Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý tài sản công: Chống được tham nhũng, tiêu cực, dân mới yên tâm

Thứ sáu, 16/09/2016 - 08:12

(Thanh tra)- Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong quản lý, sử dụng tài sản công phải hiệu quả, tiết kiệm, chống được tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong tình hình mới thì dân rất yên tâm...

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho ý kiến dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Ảnh: TN

Ngày 15/9, Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV và Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi).

Phải giảm được tình trạng sử dụng tài sản công lãng phí

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đặt câu hỏi: Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công? Đề nghị báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Tính tới tháng 7/2016, khối cơ quan Nhà nước đang sử dụng hơn 16.653 chiếc xe công; khối đơn vị sự nghiệp quản lý hơn 16.194 chiếc; khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc… Theo bà Nga, hiện tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng xe quá niên hạn. Cho nên Dự thảo Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được tình trạng sử dụng xe công sai mục đích.

Đồng ý rất cần thiết ban hành luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhận định, quản lý tài sản công của ta trong những năm vừa qua có những mặt tốt. Nhưng cái chưa tốt là thất thoát lãng phí lớn trên nhiều phương diện. “QH nói nhiều về trụ sở, công sở, xe công… Tất cả điều đó, tôi cho rằng là do mình làm không đúng thôi. Một lãnh đạo đi xe cũ, trong khi một tổng giám đốc lại đi xe hoành tráng, điều này là vô lý. Phải sắp xếp công bằng. Người nào thì đi xe nào cho đúng. Ở cũng thế, đi cũng thế”, ông Việt nói.

Song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh băn khoăn khi Dự thảo Luật “xung đột” với các luật chuyên ngành, mà nếu không giải quyết thì cuối cùng sẽ là thất thoát, thua thiệt. Ông ví dụ, với Trung tâm hành chính Đà Nẵng, giả sử không sử dụng được phải chuyển đi chỗ khác. Nhưng đúng, sai việc này lại chịu chi phối bởi Luật Xây dựng, nếu như vậy Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước lại không tác dụng.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong quản lý, sử dụng tài sản công phải hiệu quả, tiết kiệm, chống được tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong tình hình mới. Luật mà đáp ứng được yêu cầu đó thì cử tri rất yên tâm. Nhưng hiện đang lúng túng về phạm vi điều chỉnh. Theo Phó Chủ tịch QH, không nên quá “cầu toàn”, đừng đưa ra quan điểm điều chỉnh hết những gì theo khái niệm tài sản công gồm cả tài sản vô hình, tài sản trí tuệ, tài sản hữu hình… nếu không sẽ sa lầy, đụng tới nhiều luật chuyên ngành.

Vụ Phạm Công Danh bằng 300 năm miễn thuế đất nông nghiệp cho dân

Liên quan đến việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo tính toán của Chính phủ, tác động tới ngân sách Nhà nước không lớn. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn là khoảng 53,5 tỷ đồng (trong đó hộ gia đình, cá nhân là 34,3 tỷ đồng), diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn khoảng 93.917 ha, tổng số đối tượng dự kiến được miễn là 77.136.

Ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như các thành viên UBTVQH đều nhất trí cao với các nội dung Chính phủ đề xuất vì góp phần “khoan thư sức dân”. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, thu nhập nông dân rất thấp, giá thành sản phẩm bấp bênh ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân nên việc có chính sách ưu đãi là điều rất tốt.

“Tôi tính 34 tỷ đồng tiền thuế nếu có thu của nông dân mà đem so sánh với số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh là 300 năm (đại án hơn 9.000 tỷ đồng - PV), vụ Trịnh Xuân Thanh là 100 năm (hơn 3.200 tỷ - PV)”, ông Võ Trọng Việt nêu ví dụ và nhấn mạnh nếu làm tốt phòng, chống tham nhũng, chưa nói lãng phí tiêu cực thì số tiền vào ngân sách rất lớn so với thu từ người nông dân.

Còn Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm việc miễn toàn bộ thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nông, lâm trường.

“Thực tế có việc sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí nguồn lực Nhà nước, trục lợi. Diện tích này lớn, nếu không quản lý được mà còn miễn giảm thì tạo ra kẽ hở lớn trong quản lý đất đai. Chính phủ cần có khảo sát đánh giá thực trạng để xem có nên miễn giảm cho đối tượng này hay không”, ông Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, “đằng sau đấy phải giải quyết câu chuyện miễn thuế nhưng đất bỏ hoang, cũng như với chính sách xoá đói giảm nghèo thì có hiện tượng ỷ lại, trông chờ, không chủ động phát triển. Cứ lợi dụng chính sách mà để đất bỏ hoang thì cũng phải có chế tài xử lý. Rồi có chuyện phát canh thu tô, lợi ích nhóm”. Chính phủ cần rà soát để đảm bảo chính sách vào cuộc sống, đúng đối tượng thụ hưởng.

QH không né tránh tình hình Biển Đông và Formosa

Thảo luận, cho ý kiến vào việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV (dự kiến khai mạc vào ngày 20/10), đa số ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng về khắc phục sự cố Formosa và tình hình Biển Đông.

“Có những vấn đề QH cho rằng nhạy cảm cần cân nhắc kỹ, chỉ cho nghe hoặc báo cáo đến mức nào đó nhưng tôi cho rằng như thế là hạn chế vị thế của QH. Vấn đề quan trọng nhất là đại biểu và dân cần phải biết, cứ bảo nhạy cảm phức tạp mà không đưa ra QH là tự hạ thấp vị thế của QH”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta không tránh né nữa, mà QH cần phải biết những vấn đề nóng bỏng liên quan đến đất nước, ảnh hưởng đến sinh mệnh của đất nước”. Do đó, Chủ tịch QH nhất trí việc với sự cố môi trường Formosa phải có báo cáo riêng, đầy đủ về các vấn đề mà QH cần phải biết. Phần thảo luận về nội dung này bố trí chung với nội dung kinh tế - xã hội. Vấn đề Biển Đông cũng cần có báo cáo riêng, nhưng khác là báo cáo tình hình Biển Đông sau phán quyết của toà trọng tài thường trực, phản ứng của các nước cũng như giải pháp của chúng ta.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm