao nhất trong nhiều năm qua. So với dữ liệu được công bố cách đây một tháng, dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng khoảng 0,5 tỷ USD.
Điều đáng mừng là, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được cải thiện, bộ máy và biên chế có tiến bộ so với cùng kỳ. “Đa số người dân tin tưởng, ghi nhận những kết quả đạt được. Đặc biệt, phần lớn người dân tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, “vừa qua có nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án xảy ra, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, thực thi công vụ. Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm. Mô hình tốc độ tăng GDP năm 2018 có xu hướng giảm dần, từ 7,45% của quý I (sau khi đánh giá lại) đã giảm xuống còn 6,79% của quý II và 7,08% của 6 tháng.
Sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm cũng rất lớn. CPI vừa qua tăng mạnh, lên mức 0,61%, cao nhất 7 năm qua, chủ yếu từ xăng dầu, ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng. Phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn rào cản, có dấu hiệu “chững lại”…
4 nguyên nhân làm đất nước “trì trệ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trì trệ” của đất nước. Đó là, chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng, kéo dài và cuối cùng là bệnh quan liêu, xa dân.
“Tôi nói cái này để những nhà chính sách suy nghĩ để làm sao khắc phục những nguyên nhân này để nước ta phát triển nhanh hơn, xa hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục hủy bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện, ngăn chặn sự xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới nằm “núp bóng” ở thể chế chính sách pháp luật mới ban hành.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, “không thể để tình trạng không làm cũng không sao, làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ”. Cho nên, cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn, hiệu quả hơn.
“Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sức ì cải cách xuất hiện ngày càng lớn, nhất là một số vụ việc gần đây xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm. Sức ì này, trách nhiệm này, chúng ta chưa làm đến nơi, đến chốn. Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm thì làm sao xã hội phát triển được, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí – những người thực thi”, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa, cải cách đừng làm hình thức, đừng chỉ hô khẩu hiệu mà phải đi vào thực chất, tạo niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp.
Đã nửa nhiệm kỳ trôi qua, Thủ tướng đề nghị, từng thành viên Chính phủ đánh giá ngành mình, chủ tịch tỉnh đánh giá địa phương mình, cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên đáp ứng yêu cầu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao. “Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm”, Thủ tướng nói.
Đề cập đến sự việc xảy ra tại tỉnh Bình Thuận ngày 10-11/6 vừa qua, theo người đứng đầu Chính phủ, "chúng ta không được để kẻ xấu kích động nhân dân. Lực lượng chức năng cơ bản chủ động nhưng một số tỉnh còn chủ quan, điều này cần lưu ý để các tỉnh, thành thấy an ninh trật tự (ANTT) là việc quan trọng, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội".
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: HG
Dứt khoát không để xảy ra biểu tình, “điểm nóng” phức tạp
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận, sự việc xảy ra vừa qua là bài học lớn. Sau vụ gây rối, đến nay tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh đã ổn định. Lãnh đạo tỉnh, công an đang tập trung chỉ đạo, củng cố các chứng cứ để xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng cầm đầu, chủ mưu.
“Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm. Tới đây, sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân để nâng cao nhận thức, đề phòng cảnh giác trước âm mưu chống phá của thế lực thù địch, không để kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước xúi giục biểu tình”.
Cam kết, “dứt khoát không để phát sinh tình hình phức tạp xảy ra như vừa qua”, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, “sẽ tập trung quyết liệt đồng bộ, triệt để, hết sức nghiêm túc, trách nhiệm trước dân. Đặc biệt, chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, giải quyết triệt để các khiếu nại (KN), tố cáo (TC), những vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân”.
Để bảo đảm ANTT, Thượng tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết những yếu tố tiềm ẩn phức tạp.
“Đối thoại với nhân dân, rà soát những bức xúc có thể hình thành những điểm “nóng”; nghiên cứu kỹ nội dung, nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân, có cách đối thoại để giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hoà lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp và người dân, không để xảy ra phức tạp”, Thượng tướng nêu.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý thêm, trên mạng xã hội vẫn đang tiếp tục kêu gọi biểu tình. Cho nên, không được mất cảnh giác. Các địa phương phải thực hiện cho tốt nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT, thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”.
“Cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn từ đầu, giải tán từ đầu, phân hóa từ đầu, không để đối tượng tụ tập, gây rối ANTT, dẫn đến biểu tình, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình xấu thì xử lý rất phức tạp.
Cũng theo Phó Thủ tướng, phải lắng nghe đối thoại với công dân, giải quyết KN,TC cho đúng, cho trúng vấn đề người dân nêu. Những việc người dân chưa hiểu pháp luật, đòi hỏi quá đáng thì phải giải thích…
“Cũng có những vụ việc mà lỗi là do chính quyền. Qua thanh tra một số vụ việc, dự án lớn cho thấy, có những vụ có lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân”, ông Trương Hòa Bình nêu rõ.
Cho nên, phải xem giải quyết từng người, từng trường hợp, từng vụ việc, không được chủ quan. “Có những vụ việc giải quyết đi, giải quyết lại hàng chục lần, xem lại vẫn thấy có khuyết điểm của chính quyền trong giải quyết KN của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
“Ở đâu KN đông người, tỉnh đó chịu trách nhiệm”, Thủ tướng chốt lại và giao Thanh tra Chính phủ đôn đốc, kiểm tra từng vụ việc ở từng địa phương theo kết luận của Thủ tướng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong quý II, số lượt người, số vụ việc, số đoàn đông người đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 87.135 lượt công dân (tăng 6,6%) với 63.229 vụ việc (tăng 12,7%); có 1.018 đoàn đông người (tăng 20%). Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 5.036/7.592 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 66,3%). Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 24 tỷ đồng, 6ha đất; trả lại quyền lợi cho 409 người, kiến nghị xử lý hành chính 46 người, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, 51 đối tượng. |
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình