Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quốc hội không đồng ý “chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”, loại nguy cơ lợi dụng chính sách

Hương Giang

Thứ sáu, 23/06/2023 - 09:36

(Thanh tra) - Sáng ngày 23/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Với luật được thông qua, Quốc hội không đồng ý quy định “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: P.Thắng

Trước đó, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có quy định về “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt” tại khoản 3 Điều 34. Thảo luận ở tổ và hội trường, một số ý kiến đại biểu đề nghị không quy định.

Ý kiến khác cho rằng, áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thể lường trước được trong tương lai.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi không quy định việc đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư áp dụng đối với các dự án đầu tư có liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Như vậy, việc quy định về nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại Dự thảo Luật Đấu thầu là chưa thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai.

“Dự thảo luật hiện còn nhiều yếu tố không bảo đảm tính minh bạch, chưa rõ ràng về quy trình, thủ tục, tiềm ẩn nguy cơ có thể bị lợi dụng chính sách, đặc biệt đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất để kinh doanh thương mại. Hơn nữa, cho đến nay chưa có tiền lệ áp dụng cơ chế này”, ông Mạnh nêu.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ quy định về “lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt”.

Công ty con của doanh nghiệp Nhà nước phải đấu thầu chọn nhà thầu

Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có 96 điều, quy định “về quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh”.

Kết quả Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: H.G

“Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”, thuộc phạm vi điều chỉnh của của Luật Đấu thầu.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức.

“Một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch”, ông Lê Quang Mạnh báo cáo.

Trước đó, tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022), Chính phủ đề xuất không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1 như Chính phủ trình.

Phương án 2 quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình thảo luận ở hội trường, đây là vấn đề có ý kiến khác nhau, tranh luận.

Có thể mua sắm tập trung thuốc hiếm số lượng ít

Liên quan đến mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, luật được Quốc hội thông qua quy định, “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: P.Thắng

Quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định này. Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo thông lệ quốc tế, mua sắm tập trung thường áp dụng với hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

"Do điều kiện đặc thù của Việt Nam, với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp mua sắm tập trung với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện.

Điều này để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm